Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2016 Việt Nam nhập 4,9 triệu tấn phế liệu, trị giá gần 1,2 tỷ USD. Năm 2017, nhập 5,5 triệu tấn phế liệu, giá trị 1,8 tỷ USD. Riêng nửa năm 2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại, với tổng giá trị lên đến 1,2 tỷ USD. Hàng ngàn container phế liệu tại các cảng biển bỗng dưng... vô chủ.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm ngăn chặn phế liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, tới thời điểm này những container phế liệu độc hại kia vẫn không có người nhận, và giải pháp xử lý cũng chưa rõ ràng. Đáng chú ý, có tình trạng trách nhiệm đang bị đùn đẩy. Đơn vị kinh doanh cảng biển than phiền mình là nạn nhân của các doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo đơn vị kinh doanh cảng biển, quy trình cấp phép nhập khẩu phế liệu quá lỏng lẻo. Không kiểm tra kỹ thông tin doanh nghiệp (giấy phép, hạn ngạch), hàng hóa trước khi lên tàu ở bến xuất phát, cho nên đơn vị kinh doanh cảng biển không can thiệp được việc cho dỡ hàng hay không. Đến khi biết hàng vô chủ đăng thông báo tìm doanh nghiệp lại gặp “địa chỉ ma”.
Chưa hết, thời gian xử lý hàng tồn đọng kéo dài vì thủ tục hành chính rờm rà. Than trời về phế liệu, các hãng tàu cũng cho mình là nạn nhân. Hầu hết các hãng tàu lý giải, hãng tàu không có quyền kiểm tra giấp phép của doanh nghiệp, không có quyền kiểm tra hàng hóa vận chuyển, doanh nghiệp nhập khẩu khai gì hãng tàu biết thế.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi Bộ Tài nguyên Môi trường chưa siết chặt việc cấp phép nhập khẩu phế liệu, đơn vị kinh doanh cảng biển thiếu thông tin của hải quan, chủ tàu không biết hàng gì trong container thì chắc chắn phế liệu nhập khẩu tiếp tục gia tăng.
Thông tin từ các hãng tàu, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy sẽ tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu và đang trên đường vận chuyển.
Theo Cục Hàng hải, có khoảng 2.000 container đang trên đường về các cảng biển trong nước. Thiết nghĩ, muốn giải bài toán phế liệu nhập khẩu các bộ ngành cần gấp rút siết chặt, ngăn chặn từ gốc. Không thể chồng chéo đến mức 10 bộ ngành quản lý với 6 luật định, nhưng phế liệu từ nước ngoài vẫn cứ ùn ùn vào Việt Nam.