Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm (còn gọi là Hồ Gươm), đền Ngọc Sơn, khu tưởng niệm vua Lê là không gian đặc biệt quan trọng của Hà Nội, và vì thế, cũng đặc biệt nhạy cảm. Bất cứ có một dự án, dù lớn hay nhỏ, quanh khu vực này cũng đều khiến dư luận quan tâm và thường xuất hiện những ý kiến trái chiều.
Từ câu chuyện cột mốc Km 0
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động cuộc thi thiết kế công trình Cột mốc Km 0 cho Hà Nội. Ngay lập tức, câu chuyện xung quanh Hồ Gươm có cần “nhồi” thêm một cột mốc nữa không đã nhận được sự quan tâm của giới kiến trúc sư (KTS), các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử lẫn đông đảo người dân, du khách.
Ngược dòng thời gian, người ta vẫn còn nhớ thành phố Hà Nội đã từng “nuôi” ý tưởng về Km 0 và năm 1996 đã tổ chức cuộc thi. Khi đó, Trường Đại học kiến trúc đạt giải. Tuy nhiên, kết quả sau đó không được thực hiện vì vị trí Km 0 nằm ở khu vực Nhà khách chính phủ (12 Ngô Quyền).
Tái khởi động xây dựng cột mốc Km 0 từ năm 2018, đến nay UBND quận Hoàn Kiếm quyết định tổ chức cuộc thi mở rộng nhằm tìm giải pháp thiết kế tốt nhất. Công trình cột mốc Km 0 được nhận định sẽ là một tác phẩm nghệ thuật công cộng, phải hài hòa với không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, dễ tiếp cận. Công trình cũng được đặt yêu cầu cần sử dụng chất liệu xây dựng bền vững và dễ thi công. Ban tổ chức không quy định về hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình, khuyến khích ý tưởng sáng tạo độc đáo, mang tính thời đại và dân tộc để tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật của không gian hồ Hoàn Kiếm. “Cột mốc Km 0 với quy mô không lớn nhưng giá trị về mặt lịch sử, tính biểu tượng rất quan trọng. Tác phẩm phải có kết cấu bền vững, mang ý nghĩa về mặt thời gian, nói lên được giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội nhưng không gây xung đột với cảnh quan xung quanh”- ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.
Theo KTS Cao Xuân Hương- một trong những người tham gia làm đồ án quy hoạch về Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 1996 thì khi làm đồ án nhóm nghiên cứu đã cố gắng đi theo hướng loại bỏ công trình kiến trúc không phù hợp để trả lại không gian cho hồ chứ không phải đưa thêm công trình mới. Vì thế, nếu nhìn từ góc độ đó thì cuộc thi thiết kế Km 0 đi ngược lại quan điểm của quy hoạch.
Cùng chung quan điểm “không nên trồng thêm các công trình ở khu vực Hồ Gươm”, tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh cho rằng cuộc sống thay đổi và “cột mốc Km 0 là món nợ của giới kiến trúc, quy hoạch trong quá trình chuyển đổi, là cái không thể không làm”. Ông Ánh cho rằng, cần luôn giữ hồn cốt của Hồ Gươm khi đưa cái mới vào, nhưng cũng có thể bỏ đi kiến trúc xấu xí đang tồn tại quanh hồ, như quán cafe bốn mùa, nhà bảo vệ của ban quản lý hồ...
Ủng hộ cần có cột mốc Km 0, song KST Nguyễn Thúc Hoàng- nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, về hình thức, không nên làm cột mốc là hình khối nổi, chỉ cần đặt nằm phẳng trên mặt đất giống như cột mốc Km0 của nước Pháp đặt trước sân Nhà thờ Đức bà Paris hay việc ghi danh ở đại lộ bên Mỹ.
Ông Đào Ngọc Nghiêm- nguyên KTS trưởng thành phố cho hay, năm 1996, khi quy hoạch Hồ Gươm được ban hành, có trên 40 dự án đầu tư xây dựng ngầm, nổi quanh Hồ Gươm. Nhưng “dư luận rất căng thẳng, thành phần tham gia rất kiên quyết” nên cuối cùng đến nay chỉ có chưa đến 10 công trình được xây dựng, “còn tất cả vẽ xong lại để đấy”.
Theo ông Nghiêm, đặt cộc mốc Km 0 tại Hồ Gươm là đúng, song lại xác định ba vị trí xây dựng cột mốc Km 0 tại khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay; phía bên bờ Hồ Gươm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ và sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ thì chưa hoàn toàn là thuyết phục. “Bởi cột mốc Km 0 không chỉ là ý nghĩa Km 0 mà còn là không gian công cộng để tôn vinh khu vực Hồ Gươm, phù hợp với cảnh quan xung quanh và nâng tầm vị thế của Hồ Gươm đối với các vùng và cả quốc gia”- ông Nghiêm đề xuất.
