Hồ Gươm linh thiêng. Hồ Gươm là trái tim của Hà Nội. Hồ Gươm huyền ảo và lung linh. Hồ Gươm, lẵng hoa giữa lòng thành phố. Rất nhiều mỹ từ, ví von khác cho vẻ đẹp và trầm tích lịch sử, văn hóa Hồ Gươm. Nhưng hãy để cho Hồ Gươm được yên. Đừng cố chất thêm các công trình vào Hồ Gươm nữa. Hồ Gươm chật lắm rồi.
Không gian Hồ Gươm nhìn từ trên cao.
Mới đây, ngày 3/6, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã làm lễ phát động cuộc thi Thiết kế Công trình Cột mốc Km 0 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. UBND quận Hoàn Kiếm giao Tạp chí Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức lễ phát động với sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Xét về ý nghĩa văn hóa, chọn một công trình kiến trúc làm biểu tượng Cột km số 0 của một quốc gia là ý tưởng hay. Ở một số nước trên thế giới, km0 là một địa điểm văn hóa, không chỉ là cơ sở để thiết lập quy ước về khoảng cách đường bộ của thành phố, quốc gia mà còn là một điểm đến đặc biệt có tính biểu tượng cao.
Ý tưởng về xây dựng Cột mốc Km 0 từng “rộ” lên cách đây vài năm. Lắng đi một thời gian đến hôm nay thì xuất hiện cuộc thi sáng tác. Ban tổ chức nêu rõ 3 vị trí lựa chọn xây dựng công trình để các bài dự thi sáng tác là: Vị trí 1: Khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sỹ hiện nay; Vị trí 2: Phía bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Vua Lý Thái Tổ; Vị trí 3: Sân trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ.
Tuy Ban tổ chức nêu rõ: Công trình sẽ là một tác phẩm nghệ thuật công cộng hài hòa với không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm và là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan thủ đô Hà Nội. Nhưng thực tế có thế không thì chưa chắc. Cuộc thi vừa mới phát động mà chỉ một tháng sau đã có kế hoạch chấm thi từ ngày 6-10/7/2020. Sau đó các tác phẩm đoạt giải sẽ được trưng bày, triển lãm, lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Thành phố Hà Nội xem xét. Mốc thời gian và kế hoạch này rất vội vàng chẳng khác gì kế hoạch xây dựng tượng đài Vua Lý Thái Tông làm biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử của ngành tư pháp vừa rồi.
Con người sống cần thở. Không gian thiêng của Hồ Gươm cũng cần thở. Cứ mỗi lần người ta định đưa các ý tưởng thiết kế xây dựng ở khu vực Hồ Gươm ra bàn là một lần không ít ý kiến của dư luận phản bác. Phản bác các công trình xây dựng của tư nhân, của doanh nghiệp vượt quy hoạch là điều đương nhiên. Nhưng ngay cả các công trình mà chủ đầu tư cho là công trình văn hóa đi chăng nữa thì cũng gặp sự phản đối.
Bởi vì không gian Hồ Gươm chật lắm rồi. Không gian của khu vực 1, là không gian bảo vệ tính nguyên gốc của di tích vói những đền, hồ, cầu, tháp Hòa Phong là không được xây dựng. Tất nhiên người ta không lập dự án ở đây. Nhưng tại khu vực 2 của di tích, nơi người ta có thể lấy lý do phát huy di tích, làm tăng vẻ đẹp cảnh quan… thì đến nay không biết bao nhiêu dự án đã được lập ra và bị bỏ. Nhưng vì lợi ích rất lớn, người ta vẫn nhăm nhe tìm cách xây dựng. Tổng diện tích khu vực 2 của Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm là 34.284,6 m2 tức là chưa được 3,5 ha. Trong 3,5 ha này đã có biết bao nhiêu công trình văn hóa, vườn hoa, đường giao thông được xây dựng. Vậy là không gian thực tế để con người cảm thấy thư thái, để cảm thấy có tầm mắt vươn xa một chút còn không nhiều. Nếu các công trình xung quanh mà cao trên 30 m trở lên thì Hồ Gươm lập tức trở thành ao làng, ao tù.
Hồ Gươm trở nên thiêng liêng và thành trung tâm của Hà Nội, của đất nước một phần là do những công trình văn hóa được xây dựng từ thế kỷ 19. Thời điểm mà những nhà Nho Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu… cải tác Đền Ngọc Sơn, dựng Tháp Bút, Đài nghiên, Đình Trấn Ba… Sau đó người Pháp quy hoạch đường, phố, Bưu điện, Nhà hát Lớn xung quanh. Tất cả các công trình đó được người Pháp xây dựng và tính toán cho vẻ đẹp không gian và mật độ đô thị ở thời điểm đó là 25 vạn dân. Sau này, nhiều công trình khác đã được xây dựng khiến không gian Hồ Gươm thêm chật chội.
Lại nhớ, cuối năm 2014, Hà Nội đưa ra kế hoạch xây dựng Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm. Báo Đại Đoàn Kết cũng từng có loạt bài phản biện, nhưng Bộ VHTTDL lại “giúp đỡ” Hà Nội khi ra văn bản thỏa thuận đồng ý. Công trình được xây dựng nhanh chóng. Thế nhưng, mấy năm nay Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm có những hoạt động văn hóa hay tuyên truyền du lịch gì đáng nhớ, đáng kể? Hay là chỉ khiến dư luận bức xúc khi bao lời hứa của chính quyền quận Hoàn Kiếm bị bay theo gió, thay vào đó là hoạt động cho thuê kinh doanh café, ăn uống, bán vé máy bay?
Nếu cứ buộc phải xây dựng bằng được Cột Km 0 thì tốt nhất là không xây dựng. Còn cần để Hồ Gươm phải gánh thêm một biểu tượng nữa cho đất nước thì tại sao không lát gạch, hay một chất liệu bền vững, an toàn nào đó trên một vị trí thuận lợi giao thông để người ta thi nhau đến đó mà chụp ảnh?