Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số.
Ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ông Hùng cho biết, Dự thảo Luật gồm 10 chương, 74 điều. Mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển.
Nêu các vấn đề mới cần quy định để thúc đẩy phát triển viễn thông, ông Hùng cho hay: Xu hướng phát triển rất nhanh của viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số với sự xuất hiện của các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện quy định quản lý để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, phổ cập và tiết kiệm năng lượng, hình thành hạ tầng số.
Dự thảo Luật đã hoàn thiện để điều chỉnh các mô hình, dịch vụ mới như sau: Xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số; điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh theo nguyên tắc quản lý chặt, đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, phù hợp với cam kết quốc tế; điều chỉnh hoạt động bán buôn trong viễn thông để đảm bảo thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh.
Đối với các nội dung mới có thể phát sinh trong tương lai như Internet thế hệ mới, mô hình hoạt động viễn thông mới, dự thảo Luật bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định điều chỉnh mới theo nguyên tắc phù hợp với quy định chung đã có của Luật.
Trong đó, về quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông, Bộ trưởng cho rằng, tài nguyên viễn thông là hữu hạn và việc thiết lập hạ tầng viễn thông yêu cầu mức đầu tư lớn, chỉ có một số ít doanh nghiệp đủ khả năng thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông.
Luật Viễn thông 2009 chưa có đầy đủ các quy định quản lý, thúc đẩy hoạt động cho thuê hạ tầng viễn thông, bán buôn lưu lượng dịch vụ để giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, phát triển các dịch vụ mới.
Dự thảo Luật bổ sung quy định nội hàm hoạt động bán buôn trong viễn thông bao gồm: Hoạt động cho thuê hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu, xu hướng hợp tác kinh doanh trên thị trường viễn thông đặc biệt khi triển khai công nghệ 5G và bán lưu lượng dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp khác để cung cấp dịch vụ cho người sử dụng; quy định nguyên tắc thực hiện bán buôn trong viễn thông bảo đảm minh bạch, công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường phải bán buôn cho doanh nghiệp khác khi có yêu cầu nhằm thúc đẩy thị trường bán buôn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, phát triển dịch vụ, ứng dụng mới”-Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Về quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, theo ông Hùng, các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.
Dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo nguyên tắc: Đưa khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet vào dự thảo Luật, việc phân loại cụ thể dịch vụ này do Chính phủ quy định chi tiết.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp xuyên biên giới và hình thức cấp phép đối với các dịch vụ viễn thông mới trong đó có dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để đảm bảo tính linh hoạt trên nguyên tắc quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời, vẫn đảm bảo cơ chế khuyến khích các dịch vụ mới phát triển.
Quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Dự thảo Luật bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ dữ liệu của người sử dụng.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban này nhận thấy, dịch vụ OTT về bản chất là dịch vụ sử dụng Internet để cung cấp các phần mềm ứng dụng (như Zalo, Viber, Telegram…).
Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang đẩy mạnh. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban nhất trí thấy rằng pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý về vấn đề này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập. Do đó, dịch vụ OTT viễn thông cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Một số ý kiến đề nghị làm rõ đối với dịch vụ OTT cung cấp nội dung thông tin nếu không được quy định trong luật này thì thuộc phạm vi điều chỉnh ở luật nào.