Xã hội

Đương đầu với vấn nạn ô nhiễm không khí

Lê Bảo – Hà An 15/12/2023 06:56

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam, số người tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí lên đến hàng chục nghìn người. Chính vì vậy, cần có một chiến lược đa chiều, liên ngành để giảm thiểu tình trạng này. Cùng với đó, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế cũng cần tính đến việc này để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

tr-1.jpg
Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí ở Thủ đô ngày càng gia tăng. Ảnh: Quang Vinh.

Khổ sở vì bụi

Dù đã đặt lịch khám trước cho con gái 6 tuổi tại một phòng khám tư nhưng chị Nguyễn Thu Hoài (Ba Đình, Hà Nội) vẫn phải chờ để ưu tiên cho những bé sơ sinh chỉ mới 1 - 3 tháng tuổi. Cuối năm công việc dồn dập nhưng gần 1 tháng nay hai đứa con chị thay nhau đi viện vì viêm mũi, viêm phế quản. “Mùa đông năm nay ấm hơn năm ngoái nhưng hanh và khô hơn, đặc biệt bụi và ô nhiễm không khí đáng báo động khiến trẻ em thi nhau ốm. Mới hai tuần trước con tôi có xu hướng bị hen nặng tôi phải đưa vào viện gấp nhưng bệnh chỉ giảm được vài ngày, nay lại phải vào viện”- chị Hoài chia sẻ và cho biết thêm, nhà chị ở tận sâu trong ngõ mà bụi vẫn rất nhiều, ngày nào không dọn dẹp là từ tường đến sàn nhà đều đầy bụi. Nhiều hôm ra đường sớm ở Thủ đô mà ngỡ như ở trên miền núi vì bụi dày đặc như sương mù.

Thực tế từ đầu tháng 11/2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khá trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khỏe người dân. Lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ Thủ đô.

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), chỉ số AQI ở nhiều khu vực tại Hà Nội luôn dao động ở mức trên 150 - 200 đơn vị. Đặc biệt, trong ngày 10/12, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí AirVisual xếp Hà Nội là một trong các thành phố trên thế giới ô nhiễm không khí với chỉ số AQI vượt ngưỡng 200. Đây là mức độ rất nguy hại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người.

Với chỉ số ô nhiễm không khí trên, cơ quan này cảnh báo những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Không chỉ ở Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố lân cận. Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân là do việc xử lý rác thải còn yếu kém, người dân tự ý đốt rác thay vì tái chế. Cùng với đó, một số cơ sở tái chế ở các làng nghề sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý khí thải theo quy định bảo vệ môi trường dẫn tới tình trạng ô nhiễm.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận đang có diễn biến không khí xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt trong không khí rất lớn góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5...

anhchinh.jpg
Thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí, người dân ngỡ sương mù. Ảnh: Hà An.

Đâu là giải pháp?

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, khoảng 1/3 lượng bụi PM2.5 có trong không khí đến từ các nguồn tại chỗ ở Hà Nội, trong đó phát thải từ giao thông là nguyên nhân hàng đầu. Kết quả từ năm 2015 cho thấy, 40% dân số Hà Nội bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia. Đến nay, con số này vẫn không thuyên giảm.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ. Nhưng cho tới nay, ô nhiễm không khí dường như trở thành một mùa như các mùa trong năm. Chất lượng không khí có xu hướng diễn biến xấu, khi nhiều địa điểm ở Thủ đô vẫn ở mức đỏ và tím, có nơi ở mức nguy hại.

Trước thực trạng này, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, bao gồm: xóa được hơn 96% số lượng bếp than tổ ong, tương đương với giảm 1,658 tấn bụi mịn PM2,5 một năm; giảm gần 70-90% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành so với năm 2017 và xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. 4 huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức ký cam kết không đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, sử dụng chế phẩm nhằm tái sử dụng rơm rạ... Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm.

Đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội khiến không khí “đặc quánh” về đêm như đã từng xảy ra do đốt rơm rạ, đốt gạch... hiện nay đã không còn. Dù vậy theo đánh giá của các chuyên gia những nỗ lực này chưa đủ, cần phải có chiến lược tổng thể quyết liệt hơn.

Giải pháp nào cho “căn bệnh” ô nhiễm không khí? Trả lời câu hỏi này tại hội thảo: “Quản lý chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội - Từ cam kết đến hành động” mới đây, các chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cùng phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để xây dựng chiến lược cụ thể cho bài toán ô nhiễm không khí. Trong đó, TP Hà Nội cần xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý không khí. Đặc biệt, thành phố phải "thắt chặt" tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP 26 về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050...

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí cần được coi là vấn đề cấp bách phải thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả tại từng khu vực. Trong đó người dân, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng bằng các hoạt động cải thiện chất lượng không khí. Điều đáng nói là người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết “gánh nặng” ô nhiễm không khí. Nhưng cho đến nay, một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa nắm rõ những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí cũng như những hiểm họa sức khỏe về lâu dài. Vì thế, nhiều người vẫn thờ ơ với vấn đề này.

Theo ông Tùng, Việt Nam cần có những báo cáo, đánh giá cụ thể, chi tiết về tác hại của ô nhiễm không khí, tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người; từ đó tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ rõ các hành động cụ thể (tránh khẩu hiệu chung chung và mang tính hô hào) mà người dân nên thực hiện để góp phần làm trong sạch không khí và bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Đơn cử như vận động người dân đẩy nhanh chuyển đổi sang các công nghệ và nhiên liệu nấu nướng và sưởi ấm sạch, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện vận tải sạch hơn, nhà ở tiết kiệm năng lượng… Đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động bảo vệ không khí.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tăng thời gian qua, mới đây Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn. Theo đó, tăng cường tần suất quan trắc không khí, vận hành các trạm quan trắc liên tục, đồng thời công bố kết quả trên cổng thông tin điện tử để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể tiếp cận và đưa tin khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với các nhóm có hoạt động ngoài trời vào 5giờ - 7giờ sáng và 14 giờ - 19 giờ tối.

PGS-TS Vũ Thanh Ca - nguyên giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:

Cần có giải pháp giảm thiểu xe máy lưu thông

anh_1_pgs-ts-vu-thanh-ca.jpg

Có nhiều lý do khiến ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói riêng và các địa phương trong cả nước gần đây bị ô nhiễm nặng. Hiện nay Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong mùa Đông, lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít, vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên, đây là hiện tượng phân tầng ổn định, nó khiến cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Tất cả các nguồn thải từ ô tô, xe máy và các nguồn ô nhiễm khác bị lưu giữ ở gần mặt đất.

Vào mùa hè, mưa nhiều gió mạnh giúp bụi mịn được phát tán hoặc rửa trôi. Còn mùa đông lặng gió, ít mưa kèm với những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp hoặc không được rửa trôi.

Bên cạnh đó, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy dùng xăng, dầu cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí. Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy lưu thông, trong đó nhiều xe máy đã cũ, không được bảo trì thường xuyên, khói đen thải ra môi trường... là nguồn phát thải bụi mịn PM2.5. Lượng bụi mịn thải ra từ xe máy rất lớn bởi vậy cần phải có biện pháp giảm thiểu xe máy, thay thế bằng các phương tiện công cộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đương đầu với vấn nạn ô nhiễm không khí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO