“Bản chất sống thử không xấu - không tốt, tốt hay xấu là do cách sống thử có trách nhiệm hay vô trách nhiệm mà ra. Tuy nhiên, thực tế sống thử hiện đang được ít mất nhiều, các bạn trẻ hãy cân nhắc sao cho hài hoà giữa sự tự do hiện tại với mái ấm hạnh phúc đường dài”, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Đại học sư phạm TP HCM) nhận định về trào lưu "sống thử" hiện nay.
Một bộ phận người trẻ lười kết hôn vì sống thử
Văn Hùng (SN 1997 ở TP Thanh Hoá) và Phương Chi (SN 1998 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) quyết định dọn về ở với nhau khi còn học chung ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. "Bọn mình sống với nhau đã được hơn 4 năm nay và rất hài lòng cuộc sống hiện tại", Hùng chia sẻ.
Giải thích chuyện không muốn kết hôn, Hùng cho biết họ không muốn trói nhau bằng một tờ giấy có dấu đỏ và sợ trách nhiệm gia đình sau hôn nhân. "Có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ đăng ký kết hôn bởi lúc đó phải sinh con. Còn hiện tại, cả hai thích sự tự do", Hùng cười.
Còn theo Phương Chi, khi nghe những người bạn than lấy chồng khổ, rồi chuyện mẹ chồng - nàng dâu khiến cô “chùn bước” trước việc kết hôn. “Mình thấy sống thử thế này thích hơn kết hôn, vì nếu cưới sẽ phải ở chung với gia đình nhà chồng và nhiều chuyện phát sinh nữa. Dù đã ở tuổi 25, thường xuyên bị gia đình giục cưới nhưng mình chưa sẵn sàng. Nói cho cùng, khi đã không yêu thương nhau nữa thì tờ hôn thú cũng không giữ được nhau", Phương nói.
Tương tự, cặp đôi Tuấn Đức (SN 1995 ở Đoan Hùng, Phú Thọ) và Anh Thư (SN 1999 ở Phủ Lý, Hà Nam) đã sống thử với nhau được hơn 3 năm. Hai người đi làm, tiền bạc chi tiêu chung, đã chung tiền mua được căn chung cư ở Hà Nội nhưng vẫn chưa có ý định cưới nhau. “Nếu sau này không yêu nữa thì đường ai nấy đi, căn nhà sẽ bán chia đôi. Ngoài tình yêu ra sẽ chẳng có gì ràng buộc bọn mình. Còn khi đã kết hôn, liên quan đến pháp luật sẽ rất phức tạp", Thư quan điểm.
Theo Thư, cô sợ việc lấy chồng sẽ bị áp lực sinh con, sau đó chật vật vì chăm sóc chồng con, nghĩa vụ làm dâu đối với gia đình chồng. “Bọn mình sống thử với nhau thế này có khác gì vợ chồng đâu. Nên mình nghĩ kết hôn không phải là gánh nặng nữa, khi nào kinh tế vững chắc, và phải sinh con bọn mình mới tiến đến hôn nhân”, Thư chia sẻ.
Khác với những người bạn cùng trang lứa, Hồng Ngọc (SN 1993 ở TP Vinh) có công việc ổn định, thu nhập cao, ngoại hình xinh xắn (làm trưởng phòng trong một công ty nước ngoài lớn ở Hà Nội - PV) chọn việc sống thử với bạn trai để làm mẹ đơn thân thay vì lấy chồng.
“Ý định sinh con mà không cần lấy chồng hình thành từ khi mình đang là sinh viên. Bởi trải qua nhiều mối tình, mình thấy tình yêu không thể bền chặt mãi, về sau họ ở với nhau nhiều hơn là trách nhiệm và nghĩa vụ rồi ràng buộc nhau. Mình thích sự phóng khoáng, ngay cả trong chuyện tình cảm, tình dục”, Ngọc chia sẻ.
3 được 6 mất
Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Đại học sư phạm TP HCM) cho rằng: Càng hiện đại, mỗi người càng thích tự do, càng muốn bản thân mình có nhiều "oxy" để thở, nhất là tuổi trẻ. Trong khi đó, nếu kết hôn, nhiều cặp đôi phải đối diện với cảnh mẹ chồng - nàng dâu, gánh lên vai nghĩa vụ làm việc nhà, ràng buộc thời gian, hàng tá trách nhiệm phát sinh.
Do đó, một số cặp đôi còn trẻ, còn thích hít thở không khí tự do nảy sinh xu hướng chọn lựa giải pháp sống thử để vừa tìm hiểu sâu về nhau, vừa trải nghiệm cuộc sống gia đình mà ít nhiều vẫn giữ được sự riêng tư cần thiết, cũng như có "đường lùi" nếu không hoà hợp với nhau. Chỉ những cặp đôi nào cảm thấy tình yêu đã chín muồi, có nhu cầu gắn bó cả đời, khát khao sinh con và xây dựng tổ ấm lâu dài thì sẽ bước qua giai đoạn hôn nhân chính thức.
Theo TS Hiếu, bản chất sống thử không xấu không tốt, tốt hay xấu là do cách sống thử có trách nhiệm hay vô trách nhiệm mà ra. Nếu biết sống thử cho ta 3 cái được: Giúp hai người hiểu nhau sâu sắc hơn vì khi chung sống dưới một mái nhà, mỗi người sẽ bộc lộ rõ những tính cách của mình; đồng thời đo được mức độ hòa hợp cũng như xung khắc trong lối sống; và có cơ hội thực tập kỹ năng phân công công việc gia đình, kỹ năng quản lý tài chính chung.
Còn không biết cách, sống thử sẽ khiến cho ta gặp phải 6 cái mất: Chẳng hạn mất đi ý nghĩa của sự trong trắng thiêng liêng dành riêng cho người bạn đời thật sự. Mất đi sức khỏe, có thể “đeo ba lô ngược", ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe nếu phá thai... Mất đi danh dự khi con gái bị đánh giá là dễ dãi, buông thả, dễ bị bạn trai xem thường, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bị chồng và gia đình phát hiện đã từng sống thử. Sống thử cũng dễ biến thành thói quen, thành lối sống hời hợt, buông thả. Đặc biệt có nguy cơ bị tung ảnh nhạy cảm, những clip sex, bị uy hiếp... sau khi chia tay. Và trong trường hợp sống thử vội vàng với một tình yêu hời hợt người ta dễ trở nên buồn chán, trở mặt xúc phạm, chà đạp nhau, để lại những sẹo khó lành…
“Cuộc đời ai cũng hữu hạn, tuổi trẻ rồi cũng qua đi. Nếu tình yêu hiện tại là nghiêm túc, tìm hiểu nhau đã đủ kỹ thì hôn nhân vẫn là giải pháp bền vững nhất. Hôn nhân tất nhiên sẽ có ít nhiều ràng buộc, nhưng sự ràng buộc đó sẽ giúp người ta tìm cách hàn gắn thay vì vứt bỏ mỗi khi mâu thuẫn với nhau. Do đó, khi chọn cho mình một trong hai cách, hãy cân nhắc sao cho hài hoà giữa sự tự do hiện tại với mái ấm hạnh phúc đường dài", TS Hiếu đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam): Sống thử hiện khá phổ biến ở hai nhóm đối tượng là công nhân, những người làm việc ở khu công nghiệp và nhóm sinh viên trọ học. Họ là những đối tượng xa gia đình, yêu nhau và muốn sống cùng nhau để giảm chi phí…
Việc sống thử thật ra không thể kiểm soát, bởi lẽ xuất phát từ tình cảm và cả hai người đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, việc nam nữ có tình cảm về sinh hoạt ăn ở như vợ chồng không tránh khỏi việc quan hệ trước hôn nhân.
