Xã hội

Đường sắt đô thị - điểm tựa cho giao thông xanh

NGỌC HÀ 18/08/2024 14:08

Việc đưa vào hoạt động các tuyến đường sắt trên cao hiện đang tạo ra những kết quả khả quan trong việc dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, mở ra kết nối các loại hình giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, đường sắt đô thị tiếp tục được xác định là trục “xương sống” của hạ tầng giao thông vận tải của Hà Nội và TPHCM, hướng tới mục tiêu góp phần giảm ô nhiễm không khí, cải thiện trình trạng giao thông, an toàn, tiện lợi cho người dân.

anh-3.jpg

Những tín hiệu tích cực

Sau khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông được đưa vào sử dụng năm 2021 thì mới đây, sau gần 15 năm chờ đợi, tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội đã chính thức vận hành với những tín hiệu khả quan.

Ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Hanoi Metro cho biết, sau một tuần đi vào khai thác thương mại (từ ngày 8/8/2024), tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã chạy được hơn 1.307 chuyến tàu vận, vận chuyển an toàn gần 400.000 hành khách. Ngày chủ nhật đạt kỷ lục đã vận chuyển được 100.515 lượt hành khách.

Nếu so với số lượng hành khách trong tuần đầu tiên của tuyến Cát Linh – Hà Đông (166.000 người) thì Metro Nhổn – Ga Hà Nội đã “vượt mặt” với hơn 200.000 lượt hành khách. Con số lần này cho thấy sự quan tâm của người dân Thủ đô đối với phương tiện giao thông công cộng đường sắt ngày càng cao.

Ghi nhận tại sân ga Cầu Giấy (S8, quận Cầu Giấy) trong thời điểm 15 ngày miễn phí vé tàu Nhổn – Ga Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh hàng dài người xếp hàng mua vé, đợi để trải nghiệm chuyến tàu. Mặc dù cứ 10 phút lại có một chuyến tàu và chuyến nào cũng chật kín nhưng số lượng hành khách ra vào ga liên tục và ngày càng đông hơn vào thời điểm những ngày cuối miễn phí.

TP HCM nỗ lực vận hành thương mại tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên) vào cuối năm 2024
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), đến nay, tuyến đường sắt đô thị số 1 đã đạt 98,38% khối lượng. Đại diện MAUR cho biết, dự án đã đi đến những giai đoạn cuối để hoàn thành, nghiệm thu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, cần sự chỉ đạo tháo gỡ của UBND TP HCM cũng như sự phối hợp tích cực từ phía nhà thầu để đưa vào vận hành, khai thác đúng tiến độ, bao gồm thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành hạng mục thi công phụ trợ...
Theo tính toán sơ bộ, giai đoạn từ nay đến năm 2035, TP HCM cần khoảng 790.528 tỷ đồng (tương đương 32,973 tỷ USD), không bao gồm vốn tuyến metro số 1, để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố sẽ phải xây dựng, hoàn thiện hơn 180km đường sắt đô thị. Ngoài gần 20km của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã gần đưa vào khai thác, việc đầu tư các dự án còn lại đang là thách thức lớn, đòi hỏi những cơ chế vượt trội để triển khai.

Anh Quốc Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên di chuyển bằng tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong hơn 1 năm qua cho biết, anh cũng rất kỳ vọng vào chuyến tàu mới này. Anh Hưng chia sẻ: “Với tôi việc di chuyển bằng tàu không còn mới lạ nhưng được trải nghiệm tuyến đường sắt mới vẫn khiến tôi hào hứng. Về cơ bản không có nhiều điểm khác biệt, cơ sở vật chất, dịch vụ trên tàu khá tốt, vé tàu còn được thiết kế hình tròn, in hình Khuê Văn Các vừa đẹp vừa thuận tiện, nên tôi nghĩ đây cũng sẽ là một phương tiện hữu dụng cho mọi người”.

