Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết rút 9.500 binh sỹ nước này khỏi Đức - nước đồng minh lớn nhất châu Âu vào mùa thu năm nay. Các nhà ngoại giao Đức lo ngại điều này sẽ làm quan hệ Đức – Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nó phá vỡ “cây cầu xuyên Đại Tây Dương”.
Mỹ sẽ cắt giảm 9.500 binh sĩ tại Đức vào tháng 9 năm nay.
1. Tờ WSJ đưa tin ông Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng) rút bớt quân khỏi Đức cho tới tháng 9. Lệnh rút quân sẽ cắt giảm 9.500 binh sĩ trong số 34.500 quân được triển khai thường trực tại Đức, đồng thời giới hạn lực lượng Mỹ đồn trú tại quốc gia này ở mức 25.000 quân.
Theo một quan chức Mỹ, trong số binh sĩ sẽ được rút khỏi Đức, sẽ có một phần trở về nước, một phần chuyển tới Ba Lan. Lý do của kế hoạch rút quân này được cho là kết quả làm việc trong nhiều tháng của Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Mark Milley. “Đây không phải xuất phát từ bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Đức Merkel - người đã từ chối tham gia kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Mỹ trong tháng này mới đây” – quan chức này nói với Reuters.
Trong khi đó, theo đánh giá từ các chuyên gia quốc phòng của Mỹ, kế hoạch rút quân có thể xuất phát từ bất đồng về chi phí quốc phòng giữa các nước thành viên NATO. Bởi từ lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa rút quân đội Mỹ ra khỏi nước Đức vì muốn ép buộc Chính phủ Đức phải tăng mức chi phí ngân sách quốc phòng hàng năm, ít nhất lên mức 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như các nước thành viên NATO đã thỏa thuận với nhau từ năm 2014.
Hiện cả Chính phủ và Bộ Quốc phòng Mỹ đều chưa lên tiếng về vụ việc, song cùng khẳng định, Tổng thống Mỹ Trump vẫn “liên tục đánh giá lại tình hình và tạo điều kiện tốt nhất cho các lực lượng quân đội Mỹ”. Đức là nơi có đông quân Mỹ đồn trú nhất ở châu Âu và cũng đóng vai trò là trụ sở của AFRICOM, nơi giám sát mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Phi.
2. Trong thời gian gần đây, các nghị sĩ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Mỹ đã liên tục kêu gọi quân đội chi tiêu nhiều hơn ở châu Á. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương (IPCOM), mới đệ trình lên Quốc hội yêu cầu ngân sách 20 tỷ USD trong 6 năm tới để tăng cường khả năng răn đe của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương.
Với tiêu đề “giành lại lợi thế”, báo cáo của người đứng đầu IPCOM Phil Davidson nói rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với Mỹ là “sự xói mòn của khả năng răn đe thông thường” tại khu vực. Vì vậy, việc Mỹ rút quân đội khỏi hàng loạt nước đồng minh trên thế giới để tập trung cho khu vực châu Á có thể là lý do cho việc rút 1/3 số binh sỹ Mỹ tại Đức.
Tuy nhiên, việc rút quân của Mỹ đã đang vấp phải sự phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed, thành viên thuộc Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ, đã chỉ trích kế hoạch rút quân của Mỹ ra khỏi Đức, coi đó là “sự keo kiệt và vô lý”. Việc cắt giảm lực lượng tại Đức có nguy cơ làm suy yếu khả năng răn đe của NATO đối với Nga, và khiến chính quyền Trump bất hòa với những người theo đường lối tân bảo thủ trong đảng Cộng hòa của ông, vốn có truyền thống coi Moscow là mối đe dọa.
Về phía Đức, giới chức nước này cũng đã đưa ra nhiều bình luận về động thái mới nhất của Mỹ. Ngoại trưởng Đức Maas nói” lấy làm tiếc về bước đi này của đồng minh Mỹ”, đồng thời nhận định, mối quan hệ giữa 2 nước đang khá phức tạp. Việc Washington quyết định rút một số lượng quân nhân lớn như vậy khỏi Đức sẽ là động thái mới nhất trong diễn biến quan hệ xấu đi giữa Washington và Berlin dưới thời ông Trump.
Rof Muetzenich- Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức, cảnh báo kế hoạch rút quân dẫn tới sự tái cấu trúc chính sách an ninh châu Âu về lâu dài. Trong mọi trường hợp, kế hoạch chiến lược của Mỹ vẫn là xoay trục về châu Á. Do vậy, việc gắn chính sách an ninh của Đức vào môi trường châu Âu thậm chí cấp bách hơn, dù những thách thức lớn hơn so với vài năm trước. Hiện Thủ tướng Đức Mekel chưa có phản ứng chính thức về quyết định của ông Trump.