Hà Giang là nơi chúng tôi hay trở lại. Nhiều người thích đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này. Bởi ở đó luôn có những điều hấp dẫn.
Không chỉ có cung đường xa xôi diệu vợi, có nhiều địa danh như cao nguyên đá, cột cờ, cột mốc biên cương mà phong cảnh nơi đây cũng nên thơ, lãng mạn vào bậc nhất. Theo quốc lộ 4C, bước chân vào các bản làng sẽ thấy hoa tam giác mạch nấp mình trong các kẽ đá ở Lũng Cú, Đồng Văn, bung nở bạt ngàn ở Hoàng Su Phì, Xín Mần, tam giác mạch thẹn thùng e ấp bên những căn nhà trình tường đơn sơ ở Phó Bảng... Thị trấn Sủng Là (huyện Đồng Văn) nằm trên quốc lộ 4C nối thành phố Hà Giang với thị trấn Đồng Văn vẫn được ví là thiên đường của tam giác mạch. Đến nơi đây mới thấy choáng ngợp trước sự kì vĩ, bao la của đất trời.
Ngay cả khi trở lại một địa danh quen thuộc không chỉ với dân phượt, mà với cả khách du lịch như Sủng Là thì cũng luôn hứa hẹn gặp những trải nghiệm thú vị. Sủng Là trước đây đã được chọn làm bối cảnh để quay phim "Chuyện của Pao".
Những ai xem bộ phim này, say mê với ngôi nhà của "cô Pao", đắm đuối với những con đường, những vách núi, những khuôn hình đẹp như mơ trong phim thì lại càng "mãn nhãn" khi tận mắt nhìn thấy cái đẹp, sự hoang sơ song đầy màu sắc, đầy chất thơ của nơi "cùng trời cuối đất" này. Trong khi đó, với người Hà Giang, Sủng Là vẫn được coi là “ốc đảo”, bởi nơi đây vốn là thung lũng toàn đá tai mèo nằm gọn trong cao nguyên đá Đồng Văn.
Những ngày lang thang ở miền đá xám Hà Giang, được nghe nhiều người kháo nhau một tin vui, thời gian tới huyện Đồng Văn sẽ hỗ trợ người dân trồng hoa tam giác mạch suốt từ Phố Cáo lên tới Đồng Văn, dọc theo quốc lộ và các điểm du lịch. Đây là một cách làm du lịch của vùng đất cao nguyên đá. Bởi, không chỉ đẹp, tam giác mạch là loài rất hữu dụng, gắn liền và nuôi sống họ.
Tuy vậy, một số người miền xuôi, khi lên với vùng cao cứ nghĩ hoa cải, tam giác mạch là thứ "có sẵn" trong thiên nhiên, vô chủ, tự mọc lên để làm đẹp núi rừng. Chính bởi vậy, tại nhiều địa danh, sau khi đoàn du khách kéo đi, trả lại bản làng sự yên tĩnh vốn có với những vạt hoa cải nát nhàu, những thảm tam giác mạch tả tơi như có trận cuồng phong đi qua.
Vì ai cũng muốn tạo dáng, muốn ghi được những bức ảnh thật đẹp khi về xuôi để làm "bằng chứng" cho việc ta đã đi, đã thấy, đã chụp. Thế là thi nhau giẫm đạp, chạy nhảy nô đùa trên hoa, thậm chí có những kẻ cao hứng còn phi hẳn chiếc "xế khủng" vào giữa cánh đồng hoa để thể hiện sự hào hứng, bất ngờ, sảng khoái của mình. Sự hồn nhiên của khách du lịch đã vô tình đẩy cuộc sống người dân vùng cao trở nên khó khăn hơn.
Ngay cả với những loài hoa mọc dại, như hoa lau chẳng hạn, thì cũng đừng vì say mê vẻ đẹp của các loài lau mà vô tư bẻ hoa mang về phố. Bởi lau chỉ lộng lẫy nhất khi đứng bên rìa đường, đứng ven thung lũng phất phơ trong sương giăng, đá xám…
"Cái hoa nó cũng biết đau", lời nhắn nhủ của người phụ nữ dân tộc Mông tôi gặp ở Sủng Là ấy, xin được ghi lại, để mong mỗi người, khi đến với vùng cao đều thấu hiểu, để những mùa đá nở hoa năm sau, núi đá bớt nhọc nhằn.