Đường ống vỡ và trách nhiệm

Lê Anh Đức 16/09/2016 06:23

Phàm vật gì đã vỡ thì khó mà hàn gắn lại, hoặc có hàn gắn được thì chất lượng cũng không thể như cũ. Xưa nay người ta vẫn coi đây là sự xui xẻo, là điềm không lành và luôn mong muốn tránh xa nó. Vậy nhưng gần đây, nhiều sự cố, nghe có vẻ như đã trở nên quen thuộc, như chuyện vỡ đường ống nước sạch sông Đà, đã lên đến lần thứ 19. Nhiều ý kiến cho rằng để hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng này, cần truy cứu đến cùng trách nhiệm, xử phạt nghiêm minh.

Đường ống vỡ và trách nhiệm

Dư luận càng bức xúc hơn khi mà một số người có trách nhiệm
trong việc lắp đặt đường ống có chất lượng quá kém để đến nỗi đã vỡ tới 19 lần kể từ khi vận hành.

Có những lĩnh vực tuy nói không to tát, nhưng ảnh hưởng không nhỏ, thực sự thiết thực, “sát sườn” với đời sống thường nhật như chuyện cơm ăn, nước uống hàng ngày. Có ai có thể nhịn ăn, nhịn uống được.

Hàng ngày cơ thể cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng và nước nhất định thì mới có thể tồn tại sự sống. Ấy vậy nhưng không có nước để nấu cơm, không có nước để uống thì biết phải làm sao? Chưa nói đến chuyện với mức độ ô nhiễm không khí hiện nay, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM mà vài ngày không được tắm giặt, thì phải làm sao đây?

Nói như vậy để thấy việc đường ống nước sạch sông Đà vỡ tới lần thứ... 19, là điều không thể chấp nhận được. Thông thường, người ta chỉ mắc lỗi một lần, cùng lắm là “quá tam ba bận”, song có vẻ như những người có trách nhiệm với miếng ăn, nước uống hàng ngày của người dân rất thiếu trách nhiệm nên mới có tình trạng liên tục vỡ ống nước sạch, để người dân phải sống lay lắt, khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt.

Tin rằng, lập luận trên sẽ khiến nhiều người không phục mà nói rằng: Từ lúc lắp đặt đường ống, người ta đã thiếu trách nhiệm, thậm chí không loại trừ khả năng có sự “rút ruột” tiền ngân sách dẫn tới chất lượng kém thì nay nó vỡ, hay còn vỡ nữa là điều đương nhiên! Lý luận kiểu này cũng đúng, song lại không hề thấu tình đạt lý và có vẻ như không được sòng phẳng, công bằng với người dân: Lẽ thường biết sai thì phải sửa, chứ không thể đổ lỗi cho khách quan hay “người tiền nhiệm”.

Việc sửa như thế nào để đảm bảo cuộc sống tối thiểu hàng ngày của người dân là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và những đơn vị có liên quan. Ngay việc truy trách nhiệm, quy trách nhiệm để làm rõ, xử lý nghiêm, để không thể tiếp tục xảy ra những sự vụ tương tự càng cần phải làm.

Ngân sách chính là tiền thuế của người dân đóng góp từ những giọt mồ hôi nước mắt, một nắng hai sương nên họ có quyền đòi hỏi và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dân sinh của xã hội. Vậy hà cớ gì đường ống nước sạch được xây dựng từ ngân sách mà người dân lại phải liên tục chịu cảnh sống thiếu nước sinh hoạt hết sức khốn khổ? Người dân cần được sử dụng những sản phẩm chất lượng đảm bảo, dịch vụ tốt, xứng đồng tiền bát gạo họ đã bỏ ra.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, không thể để tình trạng vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà vô tội vạ như vậy được, cần có biện pháp và giải pháp hữu hiệu để chấm dứt cảnh hàng chục vạn hộ dân liên tục bị thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.

Cần phải rà soát lại toàn tuyến ống nước sạch sông Đà, nếu cảm thấy chất lượng thực sự kém thì cần có giải pháp thay hẳn đường ống mới, hoặc thay từng khúc nếu vẫn “tận dụng” được đôi chỗ, miễn là không còn để xảy ra sự cố vỡ đường ống khiến người dân phải lao đao vì thiếu nước phục vụ cuộc sống thường nhật.

Bị thiếu nước sinh hoạt là chuyện bức xúc không chỉ của riêng các hộ dân chịu ảnh hưởng, mà là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Dư luận càng bức xúc hơn khi mà một số người có trách nhiệm trong việc lắp đặt đường ống có chất lượng quá kém để đến nỗi đã vỡ tới 19 lần kể từ khi vận hành, lại được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không chỉ vậy, với “tiền sử” không tốt đó, vậy mà việc lắp đặt giai đoạn 2 đường ống dẫn nước sạch sông Đà lại vẫn được các cơ quan quản lý nhà nước “tín nhiệm” giao cho chính đơn vị đã gây nên nỗi thống khổ của hàng chục vạn hộ dân Hà Nội suốt trong những năm vừa qua. Không có quyền lựa chọn, người dân chỉ còn biết hy vọng đường ống dẫn nước sạch sông Đà giai đoạn 2 sẽ không bị vỡ như đường ống đang vận hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường ống vỡ và trách nhiệm