Từ năm 2014, nhà vệ sinh công cộng tại Việt Nam đã có mặt trong danh sách 7 nỗi sợ lớn nhất của du khách khi tới Việt Nam.
Mất điểm nghiêm trọng trong mắt du khách chỉ vì nhà vệ sinh
Năm 2023 được kỳ vọng là một năm đột phá của du lịch toàn cầu. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một "cái tên vàng trong làng giật giải" khi có mặt trong hầu hết các bảng xếp hạng hàng đầu châu lục và thế giới. Đơn cử, tạp chí du lịch nổi tiếng Fodor's Travel của Mỹ vừa xướng tên TP.HCM là một trong những điểm đến hàng đầu châu Á năm 2023; Trung tâm kinh tế lớn nhất VN trước đó có mặt trong top 25 điểm đến là xu hướng du lịch hàng đầu năm 2023 do độc giả của Tripadvisor - nền tảng du lịch hàng đầu thế giới bình chọn, cùng với Hội An; Mới đây nhất, thủ đô Hà Nội của VN cũng được xướng tên trong top 3 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023, sau khi VN xuất sắc được hàng triệu độc giả trên thế giới của Travel + Leisure "bỏ phiếu" trở thành điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á năm 2023…
Thế nhưng, đúng như lời nhận xét trên bài báo của Nikkei Asia, tờ báo uy tín của Nhật, nhận định theo một chỉ số khảo sát vừa được công bố cuối tháng 1.2023: "Đường phố TP.HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh".
TP.HCM cùng với Hà Nội là hai trong những TP có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tệ nhất đối với bất kỳ du khách nào. Chỉ Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập) xếp hạng thấp hơn so với 2 TP lớn nhất VN trên bảng chỉ số NVSCC, tính trên mỗi ki lô mét vuông. NVSCC của chúng ta còn xếp sau khá xa so với Kuala Lumpur (Malaysia) đứng 42, Bangkok (Thái Lan) vị trí 45...
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam mất điểm nghiêm trọng trong mắt du khách chỉ vì nhà vệ sinh. Từ năm 2014, NVSCC đã có mặt trong danh sách 7 nỗi sợ lớn nhất của du khách khi tới VN. Trên đường phố, tại quảng trường, trên các tuyến phố đi bộ… du khách tìm đỏ mắt mới thấy NVSCC, nhưng cũng kiểu "hên xui", cái còn hoạt động, cái thì khóa cửa bỏ hoang.
Những du khách may mắn tìm thấy nhà vệ sinh còn mở cửa thì cũng chưa chắc đã có thể sử dụng được vì quá bẩn và nhếch nhác, thà "nhịn" còn hơn. Trên một diễn đàn du lịch quốc tế, đề tài về NVSCC ở TP.HCM thu hút nhiều người bình luận. Hầu hết đều "tố" các NVSCC dơ bẩn, hôi hám và khuyên những người khác khi đi chơi ở TP này nhớ mang theo cuộn giấy. "Thật sự sợ hãi. Tôi thường phải chạy vào trung tâm thương mại hay khách sạn 4 - 5 sao đi nhờ vì bảo vệ và tiếp tân không nhìn thấy", thành viên đến từ Thái Lan chia sẻ.
Nhà vệ sinh, nạn chặt chém đang "đuổi" khách du lịch
Không chỉ NVSCC, danh sách những nỗi sợ hãi của du khách khi tới VN còn là giao thông, "chặt chém", nạn ăn xin và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều năm gắn bó và làm du lịch ở VN, ông Stiermann Martin, chủ khu nghỉ dưỡng sinh thái Stiermanns Ricefield Lodge (Cần Thơ), chia sẻ đang phải "khóc ròng" vì người dân sống xung quanh khu nghỉ dưỡng thường xuyên hát karaoke từ sáng đến tối, phá tan bầu không gian yên tĩnh, gây khó chịu rất nhiều cho khách ở Stiermanns Ricefield Lodge.
Ông Martin thậm chí đã phải đích thân làm việc với UBND xã, huyện đề nghị được can thiệp, nhưng cơ quan quản lý cũng chỉ có thể xuống nhắc nhở một vài lần, không có cơ sở nào đo đếm việc người dân hát như vậy có "quá" hay không, có vi phạm hay không. Trong khi đó, khách thì chẳng ai cần đo đếm, họ chỉ cần biết ngủ ở đó mà ồn ào cả ngày thì họ không tới nữa.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, gọi đó là những biểu hiện của một nền du lịch phát triển không đồng bộ. Cụ thể, đặc điểm của ngành du lịch là có tính chất liên kết, liên thông chặt chẽ. Mỗi cơ quan, ban ngành, địa phương có một chiến lược phát triển du lịch đôi khi không giống nhau, nhưng đối với cái nhìn của du khách nước ngoài thì VN chỉ tựu trung là một điểm đến được đánh giá bao gồm cả hạ tầng, an ninh, môi trường, dịch vụ tới văn hóa, con người địa phương… Khách đến VN tiếp xúc với 10 địa phương hoặc 10 khu du lịch, nếu ấn tượng tốt được tới 9 cái nhưng đến cái thứ 10 không vui thì sẽ đánh giá chung cả điểm đến VN là không tốt. Cũng giống như vào một khách sạn, toàn bộ các dịch vụ làm tốt nhưng chỉ có một nhân viên để lại ấn tượng xấu cũng có thể làm hỏng toàn bộ hình ảnh của khách sạn.
Theo ông Phan Đình Huê, chúng ta không nhìn trên nhu cầu của khách để thấy những cái mà họ bức xúc. Đơn cử, Việt Nam tự hào là đất nước có độ an ninh cao nhưng thực tế với du khách, an ninh không phải chỉ là khủng bố, chiến tranh mà còn liên quan tới giao thông và cướp giật. Đây cũng là 2 yếu tố mà ở Việt Nam, nhất là tại các TP lớn còn lộn xộn. Hoặc như môi trường, du khách khái niệm không chỉ ở khu khách sạn, khu nghỉ dưỡng như ta nghĩ mà còn là cả tác động từ những khu vực lân cận. Đặc biệt là yếu tố NVSCC và nạn "chặt chém".
"Người địa phương có nhà, có cơ quan ít khi nghĩ tới NVSCC, nhưng thử đứng vào vị trí một du khách ở giữa chợ Bến Thành, giữa đường Nguyễn Huệ thì họ đi vệ sinh ở đâu? Rồi, nạn "chặt chém" khiến du khách bức xúc. Một khi du khách đã bị "chặt chém" thì một là họ chỉ muốn đến lướt qua và nhanh chóng rời khỏi chỗ phức tạp đó, hai là họ không chi tiêu và ba là sẽ không quay lại. Đó có thể là lý do tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Thái Lan chiếm tới khoảng 40%, nhưng của VN chỉ chưa tới 10%", vị này dẫn chứng và nhận định đây là sự lãng phí rất lớn về tài nguyên, thương hiệu. Càng đáng tiếc hơn khi VN đang sở hữu thế mạnh rất lớn về tài nguyên, chưa kể ngày càng có nhiều doanh nghiệp phát triển du lịch đổ hàng triệu, tỉ USD để xây dựng nên những sản phẩm đẳng cấp thế giới.
Chiến dịch nâng cấp NVSCC "chết yểu"
Thực tế, từ năm 2014 khi Chính phủ bắt đầu chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch thì vấn đề NVSCC đã được lên chương trình quyết liệt "dẹp nạn". Còn nhớ ngày tháng đầu tiên của năm 2014, người dân TP.HCM hào hứng rủ nhau tới "tham quan" những NVSCC tiêu chuẩn 4 - 5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23 Tháng 9 và Lê Văn Tám (Q.1).
Đó là các nhà vệ sinh được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, toàn bộ chí phí xây dựng đều do Ngân hàng Sacombank chi trả với số vốn đầu tư từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/cái. Mỗi NVSCC này có diện tích 60 m2, sạch sẽ, có người dọn dẹp thường xuyên và miễn phí. Năm 2016, chính quyền TP.HCM đã lên kế hoạch "phủ sóng" NVSCC khắp 24 quận, huyện trên địa bàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, ghi nhận sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp với các phương án phát triển chuỗi NVSCC rất khả thi. Trong đó, phương án đề xuất của Công ty Vinasing được đánh giá cao về quy mô với số lượng 1.000 NVSCC, tổng kinh phí dự kiến khoảng 110 tỉ đồng (110 triệu đồng/công trình), được lắp đặt thêm ở các nhà ga, bến tàu, công viên, tuyến đường ở 24 quận, huyện. Đổi lại, TP sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư được quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trong thời gian 15 năm để thu hồi vốn.
Với phương án này, người dân được sử dụng NVSCC miễn phí. Cùng thời điểm, doanh nghiệp trên cũng được UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho đầu tư xây dựng 1.000 NVSCC, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc hoặc inox phục vụ cộng đồng. Đổi lại, công ty được phép khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ. Thế nhưng, tới nay kế hoạch này ở TP.HCM vẫn chỉ nằm trên giấy.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, đề án phải tạm dừng vì TP.HCM chưa quy hoạch được quỹ đất công và mô hình hợp tác công – tư (PPP) đã không còn được áp dụng do luật PPP ban hành đã xóa bỏ phương thức đầu tư này. Trong khi đó, tại TP.Hà Nội cũng chỉ có được hơn 85 nhà vệ sinh trên tổng số 416 vị trí đã khảo sát và đủ điều kiện lắp đặt. Nguyên nhân do doanh nghiệp và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp tốt trong việc bàn giao mặt bằng thi công làm ảnh hưởng tiến độ lắp đặt và bàn giao công trình. Ngoài ra, còn do trục trặc trong xin cấp phép thi công đấu nối điện, cấp nước, thoát nước thải; chưa xác định chính xác hệ thống công trình ngầm tại nơi lắp đặt, dẫn đến ở nhiều vị trí phải dừng thi công, hoàn trả mặt bằng do vướng công trình ngầm.