Sau thông tin tạm dừng cuộc thi Toán, tiếng Anh qua mạng từ phía Bộ GD&ĐT, Ban tổ chức cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet khẳng định vẫn triển khai. Theo đó, lịch thi vòng 3 sẽ diễn ra vào ngày 28/8 tới, khiến dư luận thực sự băn khoăn. Liệu cuộc thi đã dừng hẳn hay chưa?
Vẫn còn đó băn khoăn về các cuộc thi trên mạng.
Bộ GD&ĐT: Hãy để sân chơi thực sự là sân chơi
Ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học- Bộ GD&Đ khẳng định bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 vừa diễn ra: Bắt đầu từ năm học 2017-2018, Bộ sẽ không chủ trì, tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các cuộc thi dành cho học sinh như Violympic, thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, thi dạy học theo chủ đề tích hợp…
Bộ cũng yêu cầu không được sử dụng kết quả của các cuộc thi vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh hoặc ưu tiên xét tuyển trong tuyển sinh đầu cấp học.
Ông Thành cho hay, tháng 12-2016, Bộ đã tiến hành rà soát các cuộc thi dành cho học sinh, giáo viên. Theo báo cáo của các Sở Gd&ĐT và kết quả rà soát của Bộ, số lượng các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực cho giáo viên, học sinh, nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội.
Có nhiều cuộc thi học sinh luyện thi đi luyện thi lại, thuộc cả đề thi, mất thì giờ và không tốt. Nhằm khắc phục tình trạng trên, tháng 5/2017 Bộ đã có văn bản gửi các địa phương về việc Bộ chủ trương giảm các cuộc thi cấp quốc gia, chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức.
Về phía Bộ sẽ dừng triển khai, không tham gia chủ trì hoặc phối hợp chủ trì các cuộc thi, như Violympic, thi vận dụng kiến thức liên môn…
Ông Thành cũng phân tích rõ hơn, cụ thể như cuộc thi như Violympic là do các đơn vị tổ chức trên internet thì Bộ không can thiệp được, Bộ chỉ dừng sự phối hợp của Bộ. Nếu như các năm trước, khi triển khai cuộc thi đều có văn bản từ Bộ thì năm nay sẽ không phát hành văn bản, không sử dụng kết quả thi để đánh giá học sinh, ưu tiên xét tuyển đầu cấp. Hãy để các sân chơi chỉ là sân chơi.
Đơn vị tổ chức: Không tạo sức ép cho thí sinh
Tuy không phủ nhận những lợi ích mà các cuộc thi này mang lại nhưng trước thông tin các cuộc thi qua mạng vẫn được tổ chức độc lập, không có sự tham gia của Bộ GD&ĐT, nhiều phụ huynh vẫn khá băn khoăn về khả năng biến tướng của cuộc thi, liệu các trường có tiếp tục ép học sinh dự thi hay không...
PGS Văn Như Cương cho rằng những cuộc thi qua mạng như thời gian qua phần nhiều là tiêu cực hơn là tích cực. Vì thế ông lấy làm ngạc nhiên khi những cuộc thi này vẫn được tiếp tục.
TS Lê Thống Nhất, “cha đẻ” của ViOlympic Toán và tiếng Anh (IOE) thì khẳng định, hệ thống thi Olympic tiếng Anh trên Internet vẫn hoạt động trong năm học tới.
Sau khi khảo sát ý kiến nhiều đơn vị vẫn muốn sử dụng hệ thống thi Olympic tiếng Anh của dự án, những người sáng lập cuộc thi đã có quyết định vẫn tiếp tục tổ chức dù không có sự hợp tác của đơn vị quản lý là Bộ GD&ĐT.
Theo đó, thủ tục để được cung cấp mã số thi với sở GD&ĐT là gửi công văn yêu cầu gửi mã số thi từ cấp quận/huyện/thị xã về hộp thư: ioe@moet.edu.vn .
Theo TS Lê Thống Nhất, IOE vẫn tiếp tục được tổ chức mà không có sự tham gia của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thay mặt những người sáng lập, ông đề nghị các đơn vị không tạo sức ép cho thầy cô và học sinh phải tham gia.
Hãy để mọi người đến với IOE là để học tập môn tiếng Anh tốt hơn. Việc Bộ GD&ĐT có chính thức đồng hành với cuộc thi nữa hay không sẽ không ảnh hưởng tới việc tồn tại của trang học tập tiếng Anh này.
Học tiếng Anh theo mô hình lấy trẻ làm trung tâm Ngày 25/8 tại Hà Nội, Trường CĐ Sư phạm Trung ương đã khai mạc Hội thảo quốc tế “Tổ chức hoạt động giáo dục thẩm mỹ và xây dựng môi trường cho trẻ làm quen tiếng Anh trong trường mầm non theo mô hình lấy trẻ làm trung tâm. Hội thảo đã thu hút nhiều chuyên gia giáo dục mầm non trong và ngoài nước với hơn 80 tham luận do các chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ trong và ngoài nước được gửi đến. Tại hội thảo, các tham luận tập trung làm sáng rõ các nội dung: Thực tiễn việc tổ chức hoạt động giáo dục thẩm mỹ và xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong trường mầm non ở Việt Nam hiện nay; Đề xuất những biện pháp nhằm phát triển hoạt động giáo dục thẩm mỹ và xây dựng môi trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo mô hình lấy trẻ làm trung tâm cho các trường mầm non ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xã hội, xu thế hội nhập quốc tế trong nền kinh tế thị trường. M.Dũng |