Nhiều bạn đã chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai để không ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, học tập. Nhưng, không ít trường hợp trở thành ông bố bà mẹ khi mới 18-19 tuổi. Các bạn nên thực sự cân nhắc khi “sống thử” và có các biện pháp để tránh việc có thai ngoài ý muốn, để lại hậu quả đáng buồn và ảnh hưởng đến tương lai, hạnh phúc...
“Còn việc giới trẻ lười kết hôn có nhiều nguyên nhân, ngoài sống thử ra còn có thể do áp lực, nhịp điệu của đời sống hiện đại; những người trẻ muốn hưởng thụ cuộc sống tự do trước khi kết hôn…”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Thận trọng khi "sống thử"
Nhà văn Nguyễn Văn Học, Báo Nhân Dân:
Sống thử cũng không có nghĩa là lệch lạc, hư hỏng. Nhưng cần cân nhắc cái được và cái không được của việc sống thử. Sống thử sẽ có chuyện quan hệ tình dục. Khi chưa có sự sẵn sàng để lập gia đình, có con, kiến thức phòng tránh thai… sẽ dẫn đến những hậu quả. Nhiều bạn trẻ dễ chia tay nhau vì cảm thấy “no đủ” và sở hữu được nhau trọn vẹn rồi, không cần phải khám phá thêm nữa.
Tất nhiên sau mỗi cuộc chia tay như vậy thì người con gái chịu thiệt. Người con gái sau khi đã hiến dâng, thì luôn sợ người yêu bỏ rơi mình, cảm thấy giá trị của mình giảm đi. Bởi vậy, bạn trẻ cần cân nhắc một cách sâu sắc về chuyện này. Cần định hướng tương lai cho bản thân. Nếu đã yêu thương và hướng về nhau, không vụ lợi, thì cần để cho tình yêu ấy được thăng hoa, tròn đầy từ sau ngày cưới.
Vũ Minh Thảo, Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn:
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào sự thật là rất nhiều bạn trẻ hiện tại đang sống thử, tuy nhiên không phải ai sống thử trước hôn nhân cũng đều thành vợ chồng vì đây là bước tìm hiểu cuối cùng để xác nhận sự hòa hợp, tiếng nói chung để sống chung dưới một mái nhà; bởi hôn nhân không chỉ có sự thăng hoa của tình yêu mà nó còn là trách nhiệm và nghĩa vụ, sự chia sẻ và đồng cảm cùng nhau trong những lúc khó khăn và gian nan. Cho nên cần có cái nhìn đúng đắn hơn về sống thử, gia đình và nhà trường cần trang bị đầy đủ và kịp thời về kiến thức, kỹ năng, thái độ về tình yêu, sức khỏe và giới tính để "hươu" có thể được trang bị tốt nhất trước khi chạy. Còn nếu không được "vẽ đường" mà "hươu" vẫn chạy thì sự tổn thất là không hề nhỏ…
Anh Lê Ngọc Bảo, chủ hệ thống nhà trọ sinh viên ở Hà Nội:
Thực tế, những nhà trọ tôi cho thuê hiện nay có hàng chục đôi bạn trẻ đang sống thử với nhau như vợ chồng nhưng chưa kết hôn. Nhiều bạn trẻ lấy lý do là để tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về nhau thì cần sống thử. Tôi từng chứng kiến nhiều đôi bạn trẻ lúc đầu rất hạnh phúc nhưng sau đó kết thúc không mấy tốt đẹp. Bởi khi sống thử là khi chỉ có hai người (hoặc đang là sinh viên hoặc mới đi làm), đôi sống thử chưa phải lo nghĩ nhiều về kinh tế, chưa gặp áp lực của việc nuôi con, nên sẽ cảm thấy… nhẹ nhàng. Nên dù giai đoạn sống thử tốt đẹp, cũng chẳng ai dám chắc giai đoạn hôn nhân sẽ tốt đẹp. Vì vậy, tôi nghĩ các trẻ cần cân nhắc kỹ có nên sống thử cùng nhau khi đang yêu hay không? bởi nó có thể mang lại nhiều hệ luỵ.
Trần Ngọc (ghi)