Du lịch cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi ngành công nghiệp không khói thời kỳ hậu Covid-19. Tuy nhiên, khi địa phương đóng vai trò chủ thể thì du lịch cộng đồng đang gặp phải nhiều lúng túng trong cách triển khai.
Sử dụng quỹ hỗ trợ hiệu quả
Nằm trong chuỗi talkshow “Dìu nhau vượt khó - khởi đà khôi phục”, mới đây, Chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) đã tổ chức buổi thảo luận trực tuyến kỳ 3 với chủ đề “Kết nối định hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng cho các địa phương”. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, nhằm chuẩn bị phục hồi cho ngành du lịch thời kỳ bình thường mới, từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Quỹ Hỗ trợ Phát triển du lịch đã chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, với lĩnh vực du lịch cộng đồng lại đang vướng phải nhiều vướng mắc trong cách triển khai.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Phạm Lê Thảo cho biết, thời gian qua Tổng cục Du lịch đã có văn bản gửi về các địa phương đề nghị tập hợp, đề xuất các dự án, các hoạt động trong khuôn khổ phạm vi hoạt động của quỹ, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng. Thế nhưng đến thời điểm này, có rất ít địa phương gửi đề xuất để nhận nguồn hỗ trợ kinh phí từ quỹ.
Cũng theo bà Thảo, tất cả các nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương nhằm để tôn tạo hạ tầng đón khách du lịch. Trung ương hết sức tôn trọng đề xuất của các địa phương. Vì vậy, các địa phương cần có chiến lược cụ thể, muốn triển khai dự án nào hãy đề xuất các cơ quan quản lý du lịch của địa phương đó để tổng hợp báo cáo gửi lên các cơ quan cấp cao hơn. “Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn kinh phí hỗ trợ của quỹ sẽ góp phần phát triển du lịch của địa phương, đặc biệt là các hoạt động du lịch cộng đồng được chuyên nghiệp và đáp ứng các yêu cầu về an toàn du lịch” - bà Thảo nói.
Có thể nói, câu chuyện kích cầu du lịch và đặc biệt là hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của nhiều địa phương đang gặp phải khá nhiều trở ngại. Trong đó, chính quyền nhiều nơi hiện nay không nắm rõ được các thị trường địa phương nên khi xây dựng các đề án còn khá lúng túng trong cách triển khai. Bên cạnh đó, nhiều năm qua du lịch cộng đồng đa phần nhằm phục vụ cho du khách quốc tế, với du khách nội địa là còn khá mới mẻ.
Theo cố vấn Du lịch của dự án Great Cao Đại Hùng, tác động của dịch Covid-19 sẽ còn rất dài và còn rất lâu để khôi phục được thị trường khách quốc tế. Do đó, khi hướng đến đối tượng khách nội dịa cần nắm bắt, tìm hiểu được rõ nhu cầu từ đó xác định các điểm đến khả thi. Đối tượng khách hiện nay đã phần nhó khách lẻ, nhóm bạn bè, gia đình nhỏ… nên cần nhu cầu thị trường để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp để từ đó thích ứng và phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới.
Nắm bắt xu thế
Từ thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng dù còn khá mới mẻ với phần lớn khách du lịch trong nước nhưng không hẳn là thiếu đi những nguồn khách tiềm năng. Với yêu cầu an toàn được đặt lên hàng đầu, thì hiện nay các hoạt động du lịch đang hướng đến là được “gói nhỏ”, đi ngắn ngày và gần nơi cư trú thì các mô hình du lịch cộng đồng đang có rất nhiều lợi thế.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Việt Nam hiện có 23 vườn quốc gia, 35 khu bảo tồn thiên nhiên có tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng. Trước khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các điểm đến này đã đón khoảng 2,5 triệu lượt khách và mang lại doanh thu khoảng 185 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, làng nghề cũng như những lợi thế về nông nghiệp nhiều địa phương, thậm chí là ngay các thành phố lớn đang có nhiều tiềm năng đề phát triển du lịch cộng đồng.
Đơn cử như ngay tại Hà Nội là làng cổ Đường Lâm, chùa Hương, Ba Vì… Theo chia sẻ của Phó Trưởng ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An, trong năm 2020 dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng do chuyển hướng sang du lịch cộng đồng nên nhiều hộ gia đình làm du lịch tại làng cổ Đường Lâm vẫn có những nguồn thu nhất định khi dịch được kiểm soát. Thậm chí nhiều gia đình khi thấy được lợi ích của làm du lịch cộng đồng đã có ý thức hơn trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch cũng như bảo tồn, giữ gìn các ngôi nhà cổ. Hay như tại Ba Vì, Bát Tràng với lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên hay làng nghề cũng đang tạo ra những lợi thế nhất định cho địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các chuyên gia du lịch thì tại hai điểm đến này sự phát triển vẫn còn khá manh nha, tự phát và đặc biệt là thiếu các cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Để tìm ra hướng đi cho du lịch cộng đồng, GS.TS Nguyễn Văn Đính - Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch đang có xu hướng phát triển mạnh hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để phát triển du lịch cộng đồng đúng cách, có hiệu quả và bền vững thì việc nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, thực hiện những giải pháp đồng bộ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.
“Tổng cục Du lịch nên nghiên cứu và cung cấp cuốn “Sổ tay hướng dẫn du lịch cộng đồng” làm tài liệu tham khảo cho các địa phương, cho cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng” - GS.TS Nguyễn Văn Đính đề xuất.
GS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc phát triển du lịch cộng đồng không nên làm ồ ạt, theo phong trào mà cần có sự chuẩn bị bài bản, nhất là công tác tìm hiểu thị trường khách, quảng bá và các điều kiện phục vụ khách. Không tính đầy đủ các yếu tố này thì dễ đi đến thất bại. Ngành Du lịch và chính quyền địa phương cần có hướng dẫn và có các qui định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên, vệ sinh nhà ở, thôn xóm, vệ sinh an toàn thực phẩm; tránh tình trạng bê tông hóa…