Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang trên đà phục hồi tăng trưởng kể từ sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, nỗi lo lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực.
“Khát” nhân lực cao
Vietravel là một doanh nghiệp (DN) không còn xa lạ trong lĩnh vực du lịch, trong đó có nhiều hoạt động phối hợp phát triển liên kết vùng của TPHCM với nhiều địa phương. Thế nhưng, đại diện Vietravel cũng phản ánh, hiện tại rất khó để tuyển dụng các vị trí nhân lực du lịch liên quan đến công nghệ thông tin, định hướng và phát triển dự án. Trong khi, để tự đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho ứng viên mới cũng sẽ chiếm khá nhiều thời gian.
Để có được nguồn nhân lực cao, một số đơn vị du lịch, lữ hành sẵn sàng “trải thảm đỏ” để mời gọi những người có nhiều năm kinh nghiệm về đầu quân. Anh Đỗ Quang Thành, từng là hướng dẫn viên cho một công ty lữ hành tại Hà Nội, thường xuyên tổ chức các tour dọc chiều dài đất nước, có điểm cuối là TPHCM. Sau thời gian gần 5 năm làm việc cho công ty, anh Thành đã quyết định để trở thành một freelandcer (làm việc tự do).
“Làm việc tại một đơn vị lữ hành, tôi thường xuyên phải thay đổi thói quen sinh hoạt để nhận tour dài ngày thường kéo dài từ một tuần đến nửa tháng. Hơn nữa, việc nhận các khoản thù lao cũng chưa tương xứng giữa các nhân lực tại cùng một vị trí việc làm, do đó tôi đã quyết định tìm hướng đi mới”- anh Thành nói.
Còn theo TS Trần Duy Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TPHCM, ngành du lịch là một trong những ngành khá “khó tính”. Từng nhiều năm tư vấn cho các địa phương cũng như các DN làm du lịch cộng đồng, TS Linh cho biết, để có thể thu hút du khách thì nhân lực du lịch phải được trang bị những kiến thức cơ bản từ khâu ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp, kỹ năng giao tiếp và ứng xử trong hoạt động du lịch, kỹ năng về tiếp thị điểm đến và bán hàng, kiến thức về xây dựng và phát triển du lịch homestay.
Về thực trạng “khát” nhân lực cao, tại một tọa đàm đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch do Sở Du lịch TPHCM tổ chức, bà Đoàn Trần Phương Thảo - Giám đốc nhân sự của Tập đoàn khách sạn InterContinental Saigon đã thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay trình độ ngoại ngữ của lực lượng lao động trong hoạt động du lịch đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu và còn gặp phải phàn nàn từ khách hàng. Trong khi đó, các chương trình đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo cũng chưa sát với thực tế công việc, chất lượng chuyên môn, kỹ năng của ngành du lịch. Đó là chưa kể, tính liên thông về chương trình, kết cấu chương trình đào tạo nhân lực ngành du lịch giữa các cơ sở với nhau cũng chưa đồng nhất, dẫn đến các công ty hầu hết phải đào tạo lại khi tuyển dụng nhân lực mới.
Cần tầm nhìn dài hơi
Theo khảo sát của Sở Du lịch TPHCM, luôn cần khoảng 40.000 lao động có trình độ. Tuy nhiên, hiện các trường đào tạo tay nghề cao cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 - 17.000 lao động du lịch. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự báo riêng trong 2 năm gần nhất ngành du lịch cả nước cần tới 485.000 lao động phục vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch. Với nhu cầu nhân lực ngày càng cao, Hiệp hội Du lịch Việt Nam dự báo đến năm 2025 cả nước sẽ cần tới 950.000 đến 1,05 triệu buồng lưu trú và đến năm 2030 sẽ phải đáp ứng cho nhu cầu 1,3-1,45 triệu buồng lưu trú trên phạm vi cả nước. Để đáp ứng nhu cầu của toàn ngành du lịch, nhu cầu về nhân lực chỉ tính riêng khối cơ sở lưu trú du lịch đã vào khoảng hơn 800.000 người đến năm 2025 và đạt mốc 1 triệu người 5 năm sau đó.
TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Quản lý và Kinh tế TPHCM cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị ngay từ sớm, nhất là khâu đào tạo nhân lực thì TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương phát triển du lịch buộc phải “nhập khẩu” lao động trong khu vực.
Du lịch đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của kinh tế TPHCM khoảng 11% hàng năm. Bên cạnh đó, lượng khách quốc tế dù có giai đoạn trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xu hướng chung tăng bình quân 15%/ năm. Với tốc độ tăng trưởng của doanh thu du lịch như vậy cho thấy ngành du lịch TPHCM bên cạnh chiến lược tạo ra ngày càng nhiều những sản phẩm, tour tuyến hấp dẫn để thu hút thì phải song song đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực cao cho ngành này.
Về giải pháp cụ thể, bà Võ Thị Mỹ Vân - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist cho rằng Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu mở rộng các chương trình liên kết trong nước và quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực du lịch lâu dài. Đối với từng địa phương cũng cần tạo điều kiện thuận lợi và chế độ hỗ trợ phù hợp cho các cơ sở đào tạo và DN lữ hành, nhà hàng, khách sạn…trong phối hợp đào tạo, đáp ứng nhu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch TPHCM.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, để đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực cao cho ngành du lịch đang ngày càng phục hồi nhanh chóng, Sở đang chủ động phối hợp với Cục Thống kê để đánh giá tổng thể thực trạng nguồn nhân lực du lịch của thành phố, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu, có định hướng lâu dài. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH và Sở Du lịch TPHCM cũng có kế hoạch phối hợp trong vai trò cầu nối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong đào tạo nhân lực cho ngành du lịch trong thời gian tới.