Bích họa (còn gọi là tranh tường) giờ đã không còn xa lạ với mọi người. Bích họa khiến đường làng, ngõ phố thêm rực rỡ, nên thơ và sinh động. Tuy nhiên phong trào bích họa đang đứng trước nguy cơ khó kiểm soát. Nhiều bức tranh tường xuống cấp, bong tróc, phai màu, thậm chí hoen ố… khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.
Tại Hà Nội, khởi đầu từ con đường gốm sứ ven sông Hồng năm 2010, phong trào trang trí đường phố bằng hội họa ngày càng nhiều hơn, dày hơn. Sự hiện diện của những bức tranh tường đã góp phần làm cho nhiều con đường, tuyến phố đẹp và thi vị hơn. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều hình ảnh của phố cổ, cổng làng, lễ hội truyền thống…
Những ngõ, phố biết “kể chuyện”
Nằm gần chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đậu, phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) trải dài từ Phan Đình Phùng đến Hàng Bông. Đây là con phố có từ rất lâu đời nhưng từ ngày trở thành phố bích họa, Phùng Hưng bỗng khoác lên mình một diện mạo mới. Với 17 tác phẩm hội họa trên những vòm cầu, gợi nhớ về Hà Nội xưa như: Bách hóa tổng hợp, gánh hàng rong, ông đồ cho chữ... Phùng Hưng trở thành điểm đến của không chỉ người Hà Nội mà còn rất nhiều du khách quốc tế.
Ngõ Ao Dài (quận Bắc Từ Liêm) cũng là một con phố thu hút được sự chú ý của nhiều người. Con ngõ này nổi tiếng, được biết tới với hàng chục bức họa cùng những thông điệp cổ động, mang đặc trưng của thời bao cấp với nội dung về môi trường, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, tránh xa tệ nạn xã hội…
Năm 2023, dọc tuyến đường đê Xuân Quang (quận Long Biên) cũng được “thay áo mới” bằng những bức tranh bích họa về lịch sử, con người, các lễ hội văn hóa truyền thống tại quận Long Biên, khiến người dân mỗi khi đi qua đều cảm thấy bất ngờ và thích thú.
Anh Nguyễn Văn Thiện (trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho hay, sự xuất hiện của những bức tranh bích họa đã làm cho con đường thay đổi nhiều. Trước đây, các bức tường là nơi bị vẽ bậy bởi hình ảnh nguệch ngoạc, phản cảm, hoặc bị dán quảng cáo gây mất mỹ quan đô thị. Những bức tranh bích họa rực rỡ đã giúp con đường mang diện mạo mới, sinh động, gây ấn tượng với người dân và du khách.
Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương khác và các trung tâm du lịch đã hình thành những mô hình làng bích họa, phố bích họa, con đường bích họa... Như làng bích họa Tam Thanh ở Quảng Nam không chỉ giúp người dân được sống trong một không gian văn hóa, nghệ thuật, mà còn giúp họ có cơ hội thay đổi cuộc sống nhờ phát triển các dịch vụ du lịch.
Hay con đường bích họa ở Cần Thơ, khắc họa khung cảnh sinh hoạt quen thuộc của người dân Tây Đô, có phố đồng hồ, chợ Cái Răng, có xe cổ, những hoài niệm sâu sắc. Sống động, đẹp mắt, độc đáo và ý nghĩa là những lời khen của cộng đồng mạng dành cho các tác phẩm tranh tường bích họa tại TP Nha Trang (Khánh Hòa)…
Cần kiểm soát việc “thay áo mới”
Không thể phủ nhận sự tích cực mà những gam màu sắc đã mang lại cho đường phố, làng quê. Tuy nhiên tình trạng công trình bích họa được khai trương hoành tráng, nhưng sau đó thì bị bỏ rơi, nhiều bức tranh bị phai màu, bong tróc nham nhở, khiến người dân không khỏi xót xa.
Điển hình như phố bích họa Phùng Hưng đã có thời điểm rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng suốt một thời gian dài. Những bức bích họa trên phố Nam Đồng, Hoàng Cầu… (Hà Nội) cũng đã xuống cấp. Một số người dân bắt đầu hùa theo sự xuống cấp này bằng cách vứt rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.
4 năm sau khi đưa vào sử dụng, con đường bích họa ở TP Cần Thơ cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do thiếu sự chăm chút, bảo dưỡng, cộng với hành động thiếu ý thức của một số người dân. Nhiều bức bích họa rực rỡ, sinh động là vậy mà giờ phai màu, hoen ố, nhem nhuốc.
Có dịp đi qua nhiều cung đường thuộc TP Nha Trang, người dân và du khách không khỏi xót xa khi chứng kiến sự xuống cấp của các bích họa. Ngày mới xuất hiện, những con đường, tuyến hẻm bích họa từng được kỳ vọng thành thỏi nam châm hút khách du lịch. Thế nhưng, chỉ được một thời gian, hiện những bức bích họa đã trở thành những bức tranh loang lổ bởi tường tróc, mọc rêu.
