Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay việc thu phí cho chất thải rắn sinh hoạt chỉ đáp ứng một phần cho công tác thu gom, xử lý. Để giải quyết bài toán này, quan điểm sửa đổi coi rác là tài nguyên, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng.
Việc thu gom rác thải hiện đang tồn tại nhiều bất cập.
Thu phí môi trường theo số lượng
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), đến nay có rất nhiều quy định liên quan đến các bộ luật khác, trong đó có nhiều vấn đề chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Bên cạnh đó, qua tổng kết đánh giá việc triển khai Luật BVMT tại các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến một số quy định, chính sách được quy định trong Luật BVMT.
Xuất phát từ thực tế đó, Dự thảo luật quy định chất thải phải được phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy và việc quản lý chất thải phải tuân thủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và xả rác nhiều càng phải trả nhiều tiền. Việc thu tiền xả rác tại đô thị sẽ thông qua hình thức bán túi chứa rác thân thiện với môi trường. Những hộ xả nhiều rác phải trả nhiều tiền hơn để mua túi đựng rác.
Cùng với quản lý rác thải sinh hoạt, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã thể hiện nhiều nội dung với mục đích biến chất thải thành tài nguyên. Đó là đưa ra quy định chất thải phát sinh sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất, được quản lý theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ thúc đẩy việc tái sử dụng chất thải cho các hoạt động sản xuất khác mà không gặp phải các khó khăn thủ tục trong thời gian qua. Đáng chú ý, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đưa ra yêu cầu chất thải rắn phải được phân loại để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng để tận dụng tài nguyên. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu các sản phẩm thải bỏ (như các mặt hàng điện tử, bao bì, …) phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí để thu thu hồi, tái chế các sản phẩm do mình đưa ra thị trường.
Thực tế cho thấy, sự gia tăng dân số nhanh chóng và tăng trưởng các ngành kinh tế công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và làng nghề, y tế và du lịch đã làm phát sinh chất thải ngày càng lớn với thành phần ngày càng phức tạp.Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước khoảng 61.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng phát sinh tại khu vực nông thôn là 24.000 tấn/ngày. Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng 25 triệu tấn, đặc biệt, tại các khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ các ngành như sản xuất giấy, nhiệt điện than, hóa chất, phân bón... Với lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia tăng như vậy, cần có biện pháp quản lý đồng bộ từ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, trong đó, việc xây dựng chính sách để có biện pháp, chính sách để biến chất thải thành tài nguyên là rất cần thiết.