Cuối tuần qua, Thường vụ Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về dự án Luật Quy hoạch. Cũng đã có nhiều ý kiến góp ý khá thẳng thắn cho dự án luật này.
Cần bình tĩnh xem xét các góc độ
Ông Bùi Đức Hưng, nguyên Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho rằng: Việc xây dựng dự án Luật quy hoạch, theo hướng tích hợp các loại quy hoạch, giao về cho một cơ quan quản lý chung là không khả thi về mặt khoa học.
Cụ thể, theo ông Hưng: phạm vi, đối tượng, mục tiêu, nội dung nghiên cứu của quy hoạch tích hợp này là gì? Phương pháp luận nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nào? Phương tiện nghiên cứu bằng gì? Kết quả và sản phẩm nghiên cứu sẽ thể hiện ra sao? Liệu có thể tích hợp các dữ liệu của các đối tượng quy hoạch ở các hệ quy chiếu khác nhau, vật thể và phi vật thể, trong một hệ quy chiếu đồng nhất không? Việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp ấy, nếu phải thực hiện, thì theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nào? Trên thế giới và Việt Nam đã có tổ chức nào công bố tiêu chuẩn loại quy hoạch tích hợp ấy chưa? Và nguồn nhân lực thực hiện, đã có trưởng đào tạo nào đào tạo chuyên môn về quy hoạch tích hợp này chưa? Và ai, ở ngành quy hoạch nào, được coi là "kiến trúc sư" chủ trì đồ án quy hoạch tích hợp này? Đây là vấn đề chưa có lời giải.
“Do đó, không thể tích hợp hai loại quy hoạch khác nhau là quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành vào cùng một hệ quy chiếu, trong một quy hoạch tích hợp.”- ông Hưng đưa quan điểm.
Bên cạnh đó, theo ông Hưng, có thể thấy những nội dung cụ thể của Dự án Luật Quy hoạch không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực quy hoạch xây dựng, còn nhiều nội dung bất cập, mâu thuẫn, sai lý thuyết, không phù hợp với thực tiễn, khó triển khai thực hiện.
Việc một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là ôm đồm, thay việc quản lý ngành của các Bộ, ngành có chức năng xây dựng và quản lý nhà nước chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển ngành, theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Chính phủ, ủy quyền của Thủ tướng. Việc này đòi hỏi đội ngũ chuyên gia đa ngành, đa lĩnh vực chuyên sâu tại một Bộ là không khả thi, đồng thời làm bộ máy cồng kềnh, biên chế tăng.
Nếu quy hoạch ngành, lĩnh vực không có sự cải cách về nội dung, phương pháp, không giảm về số lượng quy hoạch, thậm chí tăng theo dự báo, thì mục tiêu của quản lý quy hoạch đề ra trong báo cáo giải trình Dự án Luật là không hiệu lực, không hiệu quả, không khắc phục được tình trạng “loạn quy hoạch” như hiện nay.
Do đó, ông Hưng đề nghị Chính phủ, Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội, bình tĩnh nghiên cứu việc tích hợp Luật Quy hoạch xây vào Luật Quy hoạch (chung); không nên thông qua Luật Quy hoạch, mà nên để hai Luật độc lập song hành. Đồng thời nên điều chỉnh phạm vi, đối tượng và nội dung quản lý của Dự án Luật Quy hoạch (chung), chỉ nên giới hạn ở quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, theo đó đổi tên là “Luật Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội” hoặc “Luật Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực”, là phù hợp và đúng đắn.
… và góc nhìn từ địa phương
Đứng từ góc độ nhìn thực tế, ông Cao Văn Hà, Giám đốc Sở xây dựng Bắc Ninh kể câu chuyện của địa phương, khi xây dựng cụm công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh dựa vào quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh, của huyện và có tính đến ảnh hưởng của quy hoạch vùng Thủ đô.