Đáng nói hơn cả là nhiều tác phẩm bích họa vừa “nhạt màu” đã bị một số người xịt xơn, vẽ chữ chèn lên khiến nó trở nên “nhức mắt” vô cùng. Cùng với đó, nhiều bức tranh bích họa được vẽ ồ ạt, lạm dụng, không có sự kiểm soát nội dung cũng đang trở thành thảm họa.
Theo KTS Đoàn Kỳ Thanh - người sáng lập không gian sáng tạo Zone 9, phong trào vẽ tranh bích họa khi bị lạm dụng và được thực hiện bởi những người không có chuyên môn, thì vô tình như tạo thêm rác cho xã hội, khiến cho thị giác của người xem rất khó chịu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể phủ nhận những bức họa đã “thay áo mới” cho con phố trở nên sạch đẹp hơn. Nhưng không phải bích họa tốt, họa sĩ vẽ đẹp rồi chỗ nào cũng vẽ được. Vẽ cái gì, vẽ như thế nào và vẽ ở đâu phải được tính toán kỹ. Nếu không sẽ làm hỏng không gian, gây tức mắt cho người xem.
Hướng tới sự chuyên nghiệp
Sự chuyên nghiệp và tôn trọng nghệ thuật bích họa không chỉ giúp tôn vinh giá trị văn hóa mà còn giữ cho nguồn cảm hứng nghệ thuật luôn tươi mới. Một số họa sĩ, cũng đồng thời là tác giả của nhiều bức bích họa cho biết, không thể chấp nhận sự tự phát và nghiệp dư trong việc tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, thay vào đó cần hướng tới chất lượng nghệ thuật và bền vững.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam chưa có cơ chế để nghệ thuật công cộng phát triển và được bảo vệ. Ở các nước phương Tây hay các nước phát triển, họ có những quy định riêng để phát triển nghệ thuật công cộng. Khi có quy định, luật hóa thì nghệ thuật công cộng mới được phát triển và bảo vệ tốt.
Nói về giải pháp để bảo vệ tranh bích họa, bà Thủy cho rằng, hiện nay ở nước ta, nghệ thuật công cộng mới chỉ tự phát, chưa có cơ chế để phát huy giá trị của nó. Trong tương lai cần có những chính sách để phát triển và ủng hộ cho nghệ thuật công cộng nói chung và tranh bích họa nói riêng. Chỉ khi có chính sách, nguồn kinh phí thì mới có thể phát triển một cách chính thống và mang lợi ích thẩm mỹ cho cộng đồng.
Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, để cải thiện tình hình tranh bích họa tự phát, không có chủ đề gây rác cho đô thị cần phải chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh đó, cần hiểu rằng tranh bích họa không phải là tượng đài, nó chỉ có thời gian từ 3 - 5 năm. Khi đã tạo ra những bức tranh tường bích họa một cách chuyên nghiệp, muốn duy trì nó lâu dài hơn thì phải có nguồn ngân sách hàng năm, thậm chí hàng quý để trùng tu và bảo vệ.
Còn theo họa sĩ Đỗ Hiệp - nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam, trên thế giới phát triển rất nhiều về nghệ thuật đường phố để thu hút khách du lịch. Điều đó cũng góp phần tạo ra sự phát triển về nghệ thuật và hỗ trợ sản phẩm của các nghệ sĩ được đưa ra công chúng nhiều hơn. “Để bảo vệ và phát huy giá trị của tranh bích họa trên những tuyến phố, ngoài vai trò, trách nhiệm của người tạo ra những tác phẩm đó thì chính quyền địa phương cần phải có thái độ trân trọng những sản phẩm về văn hóa đấy. Cùng với đó, mỗi người dân tại khu phố, làng quê cũng cần chung tay bảo vệ các tác phẩm bích họa đang làm đẹp cho cuộc sống, địa phương mình” - họa sĩ Đỗ Hiệp chia sẻ và cho rằng, làm tốt được việc đó sẽ giúp những con đường bích họa không bị bỏ rơi sau khi đưa vào khai thác, vận hành.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, tác động của không gian bích họa phố Phùng Hưng là sự cải thiện môi trường sống tại đoạn phố này, tạo môi trường sống tốt hơn vào tạo không gian công cộng sáng tạo cho người dân và du khách. Mục tiêu lâu dài là biến khu phố này trở thành điểm đến, tổ chức các hoạt động văn hóa. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ trong khu phố cổ Hà Nội.
Sau khi dự án hoàn thành, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao UBND phường Hàng Mã quản lý thường xuyên. Sau thời gian khai thác, các tác phẩm xuống cấp là không thể tránh khỏi. Thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các họa sỹ kịp thời khắc phục, phục hồi các tác phẩm bích họa. Việc sửa chữa được tiến hành bằng nguồn vận động xã hội hóa.
Để các không gian nghệ thuật công cộng được bền vững, làm đẹp cho thành phố thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay cùng cơ quan quản lý để gìn giữ và phát huy không gian bích hoạ Phùng Hưng nói chung và các tác phẩm nghệ thuật nói riêng, góp phần tạo cảnh quan sạch, đẹp, mang đến những trải nghiệm văn hóa cho cộng đồng, thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.