Theo quan niệm dân gian, hôm nay 23 tháng Chạp gắn liền với phong tục đưa ông Táo về trời, lễ cúng không nhất thiết phải quá cầu kỳ mà tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện các gia đình chuẩn bị mâm cỗ. Đây là nét đẹp văn hóa, phong tục lâu đời của của dân tộc Việt Nam.
Cho dù cuộc sống có bận rộn, hối hả bao nhiêu, người Việt dẫn giữ truyền thống, phong tục tiễn ông Táo về trời như một lời nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ giữ gìn, vun đắp tình cảm gia đình, hướng về nẻo thiện.
Hôm nay 23 tháng Chạp, cũng như bao gia đình ở Bạc Liêu, chị Tăng Dương Khả Vi ở phường 5, TP Bạc Liêu, dậy từ rất sớm sắm sửa lễ vật để đưa ông Táo về trời. Năm nay gia đình chị làm ăn khấm khá nên mâm cỗ cũng chỉn chu hơn gồm, gà luộc, cá chép, thịt kho, canh, có trái cây với ước mong năm mới gia đình được bình an, làm ăn phát đạt. Chị Vi chia sẻ, theo phong tục gia đình từ xưa đến nay, đến này 23 tháng Chạp gia đình chuẩn bị vài món cúng đưa ông Táo về trời, cầu mong gia đình năm mới vạn sự như ý. Hàng ngày sau khi nấu nướng chị lau chùi dọn dẹp bếp cho sạch sẻ, cũng như hàng ngày thấp hương coi ông Táo như vị thần gia hộ cho gia đình làm ăn phát đạt.
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là sự tích 2 ông 1 bà - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Và người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Táo. Cúng ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam.Theo truyền thuyết kể lại, ông Táo là ba vị trông coi việc bếp núp. Ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện-Ác của loài người.
Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để thiên đình định đoạt công, tội. Do đó, trong quan niệm của người Việt, ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.
Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn đưa ông Táo lên chầu trời một cách long trọng. Đối với bà con ở Nam bộ, Lễ đưa ông Táo về trời khá đơn giản, chủ yếu có gì cúng nấy, quan trọng là tấm lòng của mình dành cho vị thần trông coi bếp núp trong gia đình.
Theo Tiến sĩ văn hóa học Trương Thu Trang –Trưởng bộ môn Việt Nam học – Trường Đại học Bạc Liêu, cúng đưa ông Táo về trời xuất phát từ sự tích xưa, mối tình chung thủy cả dân tộc ta đều biết. Dân gian duy trì phòng tục đó từ xưa tới nay. Trải qua thời gian qua bao nhiêu thế hệ cho dù những thể thức, hình thức cúng, vật phẩm dâng cúng có thay đổi đi chăng nữa nhưng ý nghĩa tục lệ cúng đưa ông Táo về trời vẫn giữ nguyên ý nghĩa, giá trị của nó. Thông qua tục lệ đó, gửi gắm năm mới nhà cửa yên lành. Điều đầu tiên của người Việt Nam luôn mong muốn là sự êm ấm trong gia đình, ông Táo, bà Táo theo tích xưa là những người giữ lửa, giữ sự ấm cúng cho gia đình, đưa ông Táo về trời để gởi lời cầu mong những điều tốt đẹp của mình.
Đằng sau cầu chuyện đưa ông Táo về trời là lời nhắc nhớ cho mỗi gia đình sống như thế nào cho đàng hoàng hơn. Bếp lửa là nơi làm ra món ăn ngon, đó cũng là nơi vun đắp tình cảm gia đình, triết lý sâu xa nhưng cao đẹp đó đã rở thành nét văn hóa của người Việt trong những ngày đón xuân.