Khác với anh Hưng cùng nhiều người khác đến các ga trên tuyến Nhổn – Ga Hà Nội để trải nghiệm, chị Quỳnh Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân chị thấy thật may mắn vì cuối cùng tuyến đường sắt này cũng đi vào hoạt động, giải quyết được vấn đề tắc đường mỗi ngày trên lộ trình đi làm từ Cầu Giấy tới Kim Mã của chị. “Từ khi tàu đi vào vận hành, hầu như ngày nào tôi cũng đi tàu đến chỗ làm. Ở trên tàu vừa khang trang, hiện đại, nhân viên đón khách lịch sự... mà còn tiết kiệm thời gian, không phải đối mặt với cảnh tắc đường, nên tôi thực sự rất mừng và có lẽ sẽ mua vé tháng để đi làm cho thuận tiện”, chị Mai nói.

Việc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động đã và đang mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Đây được đánh giá là những tín hiệu tốt đang dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là sử dụng tuyến đường sắt trên cao của nhiều người.

Trong thời gian tới, theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua, Hà Nội xác định sẽ có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550 km. Hệ thống đường sắt đô thị này được xác định là “xương sống” của giao thông đô thị. Hà Nội kỳ vọng mạng lưới này sẽ giúp người dân di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ năng lực thay thế phương tiện giao thông cá nhân. Đặc biệt Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội theo mô hình định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (TOD) sẽ là động lực thúc đẩy cho phát triển đường sắt đô thị hiện đại, văn minh.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đánh giá, đường sắt đô thị sẽ tạo lập ra một diện mạo mới của Thủ đô. Việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị cũng là một yếu tố rất quan trọng nhằm khai thác, sử dụng quỹ đất có hiệu quả; góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là hệ thống di tích của Thủ đô.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là sau đầu tư các tuyến đường sắt, cần làm thế nào để biến đường sắt trở thành động lực chính của giao thông công cộng, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân mới là điều quan trọng. Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, không còn cảnh tắc đường giờ cao điểm thì việc đưa các loại hình giao thông công cộng xanh vào đời sống vẫn cần thời gian và còn nhiều việc phải làm.

Xây dựng mạng lưới giao thông tiện ích

Nhìn từ sức hút của Metro Nhổn – Ga Hà Nội hiện nay, không ít người cũng lo lắng rằng liệu có lặp lại tình trạng của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, khi 2 năm trước cũng xảy ra tình trạng tàu chỉ đông vào thời điểm ban đầu và giảm dần lượng khách về sau.

Thực tế qua 2 năm đi vào vận hành (từ ngày 6/11/2021), tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của vận tải đường sắt văn minh, hiện đại. Theo ông Vũ Hồng Trường, tính đến thời điểm giữa năm 2024, đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển 25.028.000 hành khách. Từ năm 2023 sản lượng hành khách tăng 31,7% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng hành khách tăng 7%.

Có thể thấy, nhiều người dân cũng đã có sự quan tâm đến việc sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đô thị, nhưng thực tế tỷ lệ vận tải hành khách của tuyến Cát Linh – Hà Đông vẫn chỉ ở mức thấp, đạt 19,5%. Vì thế, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức và kỳ vọng cao hơn của hành khách và người dân Thủ đô, tiếp tục đòi hỏi các khâu chuẩn bị về hạ tầng kết nối, điểm đỗ xe, kết nối với mạng lưới xe buýt… phải tốt hơn, tránh được những bất cập hiện nay của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông như một số nhà ga, điểm đỗ xe cá nhân còn khá xa hay điểm đỗ xe quá tải.

