Mặc dù số lượng khách du lịch tăng nhanh thời gian qua, tuy nhiên, mức độ chi tiêu và lưu trú của du khách tương đối thấp. Đó là thực tế buộc các điểm đến phải xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn để có thể thu hút du khách quay trở lại.
Tiềm năng lớn
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Du lịch, sau khi chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam đã có những bước tăng trưởng cả về chất và lượng. Mới đây, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cả nước đón hơn 300.000 lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ du khách đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100%. Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn thu từ khách du lịch vẫn chỉ đạt được những con số tương đối khiêm tốn.
Theo chia sẻ từ các đơn vị lữ hành, kỳ nghỉ lễ vừa qua, lượng khách đoàn khá khiêm tốn, chủ yếu là khách gia đình, nhóm khách lẻ đi tự túc, trải nghiệm ngắn ngày. Tại Khánh Hòa, chỉ có 1/4 trong tổng số gần 800.000 du khách đến địa phương này nghỉ lại các điểm lưu trú. Tại Vũng Tàu và Đà Lạt có khoảng 1/3 lượng khách nghỉ lại qua đêm. Hay như Phú Quốc trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua giảm khoảng 11,5% so với cùng kỳ.
Thực tế, việc du khách lựa chọn đi du lịch theo hình thức cá nhân, ngắn ngày và tiết kiệm chi tiêu đã là những “bất cập” kéo dài của ngành du lịch trong nhiều năm qua. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là hoạt động dịch vụ, trải nghiệm tại các điểm đến du lịch hiện nay là tương đối nghèo nàn. Thậm chí nhiều điểm du lịch nổi tiếng cho dù lượng khách đến đông nhưng nhiều khách không trở lại.
Hiện nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển mới chiếm khoảng 2% tổng lượng khách, còn rất nhiều dư địa để khai thác. Bởi thực tế, Việt Nam chưa có những tàu du lịch lớn quy mô vài nghìn chỗ để phục vụ du khách Việt đi du lịch bằng đường biển ở cả trong nước và ra nước ngoài. Theo Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Phạm Hồng Long, các điểm đến biển đảo hấp dẫn của Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, nhiều bãi tắm, vịnh, đảo được vinh danh hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ khai thác được khoảng 20% bãi biển dọc đất nước, tập trung chủ yếu ở những điểm đến đã phát triển du lịch từ lâu như vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch nói chung, cho du lịch biển đảo nói riêng thời kỳ hậu Covid-19 thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác. Đặc biệt, Việt Nam chưa có những sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp và xứng tầm để vừa tăng giá trị doanh thu, vừa phát triển bền vững.
Xây dựng thương hiệu cho du lịch
Nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh du lịch Việt Nam chưa thể níu chân du khách bởi sự nghèo nàn về dịch vụ, sản phẩm du lịch. Tình trạng chèn ép, chèo kéo, “chặt chém” khách du lịch... vẫn còn. Thời gian qua, câu chuyện về ứng xử văn minh trong du lịch cũng đã được quan tâm nhiều nhưng thực tế vẫn chưa có một chương trình, chiến dịch cụ thể nào có tầm bao quát, từng bước thay đổi những hành vi không đẹp của người Việt khi đón tiếp khách, cũng như khi đi du lịch nước ngoài. Việc này cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp - lực lượng đóng vai trò tiên phong.
Nhằm “níu chân” được du khách, theo Chủ tịch Chi hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, thái độ và hình ảnh của mỗi người dân chính là hình ảnh của điểm đến, cao hơn nữa sẽ góp phần tạo nên bộ mặt quốc gia. Cần ngay lập tức khởi động chiến dịch “nụ cười Việt Nam” để góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Ông Thắng cũng cho rằng, cần có những hành động thực tế và có biện pháp để thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh du lịch. Việc này phải làm thường xuyên, kiên trì, không phải chỉ đưa ra bộ quy tắc ở mức tuyên truyền mà còn kết hợp với nhiều giải pháp khác nhau như: tập huấn, cập nhật thông tin, các quy định về ứng xử văn minh cho người làm du lịch, dịch vụ và truyền thông trên nhiều phương tiện khác nhau. “Có nhiều giải pháp để thu hút khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ mới là “nam châm”thu hút du khách và khiến họ quay trở lại nhiều lần. Dịch vụ đấy phải đến từ trái tim của những người làm du lịch. Cái gì đến từ trái tim sẽ chạm tới trái tim”- ông Thắng bày tỏ.
Đồng quan điểm, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn Đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Martin Koerner cho rằng, cần bồi dưỡng đào tạo các cán bộ tại sân bay “văn hóa” mỉm cười. Điều này cũng đồng nghĩa, họ gửi tín hiệu hoan nghênh khách du lịch nước ngoài tới. Ngay từ điểm đầu và điểm cuối của trải nghiệm, khách du lịch đến sẽ để lại ấn tượng rất mạnh, cho họ thấy rằng “Chúng tôi sẵn sàng chào đón quý vị”.
Có thể nói, để chinh phục du khách trong nước và quốc tế, suy cho cùng cũng là hành trình chạm đến trái tim du khách, cần phải bắt đầu và kết thúc bằng những nụ cười.
Ngày 18/5, nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được ban hành nhằm đưa du lịch nước nhà vào top 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, đây là các nhóm giải pháp cần thiết nhưng cần sớm triển khai để thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.