Tổng cục Du lịch vừa chính thức phát động chiến dịch mang tên “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” để chào đón khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam. Đây được xem là động thái sẵn sàng cho ngày mở cửa của du lịch Việt Nam.
Tăng cường công tác quảng bá
Chiến dịch “Living fully in Vietnam - Sống trọn vẹn ở Việt Nam” vừa được triển khai, quảng bá trên trang du lịch Việt Nam (Vietnam.travel) và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Pinterest… hướng đến 5 điểm đến là Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Đây cũng là những điểm đến được chọn thí điểm mở cửa đón khách du lịch trong thời gian tới. Hiện 5 điểm đến đều có tỷ lệ tiêm chủng cao, ví dụ ở Phú Quốc đã có 90% dân số được tiêm chủng vaccine Covid-19 đầy đủ.
Chiến dịch được khởi động ngay sau khi Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) vinh danh Việt Nam là điểm đến hàng đầu châu Á 2021. Trong đó, WTA cũng công nhận Vịnh Hạ Long là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu châu Á. Còn với điểm đến Hội An cũng thường xuyên giành được các giải thưởng du lịch toàn cầu với các danh hiệu như thành phố “lãng mạn nhất,” “đẹp nhất,” “quyến rũ nhất” hoặc “điểm đến văn hóa tốt nhất”… Nha Trang và Đà Nẵng là hai điểm đến nổi bật bên bờ biển đắc địa. Nếu Phú Quốc là một thành phố nghỉ dưỡng có cuộc sống về đêm sôi động và náo nhiệt thì Đà Nẵng nổi tiếng là thành phố biển mang lại cảm giác mới mẻ, sáng tạo và cân bằng.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, nhằm chuẩn bị cho ngày mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì công tác truyền thông quảng bá là công việc quan trọng không kém so với các công tác chuẩn bị khác, thậm chí công tác này cần phải đi trước. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng nội dung truyền thông hướng tới các thị trường khách du lịch mục tiêu của Việt Nam. Hiện Bộ VHTTDL đang tiếp tục làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để cùng phối hợp tuyên truyền cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, và thông tin tới khách du lịch một cách chi tiết. Bộ VHTTDL cũng đã làm việc với các hãng truyền thông quốc tế lớn, mà họ hướng tới mục tiêu là Việt Nam như CNN, CNBC… để có những chương trình truyền thông mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Khánh cũng cho biết, trong hướng dẫn tạm thời số 4122 về Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng đã nêu rất rõ việc địa phương cần làm gì, các doanh nghiệp lữ hành cần làm gì, các doanh nghiệp khác liên quan tại địa phương cần làm gì? Chúng tôi cũng đang cố gắng mô hình hóa, dạng infographics để tiện quảng bá. Tôi đề nghị các doanh nghiệp cần đọc kỹ hướng dẫn. “Về vấn đề khách đi ra quốc tế chúng tôi cũng rất mong muốn, nhưng hiện tại chúng ta đang nói tới thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, còn dần dần từng bước chúng ta sẽ triển khai tiếp” - ông Khánh nói.
Hướng tới thị trường trọng điểm
Theo Tổng cục Du lịch, thị trường trọng điểm trong thời gian tới sẽ là nguồn khách đến từ vùng Đông Bắc Á. Trong đó, những nước như Nhật Bản, Đài Loan đang được đánh giá là những thị trường tiềm năng. Còn với Đông Nam Á, sắp tới ASEAN đang có dự định ban hành hiệp định đi lại tự do, đảm bảo các nguyên tắc an toàn, đây cũng là những thị trường mà Việt Nam hướng đến. Ngoài ra thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, New Zealand cũng là những thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, tùy vào tình hình thực tế, việc đón khách du lịch sẽ được thực hiện linh hoạt, không hạn chế về thị trường với tiêu chí là du khách phải bảo đảm đủ các điều kiện để nhập cảnh và du lịch tại Việt Nam.
Thông tin từ Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, vào 12h ngày 20/11, đoàn khách đầu tiên với 250 người từ Hàn Quốc sẽ đáp chuyến bay Vietjet Air tới Phú Quốc. Trong giai đoạn 1, Kiên Giang tổ chức đón khách tại 13 cơ sở lưu trú. Du khách sẽ tham quan, mua sắm, trải nghiệm ngay trong khu lưu trú với các dịch vụ như Safari, sân golf, Sunworld...
Bên cạnh việc thử nghiệm “mở cửa” đón khách quốc tế thì du lịch an toàn cũng đang được các cơ quan quản lý thặt chặt. Ông Lê Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, trong bối cảnh chúng ta cần sự an toàn, linh hoạt và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Chúng tôi yêu cầu địa phương từng bước mở lại hàng quán các các dịch vụ. Bên cạnh đó các công ty lữ hành cũng phải phối hợp với địa phương để xây dựng các chương trình an toàn.
Cũng theo ông Phương, về mặt thị trường, hiện nay chúng ta đã xây dựng được quy trình và đảm bảo được an toàn phòng, chống dịch. Khi đối tượng khách đã đạt đủ các yêu cầu về phòng chống dịch, thì chúng ta hoàn toàn có thể tiếp đón. Chúng ta cũng phải xác định rằng du khách không chỉ xuất phát từ một điểm cố định mà còn đi qua nhiều điểm khác nhau. Điều quan trọng nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ và địa phương. Chúng ta có những hướng dẫn rất cụ thể để giúp địa phương đón khách một cách an toàn. Về đề xuất bảo hiểm, ở đây chúng ta không đặt ra vấn đề bảo hiểm Covid-19, mà có thể mở rộng ra là bảo hiểm du lịch, trong đó có Covid-19. “Chúng ta có thể sàng lọc ban đầu, nhưng quan trọng là các phương án để đảm bảo xử lý nếu có vấn đề xảy ra rủi ro. Đây là điều mà chúng tôi đã làm việc rất kỹ càng với các địa phương” - ông Phương nói.