Tiếp tục đợt giãn cách thứ hai, Hà Nội và nhiều địa phương vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, hơn hai tuần qua, trên thị trường Hà Nội không có tình trạng khan hàng, giá cả hàng hóa tương đối ổn định do nguồn cung dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào
Hà Nội bước vào tuần thứ ba của đợt giãn cách xã hội thứ hai theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù trên địa bàn thành phố có một số chợ, siêu thị bị đóng cửa, song khảo sát của PV cho thấy, hàng hóa vẫn dồi dào, giá cả có thời điểm nhích lên song nhìn chung tương đối ổn định, người dân mua đi chợ mua sắm không có tư tưởng mua nhiều để tích trữ.
Khảo sát tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống như Thành Công, Kim Liên, chợ Hôm, chợ Thượng Đình... các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, củ quả... dồi dào, phong phú, giá cả ổn định. Cụ thể, các loại rau củ như rau muống có giá khoảng 10.000 đồng/mớ, bí xanh từ 20.000-25.000 đồng/kg, dưa chuột 23.000-25.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg, bắp cải 20.000 đồng/kg, củ cải 12.000 đồng/kg, rau mùng tơi 5.000 đồng/mớ…Giá thịt lợn dao động quanh mức 100.000 - 130.000 đồng/kg, thịt bò từ 230.000-250.000 đồng/kg, thịt gà 75.000-90.000 đồng/kg...
Bà Hoàng Thu Hằng, tiểu thương chợ Thượng Đình (Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết, người dân đến chợ vắng vì đã có quy định đi chợ theo ngày của phường, dù vậy giá các mặt hàng cũng không biến động nhiều, một số mặt hàng rau xanh chỉ nhích nhẹ, song theo bà Hằng, nguyên nhân chủ yếu do vận chuyển khó khăn, giá cước bị đẩy lên nên giá rau củ quả cũng tăng nhẹ.
Bà Nguyễn Kim Khanh (Vũ Trọng Phụng, Hà Nội) cho biết: “Theo phiếu đi chợ, một tuần tôi chỉ đi 2 lần, mua đủ ăn trong hai, ba ngày để hạn chế ra đường chứ không tích trữ. Hàng hóa tại các chợ vẫn đầy đủ, không khan hiếm như lo lắng ban đầu của người dân”.
Theo Sở Công thương Hà Nội, nhờ có có sự chuẩn bị sẵn sàng về hàng hóa, nhân lực; sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, tăng giá của các lực lượng chức năng nên hoạt động mua sắm trong những ngày giãn cách khá ổn định. Tình hình cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu ổn định, giá không biến động nhiều.
Nhiều ý tưởng
Đáng chú ý, những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trên địa bàn một số tỉnh đã xuất hiện nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Những chương trình “Đi chợ giùm dân”, “Gian hàng 0 đồng”… đã giúp cho người dân ở nhiều địa phương nhận được hàng hóa mà vẫn đảm bảo việc phòng chống, dịch.
Tại Hà Nội, mô hình siêu thị, chợ lưu động được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong bối cảnh giãn cách xã hội. Theo Sở Công thương Hà Nội, 2.500 điểm bán hàng lưu động tại các quận, huyện của TP đã được kích hoạt.
Tại quận Long Biên, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư gồm: khu đô thị Việt Hưng, sân chơi phố Bắc Cầu (Ngọc Thụy), phố Đặng Vũ Hỷ (phường Thượng Thanh) và sân bóng đảo Sen. Tại đây, các mặt hàng được niêm yết giá chi tiết và làm mới mỗi ngày nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm đến tay người dân.
Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình chợ lưu động cũng được triển khai sau khi chợ Đồng Xa bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch. UBND phường Mai Dịch cho biết, đã bố trí 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm văn hóa thể thao phường và sân bóng B5. Đây đều là những địa điểm nằm ngay trong khu dân cư, tạo sự thuận lợi cho người dân trong việc mua sắm.
Theo Sở Công thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có 18 địa điểm bán hàng lưu động, đó là Hai Bà Trưng 03 điểm; Long Biên 04 điểm; Ba Đình 04 điểm, Nam Từ Liêm 04,... Từ nay đến ngày 23/8 Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nên việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân là yêu cầu bức thiết. Thực tế cho thấy, các siêu thị đã xây dựng phương án đa dạng nguồn hàng, tránh tình trạng “đứt gẫy” nguồn cung. Theo đó, ngành Công thương Hà Nội cũng đã yêu cầu các DN dự trữ lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng. Cụ thể, dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Sở cũng đã tổ chức 8.649 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội.