Du lịch

Du lịch tiếp đà phục hồi

Phạm Sỹ 28/12/2023 07:53

Năm 2023 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam với kết quả rất ấn tượng. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm. Khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch. Những con số đó được kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá trong năm 2024.

coverchuan.jpg
Du khách quốc tế hào hứng chinh phục đỉnh Fansipan. Ảnh: Quang Vinh.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia, năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5 - 13 triệu lượt) của năm. Khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% so với kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023.

Việt Nam đạt nhiều giải thưởng của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2023 (trong đó, lần thứ tư Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ năm được bình chọn là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”). Cùng với danh hiệu “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2023”, Việt Nam còn có các điểm đến cấp địa phương cũng được trao tặng hạng mục giải thưởng.

Hà Nội nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”; Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) giành danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”; Mộc Châu (Sơn La) được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”... Theo công bố mới đây của Travel Lemming - website hướng dẫn du lịch trực tuyến, Đảo ngọc Phú Quốc của Việt Nam đứng ở vị trí thứ sáu trong 50 điểm đến du lịch hàng đầu năm 2024. Travel Off Path (chuyên trang du lịch nổi tiếng của Mỹ) cũng có bài viết nêu lý do Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến được yêu thích của những tín đồ “du mục kỹ thuật số” với chính sách thị thực thông thoáng.

Có được kết quả đó là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Hệ thống sản phẩm du lịch liên tục được làm mới, đa dạng, tăng sức hấp. Việc tạo thuận lợi cho khách du lịch như xuất nhập cảnh, đã có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách du lịch. Chủ trương chấn hưng văn hóa với các di sản trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, hấp dẫn khách quốc tế. Đặc biệt, các thị trường truyền thống của Việt Nam khi mở cửa và phục hồi đã đem lại nguồn khách lớn. Đây chính là các tác động thu hút khách quốc tế.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2023 là năm trở lại hết sức ấn tượng của Đà Nẵng nói riêng và nhiều địa phương cả nước trong tổng thể chung của du lịch Việt Nam. Đà Nẵng là một trong những điểm đến có sự phục hồi hết sức mạnh mẽ. Cộng đồng doanh nghiệp đã có sự quay trở lại, vượt qua được hầu hết các khó khăn của 3 năm dịch bệnh và có những tín hiệu hết sức lạc quan cho năm 2024.

Năm 2023 cũng là một năm được đánh giá rất thành công đối với du lịch tỉnh Hà Giang. Ông Lại Quốc Tĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang chia sẻ, đầu năm, Hà Giang đặt mục tiêu thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách. Đến cuối năm 2023, Hà Giang đã đạt được tổng số hơn 3 triệu lượt khách. Từ đó tạo thêm nguồn thu lớn và đặc biệt tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, tạo ra diện mạo khác của vùng nông thôn khu vực Hà Giang. “Để thu hút được du khách như vậy, du lịch Hà Giang siết chặt quản lý, không có chuyện “chặt chém”, không xảy ra việc tăng giá trong dịp lễ Tết. Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo, tuyên truyền giữ đúng giá và tạo sự khác biệt để mọi người đến với Hà Giang thực sự là hành trình hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới để du khách đến với Hà Giang có những trải nghiệm thực sự, chạm đến trái tim du khách” - ông Tĩnh nói.

anhthay.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm gói bánh chưng Tết của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Đổi mới tư duy để phát triển bền vững

Theo Tổng cục Du lịch quốc gia, năm 2023 hoạt động du lịch còn tồn tại một số hạn chế. Một số quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn về kinh doanh lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên không còn phù hợp với thực tiễn. Thiếu cơ chế thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch chất lượng cao… Vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch (kinh doanh không có giấy phép, kinh doanh không đủ điều kiện theo quy định pháp luật, vi phạm về điều kiện ký quỹ, người điều hành, quảng cáo sai sự thật…).

Những hạn chế này, theo các chuyên gia cần phải được thẳng thắn nhìn nhận. Bởi trên thực tế, việc phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa-lịch sử; chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng sản phẩm du lịch còn hạn chế, chủ yếu cung cấp các sản phẩm dịch vụ chúng ta có mà chưa chú trọng đáp ứng sản phẩm, dịch vụ mà du khách cần...

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, năm 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực hơn nữa, quyết tâm thu hút và phục vụ trên 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia có du lịch phát triển cao trong khu vực, bứt phá trong năm mới.

anh-2.jpg
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Ảnh: Quang Vinh.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, việc phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ; phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số; chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại.

Các doanh nghiệp lữ hành cũng chia sẻ, mặc dù lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đã tăng đáng kể, song để đạt được tăng trưởng như trước năm 2019 thì sẽ còn nhiều việc cần phải làm. Tránh đi lại lối mòn cũ và chấm dứt tình trạng ăn xổi thì sự phát triển mới thực sự bền vững. Ông Nguyễn Công Hoan - CEO Flamingo Redtours cho rằng, nguồn khách nội địa rất quan trọng đối với ngành du lịch. Hoàn toàn có cách để thu hút khách nội địa và nâng mức chi trả. Để thu hút, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, theo ông Hoan, chúng ta không thể mãi cứ giảm giá. Điều cần làm là các đơn vị phải thường xuyên xây dựng sản phẩm mới, tạo được dịch vụ phù hợp, điểm đến hấp dẫn mới để truyền thông, quảng bá tới du khách.

Ông Nguyễn Viết Tạo - đại diện Khách sạn JW Marriott Hanoi nhận định, nhiều địa điểm du lịch do vướng mắc quy hoạch nên phát triển còn lộn xộn, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Thời gian qua, không ít điểm đến tăng giá dịch vụ theo mùa, giá vé máy bay tăng cao, tác động trực tiếp đến du khách. “Nếu còn tư duy du lịch mùa vụ là đang tự ghè đá vào chân mình. Để du lịch phục hồi và phát triển bền vững thì cần kiến nghị với lãnh đạo địa phương để góp phần phát triển du lịch bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm tốt để cạnh tranh với các nước trong khu vực” - ông Tạo kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam nhận định, hiện nay các địa phương đang rất khó khăn trong việc triển khai kinh tế ban đêm, chưa tận dụng hết được thế mạnh văn hóa, lịch sử đất nước con người, những tập tục của người dân. Điều đó cần phải được đẩy mạnh trong năm 2024.

anh-theo-box.jpg

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, việc phục hồi mạnh mẽ của du lịch năm 2023 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đối với việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch tiếp đà phục hồi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO