Một trong những điểm mới của kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) cho giáo dục ĐH là sẽ ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) tiếp cận theo chuẩn đầu ra, căn cứ vào yêu cầu của thị trường. Trong đó, tên môn học, số tín chỉ sẽ được điều chỉnh tùy thiết kế riêng của từng CTĐT, không quy định cứng.
Tuy nhiên, làm sao để chuẩn CTĐT này tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo, đặc sắc của từng trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra chung và hội nhập với các nước là một thách thức không nhỏ đặt ra đối với các đơn vị liên quan.
Lộ trình xây dựng
Kể từ khi Quyết định “Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam” số 1982 ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được chuẩn đầu ra và chuẩn chương trình đào tạo của hầu hết các lĩnh vực của giáo dục ĐH.
Tới thời điểm này, đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và triển khai VQF, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy thông tin Bộ GDĐT đã hoàn thành dự thảo Thông tư về chuẩn CTĐT, sẽ đăng mạng lấy ý kiến trong vài ngày tới và ban hành khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9. Sau khi ban hành Thông tư, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thành lập các hội đồng tư vấn ngành/khối ngành để tiến hành xây dựng các CTĐT cụ thể cho các ngành/khối ngành đó.
Hội đồng chịu trách nhiệm xây dựng chuẩn CTĐT cho các ngành, khối ngành đối với các trình độ của GDĐH gồm các chuyên gia đầu ngành ở các cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục ĐH và đại diện của giới doanh nghiệp, công nghiệp và các cơ quan quản lý nguồn nhân lực, hoàn thành trong quý IV năm 2020 để xây dựng chuẩn CTĐT cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực trong giáo dục ĐH, trình Bộ GDĐT để thẩm định, ban hành, hoàn thành trong quý IV năm 2022.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục ĐH giai đoạn 2020-2025 vừa qua, đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những trao đổi, thảo luận cùng với đại diện Bộ GDĐT, Bộ Tài chính với kỳ vọng, đây sẽ là các Bộ, ngành triển khai xây dựng khung CTĐT như là mô hình điển hình, nhân rộng sang các ngành/khối ngành khác.
Tại đây, ông Phạm Văn Tác- Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế đề xuất, cần thành lập 12 Hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ ĐH trong khối ngành Y Dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau. Trong khi đó, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị cần có cơ chế, hướng dẫn mang tính đặc thù do những đặc thù, nghiệp vụ riêng.
Tuy nhiên, từ phía các trường ĐH, nhiều ý kiến đề xuất Bộ không nên làm thí điểm mà cần triển khai đồng thời ở tất cả các lĩnh vực. Lý do là vì các lĩnh vực sẽ làm độc lập và cần phải có thời gian chuẩn bị thực hiện, không phải nói làm là làm được luôn và được thông qua ngay nên cần khởi động càng sớm càng tốt.
TS Hoàng Ngọc Vinh -Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021 cho rằng, về thời gian, yêu cầu các trường thực hiện xong chuẩn chương trình vào quý 4-2024, trong khi tiến bộ khoa học công nghệ đòi hỏi năng lực người lao động thay đổi từng ngày. Mặt khác, doanh nghiệp và thị trường lao động rất năng động, không bao giờ ngồi chờ khi luôn có nhu cầu tiêu chuẩn cao. Thêm vào đó, khi ban hành xong chuẩn chương trình thì sợ rằng, tuổi thọ tiêu chuẩn CTĐT sẽ thấp và lại phải cập nhật tiêu chuẩn mới. Vì vậy, việc nâng chuẩn ngay khi xây dựng chuẩn cũng cần được tính đến.
Yêu cầu chuẩn hóa
Trên thực tế, hiện nay các trường ĐH đều có chuẩn đầu ra chung, bắt buộc phải công bố song chuẩn đầu ra này chỉ mang tính chất mỗi trường, không ngang bằng như nhau nên khó đánh giá, xếp hạng giữa các trường với nhau, chưa nói đến xếp hạng quốc tế. Về phía người học, khi bằng cấp các hệ đào tạo được công nhận như nhau thì việc phải dạy và học theo cùng chương trình thống nhất là đòi hỏi bắt buộc để đơn vị sử dụng lao động có cơ sở đánh giá ứng cử viên.
Xét rộng hơn, chuẩn đầu ra của các trường ĐH của Việt Nam hiện nay đang có độ vênh nhất định so với thế giới. TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh lấy ví dụ về chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Để có thể nộp hồ sơ du học nước ngoài, ứng viên cần đạt 6 - 6.5 IELTS, trong khi đó ở trong nước các trường đang áp dụng nhiều mức chuẩn khác nhau. Như Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, chuẩn đầu ra với sinh viên chất lượng cao là 5.5 IELTS nhưng sinh viên đại trà hiện ở mức 450 TOEIC 4 kỹ năng.
Như vậy, mặc dù là chuẩn tối thiểu do trường quy định nhưng thống kê của nhiều trường ĐH cho thấy, số sinh viên không thể tốt nghiệp ra trường vì không đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ khá nhiều. Nay với việc đặt chuẩn CTĐT của ngành/nhóm ngành chắc chắn cũng sẽ là hàng rào quan trọng để kiểm soát các “trường yếu”, đòi hỏi người học phải nỗ lực để đạt được chuẩn tối thiểu của hệ thống mới có thể tốt nghiệp, tham gia thị trường lao động với tấm bằng đạt chuẩn chất lượng.
Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam nói riêng và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia nói chung là mục tiêu chúng ta đang hướng tới. Song trước mắt, giới chuyên gia nhận định việc cần làm ngay của các trường đó là thay đổi cách thức đào tạo ĐH thế nào để tiệm cận với trình độ quốc tế.