Xét đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, xã hội, vị trí địa lý, kinh tế của huyện Yên Phong và của tỉnh, chúng tôi thấy đây là một khu rất có điều kiện để phát triển công nghiệp. Nó cách sân bay Nội Bài khoảng 20 phút đi bằng ô tô, cách Hà Nội một trục đường “huyết lộ” Quốc lộ 8.
Khi làm quy hoạch phải trên cơ sở quy hoạch từ trên xuống dưới để cho phù hợp với định hướng phát triển chung. Có phân tích các yếu tố dự báo về phát triển KTXH và đặc biệt tính đến các yếu tố để phù hợp với vùng lớn của vùng Thủ đô và theo kịp xu thế hội nhập quốc tế.
Điều đặc biệt trong quy hoạch khu này, chúng tôi cũng tính đến các ảnh hưởng ra xung quanh như khu đô thị để phát triển, khu ở cho công nhân, các đô thị dịch vụ kéo theo khi công nghiệp phát triển. Tóm lại quy hoạch phải đảm bảo phát triển đồng bộ và có tính đến các yếu tố bền vững.
Vì vậy, ông Hà cho rằng, hệ thống quy hoạch xây dựng phải từ trên xuống dưới, phải quy hoạch lớn rồi đến quy hoạch vừa, quy hoạch nhỏ. Tôi có thể dùng hình ảnh cho dễ hiểu là quy hoạch vùng - như là chúng ta ở vệ tinh, chúng ta soi cho có tính bao quát. Sau đó quy hoạch chung - chúng ta đứng ở máy bay trực thăng chúng ta nhìn.
Đến quy hoạch phân khu - chúng ta đi ô tô làm quy hoạch nhưng đến quy hoạch chi tiết - ta đi bộ làm. Có nghĩa phải có một hệ thống, nếu không làm quy hoạch vùng, sẽ không thấy được cái bao quát, tổng thể của của một tỉnh, khu vực này, vùng này làm cái gì, phát triển thế mạnh về cái gì…
Và để cụ thể nó, phải có quy hoạch chung của từng khu vực đô thị nhưng quy hoạch chung mới chỉ là mảng lớn. Dưới đó chúng ta phải làm quy hoạch phân khu, ta mới cụ thể hóa được.
Trở lại với quy hoạch xây dựng, giám đốc sở xây dựng Bắc Ninh cho rằng: quy hoạch xây dựng từ trước đến nay đã thể hiện được đúng vai trò của nó, không thể thiếu được; vì thế, quy định trong Luật Quy hoạch cần làm thế nào để có thể khẳng định được vai trò của quy hoạch xây dựng và quy định 1 cách chặt chẽ cái hệ thống khi mà quy hoạch ở các địa phương là phải có 1 cái hệ thống quy hoạch từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung các khu đô thị, rồi quy hoạch các phân khu đô thị, sau đó mới triển khai quy hoạch chi tiết của các dự án. Tôi thấy điều này đã được khẳng định rồi, vì quy hoạch xây dựng hết sức khoa học, hết sức chặt chẽ vì nó không chỉ là thuyết minh phần số liệu, không chỉ có định lượng, định tính mà nó còn làm cả về không gian để phát triển.
Từ nhận định trên, ông Hà thẳng thắn, đúng là có sự chồng chéo, nhiều quy hoạch lãng phí. Phải nói thế này, trong quá trình rà soát nếu thấy cái gì chồng chéo thì có thể bỏ đi. Tôi nói ví dụ những nước phát triển, chủ đạo là về công nghiệp và đô thị, định hướng đô thị là chính thì tôi nghĩ chỉ cần quy hoạch xây dựng là chính.
Có thể không cần quy hoạch sử dụng đất nữa, bởi vì phần còn lại là nông nghiệp. quan trọng là phải xác định làm thế nào để chất lượng của đồ án quy hoạch đảm bảo tính chiến lược, tính dự báo và phải có tầm nhìn, đảm bảo sự bền vững, thì hiệu quả của đồ án quy hoạch mới được phát huy. Nói cách khác, quy hoạch xây dựng là cả 1 hệ thống khoa học không có gì thay thế nó được.