Trong khi đó, TS.KTS Emmanuel Cerise (Viện PRX vùng thủ đô Paris) đưa ra quan điểm, Hà Nội dựng cột mốc Km 0 mang tính biểu tượng văn hóa, phục vụ cho phát triển du lịch và thương hiệu của thủ đô thì nó không nhất thiết phải giống với cột mốc của Pháp hay Mỹ. “Cột mốc Km 0 không nhất thiết phải ôm hết cả “dân tộc và hiện đại” vào một thiết kế như một tiêu chí của ban tổ chức, mà có thể “buông rơi” truyền thống nghìn năm Thăng Long để sáng tạo một biểu tượng hoàn toàn hiện đại như một biểu tưởng mở ra một thời kỳ mới của Hà Nội, một thời kỳ ngàn năm khác”- TS.KTS Emmanuel Cerise đưa ra gợi ý.
Nói “không” với tư duy “ăn xổi”
Ngày 6/7 tới, cuộc thi tìm kiểm thiết kế cột mốc Km 0 sẽ khép lại. Không biết cập rập phát động tổ chức cuộc thi trong vòng một tháng liệu ban tổ chức có tìm được tác phẩm xuất sắc để trao giải và sau đó đưa ra trưng bày, xin ý kiến nhân dân hay không. Tuy nhiên, thông qua việc này, cho thấy một vấn đề rất căn cốt: Hồ Gươm là khu vực cực kỳ đạc biệt và cũng cực kỳ nhạy cảm. Chúng ta hẳn còn nhớ, chỉ mấy năm trước, từng có nhiều ý tưởng “làm mới” Hồ Gươm. Trong đó điển hình là đề xuất dựng mô hình 3D Kinh Kong. Mặc dù đây chỉ là ý tưởng nhằm quảng bá cho bộ phim “Kong: Skull Island” (Đảo đầu lâu) của nước ngoài sản xuất với nhiều bối cảnh ở Việt Nam, song dư luận cũng đã phản đối và rất may Hà Nội đã bác đi đề xuất này.
Hay như hồi năm 2017, đề xuất dựng tượng “Thần Kim quy” quanh khu vực Hồ Gươm của Công ty TNHH Hữu nghị Á Châu cũng từng khiến dư luận băn khoăn, báo chí tốn nhiều giấy mực. Theo đề xuất này thì tượng có chiều dài từ 2,5 đến 3,5m, cao (cả chân đế) 2,5m, được làm bằng đồng nguyên chất và vàng với trọng lượng từ 6 đến 10 tấn. Địa điểm đặt tượng tại khu vực gần ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng. Mặc dù đề án này được một số cá nhân ủng hộ bằng những phát biểu chính thức trên công luận, song Sở VH-TT Hà Nội đã thẳng thừng bác bỏ khiến cho không gian hồ Hoàn Kiếm được “thoát hiểm”.
Một số ý kiến của các nhà văn hóa cho rằng, không gian hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và tượng vua Lê là di tích lịch sử văn hóa, vì thế bất cứ ý tưởng nào muốn đưa thêm các hạng mục vào cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn rộng rãi. Tránh tư duy “ăn xổi”, theo “mùa vụ” hoặc có tính thử nghiệm. Vì đây là một trong những không gian đặc biệt nhất của Thủ đô, là điểm đến quen thuộc của người dân và du khách.
Thời gian qua, câu chuyện thành phố Hà Nội dự định mở cửa ga tàu điện ngầm C9 ngay bên cạnh Hồ Gươm cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Theo đề xuất, vị trí ga ngầm C9 (thuộc dự án đường sắt đô thị số 2) dự kiến đặt trong khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, kích thước dài 150m, rộng hơn 21m, sâu trên 17m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Mặc dù TP Hà Nội khẳng định vị trí ga C9 không xâm phạm khu vực bảo vệ lõi và các yếu tố cấu thành lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn nhưng nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và của người dân đã nêu ra những ý kiến phản biện. Ngay cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng chính thức nêu quan điểm: Ga ngầm C9 là công trình phục vụ giao thông, nếu xây gần Hồ Gươm như đề xuất của thành phố Hà Nội là vi phạm Luật Di sản văn hoá.
Văn bản của Bộ VHTTDL nhấn mạnh, với phương án thiết kế thân ga cách Tháp Bút 36m, đường hầm dưới lòng đất chỉ cách 1m thì khi thi công sẽ phải đào đất, làm rào chắn, di dời toàn bộ cây xanh khu vực ven hồ. Khi công trình hoàn thành mới trả lại mặt bằng di tích, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, môi trường văn hoá và sinh thái khu vực. Việc thi công nhà ga còn tạo rung chấn, ảnh hưởng tới Nghi môn, Tháp Bút của đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu. Đặc biệt, Tháp Bút là biểu tượng đặc sắc riêng có về truyền thống hiếu học và văn hiến của thủ đô Hà Nội, đã đi vào tiềm thức của người dân. Bên cạnh đó, việc xây ga ngầm cạnh Hồ Gươm còn có nguy cơ tắc nghẽn giao thông ở đây khi tiếp nhận lượng hành khách lớn từ ngoài vào trung tâm. Vì vậy, Bộ VHTTDL đề nghị thành phố Hà Nội điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga và các công trình phụ trợ để không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích, tuân thủ Luật Di sản văn hoá.
