Theo thời gian, loại hình du lịch xanh ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ và Việt Nam cũng là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, để du lịch xanh đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tiềm năng lớn
Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng. Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh.
Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng nhiều sản phẩm mới nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Có thể kể đến như tour đi bộ khám phá kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội của Bảo tàng Lịch sử quốc gia; hàng loạt tour xe đạp do Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) và nhiều đơn vị trong Câu lạc bộ du lịch bền vững VGreen thiết kế và xây dựng đã được tổ chức…
Bên cạnh đó, khu vực ngoại thành như các điểm du lịch tại Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Gia Lâm… cũng đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh. Điển hình như Ba Vì - một huyện được thiên nhiên ban tặng cảnh quan phong phú với như Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà… Đáng chú ý, nơi đây còn là địa bàn cư trú của 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao với những nét văn hóa đặc sắc. Tất cả đã tạo cho Ba Vì trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn du khách.
Ở một khía cạnh khác, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) lại tạo cho du khách được tham gia trải nghiệm vào những công đoạn để làm ra một sản phẩm gốm hoàn chỉnh.
Anh Nguyễn Đình Tuyến, du khách đến từ quận Hoàng Mai, Hà Nội tỏ ra rất phấn khởi khi lần đầu tiên được nhào nặn những cục đất sét rồi đưa lên bàn xoay để tự làm ra một sản phẩm gốm Bát Tràng. “Tôi và gia đình rất thích thú mô hình du lịch trải nghiệm trực tiếp này. Tại đây, mọi người sẽ thỏa sức sáng tạo với sản phẩm của mình. Sau khi hoàn thiện sản phẩm mà chính mình vừa làm ra thì du khách có thể mang về làm kỷ niệm” - anh Tuyến chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để tạo được những sản phẩm du lịch nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận; kết hợp khai thác các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như: Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang... Trong xu thế hiện nay, khi sự quan tâm của du khách đến môi trường tự nhiên ngày càng tăng thì việc phát triển sản phẩm du lịch xanh có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn của điểm đến.
Đánh giá về tầm quan trọng của loại hình du lịch xanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng: “Muốn điểm đến trở thành nơi du khách muốn đến, muốn quay trở lại yếu tố quan trọng chính là chất lượng của môi trường, chất lượng cuộc sống, sự ứng xử với khách du lịch. Những chỉ số xanh tạo nên niềm tin, sức hấp dẫn trở thành nguồn tài nguyên quý giá thu hút du khách”.
Cần chú trọng mọi mặt
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, văn hóa, đóng góp cho nỗ lực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch xanh đang là xu hướng phát triển toàn cầu. Đây cũng là hướng đi tất yếu để ngành du lịch phát triển bền vững.
Du lịch xanh ở nước ta đang được đẩy mạnh khai thác, các địa phương xây dựng nhiều sản phẩm mới, song cũng đối diện không ít rào cản do đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và ý thức của đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, thiên nhiên chưa cao.
Để giải quyết vấn đề này, ông Hà Văn Siêu cho rằng, đối với vấn đề phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, nếu chỉ xét về tiêu chí môi trường thôi chưa đủ, mà phải coi trọng ở góc độ văn hóa, phải mang lại sự phồn thịnh cho người dân ở điểm đến. Đó là sự phát triển bền vững. Phát triển du lịch cuối cùng là để mang lại hạnh phúc cho người dân. Nếu chỉ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp mà người dân không được hưởng nhiều thì sẽ dẫn đến xung đột, bất đồng giữa doanh nghiệp và người dân.
Ông Siêu đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp du lịch cần chú trọng việc sử dụng công nghệ xanh, ngăn chặn những hành vi làm nguy hại đến môi trường và văn hóa bản địa, khuyến khích sản phẩm du lịch, chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Song song với đó cần lên án những dự án phát triển nóng không quan tâm đến bảo vệ môi trường, những hoạt động du lịch xô bồ, ồ ạt. “Các cơ quan quản lý hướng tới phát triển du lịch xanh. Không cổ vũ những dự án tác động xấu tới môi trường, cần lựa chọn những dự án tạo nên những giá trị tốt đối với môi trường sinh thái, văn hóa” – ông Siêu nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Bích - CEO Mekong Rustic:
Người dân là trụ cột quan trọng
Trong phát triển du lịch xanh vào bền vững, tỉnh nào không có thế mạnh về du lịch thì không nên cố. Nếu địa phương nào cũng quy hoạch du lịch miệt vườn thì sẽ bị loãng và gây nhàm chán. Cùng với đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý du lịch rất quan trọng. Cơ quan xúc tiến đóng vai trò như cầu nối quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch. Các địa phương nên chọn những khu vực đa dạng về nông nghiệp, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Và trong du lịch cộng đồng, người dân là trụ cột quan trọng. Phải làm sao để các hộ dân phát huy hết thế mạnh, chuẩn hóa dịch vụ. Và để làm được điều này, việc đầu tiên cần làm là phải thay đổi tư duy của người dân về tài nguyên du lịch. Với người dân, đồng lúa, vườn cây họ thấy hàng ngày là quá đỗi bình thường. Họ không nhận ra những điều tưởng chừng không có gì đặc biệt ấy lại mang ý nghĩa lớn với du khách. Cho nên, giúp người dân nhận thấy tài nguyên nông nghiệp, văn hóa vốn có sẽ mang lại thu nhập bền vững thì họ sẵn sàng tham gia.
Ông Phan Đình Huê - Chủ tịch Công ty dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt:
Cần thêm trợ lực để phát triển
Những tài nguyên quý giá nhất để làm nên sản phẩm du lịch nông thôn đều không phải mua, bởi đó là khí hậu, sông rạch, là cảnh quan đồng ruộng và làng xóm. Bên cạnh đó, do vùng nông thôn còn giữ được nhiều phong tục, lễ hội, ẩm thực và phương thức sản xuất truyền thống, nên cùng với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, thì các di sản văn hóa này đem lại lợi thế lớn khi phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn.
Vấn đề vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng cơ sở lưu trú farmstay ở các địa phương, vì theo Luật Đất đai thì chỉ có đất thổ cư mới được xây dựng. Vấn đề này cần được giải quyết thì mới phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn hoàn chỉnh. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ vốn và giảm thuế đối với những người khởi nghiệp du lịch nông thôn. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn an toàn về sản xuất, chế biến và môi trường đối với du lịch nông thôn.