Hầu như ai cũng gặp phải những cơn đau đầu. Trong đó, có những cơn đau đầu rất bình thường và sẽ tự khỏi sau một thời gian. Thế nhưng, có những cơn đau đầu lại vô cùng nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho hay, các bác sĩ vừa can thiệp nút phình mạch não bằng coil cho nam bệnh nhân (37 tuổi) bị xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch.
Cụ thể, bệnh nhân N.V.T (trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu dữ dội. Sau khi thực hiện thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có tình trạng xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch cảnh trong trái.
Đáng nói, dù có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp nhưng khai thác tiền sử cho thấy, trước khi nhập viện 3 ngày, anh T. bị chóng mặt, đau đầu âm ỉ, buồn nôn. Tuy nhiên, chỉ đến khi cơn đau đầu chuyển biến dữ dội, bệnh nhân mới được gia đình đưa tới bệnh viện.
BSCKII Ngô Quang Chức - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Do tới viện muộn, sau 3 ngày khi xuất hiện các triệu chứng nên dù được can thiệp thành công, bệnh nhân hiện tại vẫn còn đau đầu do di chứng của xuất huyết não. Đồng thời, người bệnh cũng cần tiếp tục theo dõi, điều trị để vùng não tổn thương ổn định trở lại.
Đặc biệt, chuyên gia cho biết, trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu nhưng không tới viện kịp thời cũng không hiếm trong thời gian qua.
BS Nguyễn Thị Thoa - Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh) nêu thực trạng: Phần lớn những bệnh nhân trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ những dấu hiệu điển hình của đột quỵ như đau đầu, chóng mặt… cũng như không nghĩ rằng đột quỵ có thể xảy ra với mình, vì vậy khiến bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Kiểu Đình Hùng - Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay: Có những cơn đau đầu rất bình thường, tự khỏi. Nhưng có một số cơn đau đầu rất nguy hiểm, bệnh nhân cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị ngay. Cụ thể, nếu những cơn đau đầu xảy ra rất đột ngột như bệnh nhân gắng sức làm việc, xảy ra cơn đau đầu dữ dội, xuất phát có thể do tai biến mạch máu não, xuất huyết não, xuất huyết màng não... Hay đau đầu có các triệu chứng của thần kinh như méo miệng, liệt tay chân, hoặc đau đầu có kèm theo các triệu chứng như huyết áp tăng, nhịp tim chậm hơn... thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Ngoài ra, đặc trưng của đau đầu với mức độ tăng dần, trước đây đã từng bị đau đầu nhưng lần này cơn đau đầu tăng cường độ ngày càng đau nhiều hơn thì nên đi khám ngay. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân trên 50 tuổi.
Các chuyên gia y tế cũng nêu thực trạng, người bị đau đầu thường gặp phải là uống quá nhiều thuốc, chữa ở nhiều nơi không phải là chuyên khoa. Điển hình, mới đây, một thiếu niên 16 tuổi trú tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị đau đầu nên đã uống liên tục 15 viên thuốc Paracetamol trong thời gian ngắn, sau đó dẫn đến ngộ độc thuốc phải nhập viện cấp cứu. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị ngộ độc Paracetamol do uống quá liều.
Theo PGS.TS Kiểu Đình Hùng - Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), tất cả các loại thuốc ngay cả thực phẩm chức năng cũng không hẳn là không có mặt trái của nó, thuốc có tác dụng chữa bệnh nhưng đồng thời có thể gây ra các tác dụng phụ. Trong những cơn đau đầu lành tính, có thể những loại thuốc tương đối và có ít tác dụng phụ nhất chính là Paracetamol có thể mua dễ dàng tại hiệu thuốc, một trong những nhóm an toàn và lành tính, ít tác dụng phụ trên cơ thể nhất. Tuy nhiên, không nên tùy tiện sử dụng Paracetamol, nhất là trường hợp sử dụng không theo hướng dẫn chi tiết về liều dùng, sử dụng số lượng nhiều và trong nhiều ngày. Sau khi dùng Paracetamol đúng liều mà vẫn bị đau đầu kèm theo thêm những triệu chứng khác thì nên đi khám để bác sĩ có những chẩn đoán và điều trị một cách chính xác nhất”.