Những gì đồ sộ không thuộc về Hồ Gươm
Theo giới KTS, trong tổng thể không gian, khu vực xung quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận chính là nơi gặp gỡ và chuyển tiếp giữa các cấu trúc đô thị làm nên hạt nhân của trung tâm lịch sử Hà Nội ngày nay.
Việc cấp phép xây dựng cho những tòa nhà cao tầng ở gần khu vực Hồ Gươm đã phá vỡ cảnh quan nghiêm trọng. Đứng từ mép hồ phía đường Lê Thái Tổ nhìn ra sẽ thấy những tòa nhà cao tầng từ xa. Nhiều người lo ngại, bởi Hồ Gươm đang có nguy cơ bị “nuốt chửng”, trở thành “cái ao”. Dư luận xã hội cũng đã nhiều lần lên tiếng về những công trình cao tầng này. Thế nhưng, hiện nay, ngay trên đường Lê Thái Tổ một dự án khách sạn cũng đã được cấp phép và đang thi công xây dựng.
GS.KTS Hoàng Đạo Kính đã sớm cảnh báo, xu hướng xây vây quanh Hồ Gươm là rất đáng ngại, một số tòa nhà xây trên đường Trần Quang Khải rất lớn, là một sự đe dọa cho không gian Hồ Gươm. “Cái đẹp hiện hữu của Hồ Gươm là một hình ảnh thân thương, một không gian đô thị khiến nhớ nhung, dù kiến trúc không đặc sắc nhưng chất chứa những hoài niệm đẹp” - GS Kính khẳng định - “Phải coi Hồ Gươm là một cấu trúc mang tính di sản đô thị, một cấu trúc không gian đặc biệt ở chỗ nó gắn nối với khu phố cổ Hà Nội và gắn nối với khu phố Pháp. Nếu chúng ta xây toàn những công trình đồ sộ xung quanh Hồ Gươm thì sẽ biến nó biến thành cái ao con. Hiện nay, bao quanh Hồ Gươm hầu như không có công trình nào thật đẹp, nhưng tổng thể vẫn đẹp là do sự chung sống thuận hòa của những công trình kiến trúc các thời kỳ…”
Cùng chung nỗi lo Hồ Gươm có thể biến thành “cái ao con” bởi các công trình kiến trúc xây dựng quá cao, PGS.TS Nguyễn Chí Bền đưa ra quan điểm: Mọi công trình xây dựng bên hồ Hoàn Kiếm phải không được ảnh hưởng đến cảnh quan của hồ, đảm bảo đừng biến Hồ Gươm thành cái ao. “Càng nhiều nhà cao tầng xung quanh, sẽ càng “nuốt” không gian của hồ, khiến hồ trở nên nhỏ bé hơn, nhất là tạo cảm giác cái tháp giữa hồ chỉ còn bé tí teo”- GS Bền khẳng định.
Gìn giữ Hồ Gươm không đồng nghĩa với việc giữ tất cả cái cũ - dù cái cũ trải qua thời gian đã xuống cấp, cũng không “lấy cái rêu phong làm đồ trang sức” mà chúng ta cần sớm loại bỏ những công trình không phù hợp, ít giá trị xung quanh Hồ Gươm; đồng thời chấp nhận những công trình sáng tạo mới. Song trước khi đưa một công trình mới vào cần phải nghiên cứu, tham vấn ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến của người dân. Làm mới, là để lại cho mai hậu một dấu ấn văn hóa của thời chúng ta đang sống, song không nên tạo thêm áp lực cho không gian Hồ Gươm, bởi nó có thể làm mất đi các giá trị mà phải rất nhiều thời gian mới có được.
Cột mốc Km 0 là một vị trí quan trọng, điểm bắt đầu định vị không gian đến những tỉnh thành khác trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên đến hiện tại, cột mốc Km 0 ở đâu vẫn là một ẩn số. Tôi cũng là người sống ở phố Hàng Đường đã lâu và có nghe được về việc Km số 1 ở gần chợ Đồng Xuân, do trước đây, đường giao thông quan trọng hàng đầu ở Hà Nội không phải đường đất mà là đường xe điện nên có lẽ Km 0 tính từ ga xe điện ở trung tâm Hồ Gươm. Khi người Pháp đến Hà Nội vào năm 1988, cũng đã định hình về Hà Nội lấy Hồ Gươm là trục chính. Nếu chúng ta có thể tìm ra vị trí mà ban đầu người Pháp định vị Km 0 thì sẽ rất tuyệt vời, nhưng hiện nay, Hà Nội đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nên vị trí đặt cột mốc cũng cần có sự thay đổi. Đặc biệt, trong thời đại du lịch hội nhập, cột mốc Km 0 còn là điểm lưu giữ văn hóa, mang sắc thái biểu tượng riêng của mỗi quốc gia. Ý tưởng thiết kế cột mốc không bị giới hạn bởi không gian, chiều cao, kích thước, kết cấu đặc, rỗng, nhưng chúng ta cần quan tâm đến vị trí thiết kế phải có không gian để những du khách có thể đến đây tham quan, du lịch, chụp ảnh- Nhà sử học Dương Trung Quốc.