Dù mùa hè năm 2024 chỉ mới bắt đầu, thế nhưng những vụ đuối nước đã liên tiếp xảy ra trong những ngày vừa qua, nạn nhân đa số là trẻ nhỏ.
Mới nhất, chiều 1/5, lãnh đạo UBND xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 3 học sinh tử vong.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 12h30 trưa cùng ngày. Theo đó, nhóm 5 học sinh của Trường THCS và THPT Trung Hóa rủ nhau ra suối Mo Ro (thuộc thôn Tiền Phong, xã Trung Hóa) để tắm. Không may 3 cháu gồm C.T.M.Q. (SN 2008), C.T.T. (SN 2010), C.H.T. (SN 2012) bị trượt chân đuối nước. 2 cháu còn lại đã nhanh chóng hô hoán, tìm người ứng cứu. Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã tập trung cứu 3 học sinh, nhưng khi đưa lên bờ thì cả 3 được xác định đã tử vong.
Ông Cao Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã Trung Hóa cho biết, do thời tiết nắng nóng nên các cháu đã rủ nhau đi tắm suối dẫn đến sự việc đau lòng. Đáng lo ngại hơn, đây là vụ đuối nước thứ 3 xảy ra trên địa bàn huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình kể từ đầu mùa hè năm 2024 đến nay khiến 6 trường hợp tử vong.
Cũng trong ngày 1/5, thông tin từ Công an tỉnh Hà Nam cho biết, một vụ việc đuối nước đau lòng đã xảy ra tại chân núi Mâm Xôi, thuộc thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Vào thời điểm trên, do thời tiết nóng nực nên 5 học sinh (SN 2008), cùng trú tại huyện Kim Bảng rủ nhau đến hồ nước tại chân núi Mâm Xôi để chơi. Quá trình chơi đùa, không may 2 cháu là T.T.H. và Đ.H.Y. bị trượt chân ngã xuống hố nước. Lúc xảy ra vụ việc, các học sinh ở trên bờ đã hô hoán người lớn xung quanh đến ứng cứu. Tuy nhiên, khi được vớt lên bờ, cả 2 cháu H. và Y. đều không qua khỏi.
Trước đó, vào ngày 28/4, tại khu vực Hồ Lam Hạ, TP Phủ Lý (Hà Nam) đã xảy ra vụ đuối nước khiến em V. (SN 2001) và em L.D.M. (SN 2007), đều trú ở xóm 7, xã Liêm Tuyền, TP Phủ Lý (Hà Nam) bị thiệt mạng.
Thực tế, những vụ việc vừa nêu mới chỉ là một trong số rất nhỏ những ca đuối nước diễn ra hàng năm trên phạm vi cả nước. Bởi lẽ, theo thống kê, tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác).
Theo TS.BS Phan Hữu Phúc - Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương), đuối nước là tình trạng rất thường gặp, nhất là vào mùa hè, xảy ra trong khi tham gia các hoạt động dưới nước.
“Trẻ có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một cháu bị đuối nước, các cháu còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều cháu tử vong một lúc” - BS Phúc cho biết.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...
Theo BS Lê Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đuối nước xảy ra đối với trẻ lớn do bản tính hiếu động, tò mò. Trong khi đó, đuối nước ở trẻ nhỏ thường do tính thích nghịch nước, hoặc sự bất cẩn của gia đình. Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây tai nạn đuối nước cho trẻ em, như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước, hố nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.
BS Cường cũng khuyến cáo, trẻ em không bơi, chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn giám sát. Đảm bảo những nguyên tắc an toàn khi bơi như không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn. Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy, không có người lớn biết bơi và cứu đuối. Tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm. Khởi động trước khi xuống nước. Không đi tắm, bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi cùng...
Để hạn chế các vụ tai nạn đuối nước, BS Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các nhà trường cần cải thiện cơ sở vật chất để học sinh có không gian rèn luyện sức khỏe. Chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước. Bên cạnh đó, việc lồng ghép giáo dục cách sơ cứu, xử lý tình huống khi gặp đuối nước cũng như những tai nạn khác vào chương trình học của trẻ là rất cần thiết. Xem xét đưa môn bơi nên là chương trình bắt buộc trong các nhà trường. Hàng năm, cần tổ chức giải bơi ở các cấp độ để khuyến khích trẻ học bơi. Ngành y tế cần hỗ trợ các trường học trong việc cập nhật những kiến thức về sơ cứu, xử trí khi gặp tình huống đuối nước hoặc tai nạn khác. Đồng thời, giúp nhà trường tập huấn cho các học sinh, giáo viên dạy bơi thuần thục các kỹ năng sơ cấp cứu này.