Được chi nhiều, giáo dục đại học sẽ bứt phá?

Hàn Minh 16/11/2023 07:14

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện tồn tại một số vấn đề được cho là cản trở tiến trình tự chủ đại học (ĐH), từ đó ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà điểm nhấn là câu chuyện tài chính.

Đón chào sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Thu Hương.

Trong 3 năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đạt và vượt mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) và chi cho giáo dục ĐH ở mức 4,33 - 4,74% tổng chi cho giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, NSNN cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế, không còn nguồn để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH còn rất thấp, phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH chưa hiệu quả.

PGS. TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, hiện nay nguồn thu chủ yếu của các trường ĐH dựa vào học phí. Học phí liên tục tăng song một trường không thể trở thành ĐH đẳng cấp thế giới hoặc xếp hạng thế giới nếu chỉ dựa vào học phí.

Nhiều nước trong khu vực đang chi cho giáo dục ĐH tính trên GDP chiếm ít nhất 1% như: Thái Lan 0,64%; Trung Quốc 0,87%; Hàn Quốc và Singapore 1%; Maylaysia 1,13%; Pháp 1,25%; Anh 1,29%, Australia1,54%, Newzealand 1,63%; Finland 1,89%. Các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ trọng chi cho giáo dục ĐH cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam. Theo GS Lê Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, ngân sách cho giáo dục ĐH nói riêng chỉ chiếm 0,27% GDP, thấp hơn nhiều so với khu vực và thế giới

Tuy nhiên, theo ông Võ Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Tài chính, chi cho giáo dục ĐH đang chiếm khoảng 12-13% tổng chi NSNN cho giáo dục. Nếu nâng lên khoảng 1% GDP như một vài đề xuất thì sẽ phải tăng gấp đôi chi cho giáo dục đào tạo.

Như vậy sẽ tạo áp lực đối với phần giáo dục phổ thông, mầm non…

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nếu chỉ tăng lên gấp đôi, khoảng 0,5% GDP thì phần tăng ấy tương đương 7.000-8.000 tỷ đồng, trong khi đó hiện ngân sách cho giáo dục của chúng ta là 350.000 tỷ đồng/năm. Tăng đầu tư cho giáo dục ĐH về cơ bản chỉ là điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong giáo dục và đào tạo sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn nhưng có thể đạt hiệu quả cao.

Muốn có chất lượng phải bứt phá

Bên cạnh khó khăn về nguồn ngân sách có hạn, có ý kiến lo ngại tăng chi cho giáo dục ĐH có thể ảnh hưởng tới các khoản đầu tư khác. Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra một thực tế là đầu tư rồi nhưng để tiêu được là câu chuyện khác.

“Nếu không thay đổi cách tiêu thì cho càng nhiều tiền chắc càng nguy hiểm. Do đó, cần nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá của các trường ĐH", ông Sơn nói.

Điều này cũng được PGS. TS Vũ Hải Quân chia sẻ tại Hội nghị Giáo dục 2023: “Năm 2023 chúng tôi dự kiến trả lại ngân sách hoặc hủy dự toán 671,4 tỷ đồng thời phải chuyển là 545 tỷ đồng nguồn từ năm 2022 sang 2023. Phải hủy dự toán, tức là cấp năm 2021 nhưng đến 2022 vẫn không giải ngân được khoảng 340 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách cấp có thể lớn, nhưng tiêu được hay không là câu hỏi đặt ra”.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, trong bối cảnh nước ta có nhiều trường ĐH cơ cấu, loại hình đa dạng, vấn đề đột phá cần có định hướng trọng tâm, trọng điểm rõ ràng. Phải trả lời được câu hỏi tăng vào cái gì, tăng như thế nào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các cơ sở giáo dục ĐH công lập muốn bứt phá, một mặt cần huy động nguồn lực xã hội mạnh mẽ nhưng mặt khác cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến.

“Chỉ có phát triển mới có chất lượng. Còn cứ loay hoay ứng phó với sự tồn tại thì chất lượng sẽ là câu chuyện vô cùng khó" - Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Được chi nhiều, giáo dục đại học sẽ bứt phá?