Qua kiểm tra, Bộ Y tế phát hiện có 304 số điện thoại “đường dây nóng” gọi 3 lần nhưng không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thông báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn…
Tới đây số điện thoại này đường dây nóng y tế này
sẽ được dùng chung cho toàn ngành trên phạm vi toàn quốc. (Ảnh Trần Ngọc Kha.)
Bộ Y tế vừa có công văn gửi giám đốc một số sở y tế các tỉnh và các BV Thống Nhất, Mắt TW, Tâm thần TW 1, Bệnh Nhiệt đới TW, E, Phổi TW, Y học cổ truyền TW, Phong và Da liễu TW Quy Hòa, Phong và Da liễu TW Quỳnh Lập, Việt Nam Thụy Điển Uông Bí đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm chế độ trực máy điện thoại trực đường dây nóng.
Từ ngày 15/11, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Công ty viễn thông Viettel triển khai hệ thống Tổng đài tự động trực đường dây nóng 1900-9095 để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và thực hiện chuyển cuộc gọi của người dân đến các đơn vị xử lý theo 3 cấp trực lãnh đạo: Bệnh viện, Sở Y tế và Bộ Y tế qua số điện thoại di động Viettel đã cấp cho từng đơn vị từ năm 2014.
Để việc chuyển cuộc gọi từ tổng đài đến số điện thoại trực đường dây nóng của các đơn vị đảm bảo hiệu quả, trong thời gian từ ngày 24-27/10/2015, Bộ Y tế phân công cán bộ gọi điện kiểm tra đột xuất việc trực của các đơn vị.
Qua kiểm tra, đã phát hiện có 304 số điện thoại nhân viên gọi 3 lần nhưng không có người nghe máy, từ chối trả lời; 21 số điện thoại hệ thông báo “không tồn tại”; 40 số điện thoại tắt máy hoàn toàn trong các lần gọi và 1 số điện thoại hệ thống báo “tạm ngắt”.
Trước tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế nói trên nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý theo quy định, báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Bộ Y tế trước ngày 25/12 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Theo TS Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, việc bỏ trực đường dây nóng cũng như từ chối nghe của các cơ sở y tế như vậy trước hết làm mất cơ hội phản ánh của người dân trước những vấn đề, vụ việc xảy ra cần trợ giúp, thứ nữa, đây thể hiện tinh thần, thái độ, trách nhiệm chưa cao của người trực.
Theo ông Trường, nhất định những tập thể, cá nhân mắc sai phạm này sẽ phải chịu xử lý cắt thi đua hàng tháng, thi đua năm và như thế “chúng tôi sẽ đánh vào cái dạ dày của họ” - ông Trường nhấn mạnh.
Nhân đây, ông cho biết thêm, từ sự hỗ trợ hợp tác của Viettel, bước sang năm 2016, toàn ngành sẽ chỉ công bố hiện diện duy nhất 1 số điện thoại đường dây nóng trên toàn quốc là 1900-9095. Các cuộc gọi đến số này sẽ được tổng đài chuyển cho nơi, người có chức năng cũng như địa bàn gần nhất giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, “giống cách điều hành các hệ thống khẩn cấp khác như 113 (công an), 115 (cấp cứu)... Và như thế, tại Bộ Y tế, chúng tôi cũng có thể biết được tình trạng hoạt động của các số điện thoại trực đường dây nóng của các cơ sở (vẫn được đăng ký, duy trì mặc dù không công khai).
Ông Trường cũng cho hay, sắp tới Viettel sẽ đưa vào ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng cũng như cuộc trao đổi giải quyết giữa người dân và người có trách nhiệm trực. Từ đó, có thể truy cứu lại bất kỳ cuộc gọi nào để làm rõ từng vụ việc, vấn đề (nếu cần thiết).
Được hỏi về hướng xử lý ra sao của ngành đối với những cuộc gọi sai chức năng đường dây nóng cũng như các cuộc gọi bịa đặt, vu khống, xúc phạm đến cán bộ ngành y tế, ông Trường cho hay: Viettel có giải pháp để chuyển những cuộc gọi sai chức năng, mục đích này sang một số điện thoại khác có tính cước phí tuỳ theo nhu cầu của người gọi (có báo trước mức tính phí này) và chuyển cơ quan chức năng những bản lưu ghi âm những cuộc gọi vi phạm pháp luật để họ xử lý theo thẩm quyền.
Với những thay đổi mang tính căn bản như vậy, ông Trường cho hay, nhất định hiệu quả từ đường dây nóng sẽ được nâng cao một bước đáng kể.