Mặc dù nhu cầu công trình hạ tầng giao thông ở khu vực TP HCM rất cần thiết, nhưng thực tế không phải dự án nào cũng phát huy hiệu quả cao. Không ít công trình hạ tầng khi hoàn thiện, người dân rất ít khi sử dụng. Một trong số đó là các dự án cầu vượt dành cho người đi bộ. TP HCM hiện có vài chục chiếc cầu vượt đi bộ đã hoàn thành và nhiều dự án khác đang được xây dựng.
Với mục đích để người dân không phải di chuyển băng qua đường (nơi có mật độ phương tiện đông đúc), dự án cầu vượt đi bộ theo tính toán trên lý thuyết là khá hữu ích. Tuy nhiên, thực tế vẫn có cầu vượt đi bộ ở TP HCM gần như bỏ hoang, rất ít người sử dụng.
Có thể kể đến các cầu vượt đi bộ khu vực bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Nguyễn Tri Phương hay cầu vượt qua quốc lộ 1A, công viên Hoàng Văn Thụ, công viên Gia Định… đều rất ít người sử dụng. Thậm chí tại các bệnh viện, ngay cả đội ngũ y bác sỹ cũng ít sử dụng cầu vượt.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó có thói quen của người đi bộ hiện nay. Ước tính cầu vượt đi bộ thường cao khoảng 5-6 mét với đường dẫn lên và xuống khiến cho việc di chuyển qua đường tốn gấp 2 lần quãng đường và nhiều công sức (do lên cầu thang) nên nhiều người ngại và vẫn chọn lối băng trực tiếp qua đường dù nguy hiểm.
Vì vậy, nhiều người cho rằng, cầu vượt đi bộ thực tế vẫn cần thiết nhưng việc lựa chọn vị trí xây dựng phù hợp cần phải bảo đảm, đồng thời có giải pháp nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn, làm quen sử dụng của người dân. Thực tế hiện nay cơ quan quản lý hầu như chỉ chăm chú vào việc thực hiện dự án và coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, với hàng trăm tỷ đồng đã chi ra để xây dựng nhưng hệ thống cầu vượt đi bộ ở TP HCM vẫn chưa thực sự phát huy hiệu năng sử dụng.