Mức độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng của đại dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp không khói khốn khổ. Năm 2021 được dự báo thử thách, khó khăn đối với ngành du lịch chưa dứt, song cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam chuyển mình, sẵn sàng phục hồi.
Chuyển hướng khai thác thị trường nội địa
Đường bay quốc tế bị đóng, đường bay nội địa duy trì ở mức tồn tại điều này đồng nghĩa với việc, mảng du lịch đón khách nước ngoài của ngành du lịch bị cắt. Do vậy, dịch Covid-19 buộc ngành du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa.
Du lịch phải cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép”: Vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh du lịch trong nước là giải pháp duy nhất và khả thi nhất để giúp các doanh nghiệp đương đầu với cuộc sống sinh tồn.
Đáng nói Việt Nam có những lợi thế lớn về du lịch và một số điểm đến của nước ta đã để lại được dấu ấn, thương hiệu trong mắt du khách quốc tế cũng như du khách nội địa trong thời gian qua. Ngay trong giai đoạn hiện tại các điểm Sa Pa, Hạ Long, Hội An, Nha Trang… tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc thu hút khách. Tuy nhiên, vẫn cần phải thừa nhận rằng, do việc quản trị còn hạn chế đã gây ảnh hưởng đến giá trị của những điểm đến này. Các địa phương sở hữu danh thắng chưa nâng tầm giá trị điểm du dịch.
Do vậy, khẳng định thương hiệu đẹp, an toàn sẽ có tính chất quyết định đối với ngành công nghiệp không khói của nước nhà trong giai đoạn hậu Covid 19.
Năm 2021, ngành Du lịch Việt Nam thực hiện phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, trong đó tiếp tục tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa.
Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, việc cơ cấu lại thị trường, để du lịch trong nước trở thành thị trường quan trọng, đóng góp từ 55% đến 75% tổng thu của ngành du lịch trong hai đến ba năm tới, là điều rất cần thiết. Lâu nay do chưa quan tâm đúng mức thị trường khách du lịch trong nước, nên dù khách trong nước chiếm hơn 82,5% tổng lượng khách, nhưng doanh thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm chưa đến 45% tổng doanh thu du lịch.
Lý do là sản phẩm du lịch phục vụ khách trong nước chưa đa dạng, còn mang tính mùa vụ, thiếu sản phẩm hấp dẫn để thu hút và kích thích chi tiêu của đối tượng khách này. Việc khai thác thị trường du lịch trong nước với tiềm năng 100 triệu dân, trong đó số người có thu nhập khá ngày càng tăng nhanh, mang đến nguồn thu ổn định, bền vững là hướng tập trung hiện nay của ngành.
Trong tình hình khó khăn chống đỡ dịch Covid-19, vấn đề hợp tác, liên kết du lịch được các địa phương chú trọng, chia sẻ thực chất hơn, trở thành giải pháp quan trọng để tăng lượng khách du lịch trong nước. Tăng cường liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành, doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách... là những giải pháp trọng tâm.
Ngồi lại với nhau để liên kết
Câu chuyện liên kết ở đây không chỉ dừng lại ở các địa phương. Có nghĩa là, địa phương “ngồi lại” với nhau để xác định những sản phẩm đặc trưng, phù hợp, hấp dẫn của từng vùng. Từ đó hợp tác cùng nhau khai thác thế mạnh, phát triển du lịch.
Kinh nghiệm chỉ ra, du khách rất thích các sản phẩm mới. Đặc biệt là với ngành du lịch, tiêu chí lạ rất quan trọng. Do vậy, du lịch các địa phương ngồi lại cơ cấu lại sản phẩm, tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo.
Câu chuyện liên kết còn diễn ra ngay tại các công ty du lịch - lữ hành. Các công ty tránh kiểu mạnh ai người ấy thắng, cùng nhau hình thành các gói sản phẩm hoặc chương trình liên kết trải nghiệm đa dạng, tạo sức hút bằng cách gia tăng quyền lợi đáng kể cho khách hàng mà lại tiết kiệm chi phí.
Quan trọng nữa,các công ty du lịch cần phải đồng lòng liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch nhằm giúp cho du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng.
Chia sẻ bên lề Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” ở Hội An, ông Steve Wolstenholme - Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana (Nam Hội An) tin tưởng triển vọng ngành du lịch. Theo ông S.Wolstenholme, dù ảnh hưởng bởi Covid-19, Việt Nam vẫn nỗ lực trở thành thiên đường an toàn nhờ các biện pháp phòng dịch hiệu quả của Chính phủ, sự đồng lòng từ người dân.
Ông S.Wolstenholme cho rằng du lịch Việt Nam chuyển mình, sẵn sàng phục hồi trong 2021.
Chờ tương lai sáng
Trong thời gian không xa, khi dịch Covid19 được khống chế, ngành du lịch cũng phải tính xa hơn để đón đầu khách quốc tế, với những sản phẩm mới, phù hợp ngay khi đủ điều kiện mở lại hoạt động đón khách quốc tế.
Thực tiễn cũng đã chỉ ra ngành du lịch xác định cần nhanh chóng cơ cấu lại thị trường khách. Thời gian qua, du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Ðông - Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) với khoảng 66,8% tổng lượng khách quốc tế, trong khi một số thị trường khách có mức chi tiêu cao (như châu Âu, châu Mỹ...) vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Ðiều đó đòi hỏi ngành du lịch phải điều chỉnh để có các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế, phát triển cân đối cơ cấu khách du lịch quốc tế đến từ nhiều thị trường.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, năm 2021, ngành Du lịch sẽ nghiên cứu định vị lại các thị trường du lịch quốc tế, nâng cao chất lượng khách, định hướng và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm chuẩn bị tốt cho quá trình phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Một thống kê cũng từng cho biết: Thời gian lưu trú của du khách quốc tế đến Việt Nam bình quân chỉ đạt 8,1 ngày, với mức chi tiêu bình quân là 1.074 USD cho một chuyến đi (thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng của Thái Lan là chín ngày và 1.565 USD). Ðây là vấn đề đòi hỏi ngành du lịch phải có giải pháp về sản phẩm và hướng đi để ưu tiên thu hút dòng khách, lưu trú dài ngày, bảo đảm sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, đồng thời cần chú trọng hơn đến thị trường khách trong nước
Theo Tổng cục Du lịch, hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đây là một lợi thế cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Bộ VHTTDL cũng đã khởi xướng kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để kích cầu du lịch nội địa. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá được coi là “thấp chưa từng có”.
Quả thực, nếu nhìn vào những điều kiện tự nhiên, địa lý mà Tạo hóa ban cho cũng như những nét văn hóa truyền thống mà Việt Nam đang có, ngành công nghiệp không khói kỳ vọng những kết quả lớn hơn sau bão Covid-19.
Thời gian này, khi chúng tôi thực hiện bài viết, để phục hồi sau đại dịch, các doanh nghiệp lữ hành đã và đang tung ra hàng loạt gói kích cầu thị trường nội địa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn với giá thành hợp lý. Đại diện nhiều công ty du lịch đã phối hợp với hàng không Bamboo Airways, hệ thống resort/hotel tại các điểm nghỉ dưỡng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc tổ chức các tour du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày với giá ưu đãi để phục vụ du khách dịp Tết Nguyên đán.