Đánh giá về khả năng đáp ứng của đường sắt đô thị với nhu cầu của người tham gia giao thông, GS TS. Lê Hùng Lân - Nguyên Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phân tích, khi chúng ta đối chiếu thực trạng của đường sắt đô thị với nhu cầu của người dân thì sẽ thấy ngay những điểm còn tồn tại. Nhu cầu của người tham gia giao thông nói gọn lại chỉ có 2 yếu tố: thứ nhất, đảm bảo mục đích đi lại, nghĩa là hệ thống vận tải phải đưa được con người đến nơi cần đến; thứ hai, thỏa mãn chất lượng đi lại: an toàn, tiện nghi, nhanh chóng, tiết kiệm. Đối chiếu lại với hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, ta thấy bộc lộ rõ yếu điểm như quá ít tuyến, độ dài ngắn, lộ trình chưa hợp lý nên mức độ đáp ứng mục đích đi lại của người dân không nhiều; chất lượng chuyến đi mới chỉ đóng khung trong lộ trình các chuyến tàu.

Trước thực trạng đó, ngành giao thông vận tải Hà Nội cần quy hoạch và bố trí không gian các điểm đỗ xe có tính tới trung hạn và dài hạn, khi các tuyến đường sắt đô thị kết nối với nhau và kết nối với các phương thức vận tải khác. Cùng với đó, sớm triển khai thực hiện điều chỉnh một số tuyến xe buýt nằm dọc và cắt ngang tuyến “xương sống”, đảm bảo có sự kết nối đa phương thức giữa các tuyến nhà ga. Ngoài ra, cần bố trí và cải thiện chất lượng các điểm dừng chờ xe buýt sao cho tiệm cận gần nhất các ga tàu. Bên cạnh đó khuyến khích người dân tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng, có lộ trình phù hợp, thuận tiện.

Để hướng tới mục tiêu của Thủ đô là hạn chế phương tiện cá nhân vào năm 2030, giảm phát thải khí CO2 từ phương tiện giao thông thì mạng lưới các giao thông công cộng nói chung và đường sắt đô thị nói riêng phải thực sự phát huy hiệu quả. Trong đó đẩy mạnh việc kết nối nhiều hình thức giao thông xanh, tạo ra một “hệ sinh thái” tiện lợi sẽ là động lực để tăng tỷ lệ người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong tương lai.

Ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội: Nỗ lực xây dựng hệ thống metro

nguyen-cao-minh(1).jpg

Thực tế, các thành phố trên thế giới có từ 2 triệu dân trở lên đều phải tính đến việc tạo dựng hệ thống đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ai cũng cảm nhận rất rõ sự cần thiết và phải có hệ thống đường sắt đô thị là “xương sống” cho hệ thống giao thông công cộng cho một đô thị như Hà Nội hoặc bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Với Hà Nội, đặt mục tiêu đến năm 2035, việc phát triển hệ thống metro gồm 10 tuyến dài 400km là một thách thức rất lớn trước hết là về nguồn vốn lên đến 55 tỷ USD trong khi đất nước còn nhiều vấn đề phải tập trung đầu tư như văn hóa, giáo dục... Vì thế để làm được 10 tuyến đường sắt đô thị cần phải có các cơ chế đi kèm. Chúng tôi vẫn đang tập trung mời chuyên gia để đóng góp ý kiến, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư đồng hành với thành phố xây dựng các tuyến metro.

Để hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh thì việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân về phương tiên công cộng cần chuyển đổi nhanh, bởi nếu không nhanh sẽ gặp khó khăn do đó, cần phải có những cơ chế đột phá. Cùng với đó, theo tôi, khi phát triển đường sắt đô thị cần coi việc truyền thông là nhiệm vụ, công tác quan trọng, bởi hiện nay ta đang làm còn mờ nhạt, rất cần truyền thông để chia sẻ và đón nhận ý kiến phản biện, đóng góp của người dân nhằm cải thiện hệ thống metro tốt hơn.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng: Chuyển đổi giao thông xanh là xu thế tất yếu

pgs.ts-bui-thi-an.png

Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, chuyển đổi giao thông xanh là xu hướng tất yếu đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Hà Nội đã đề ra nhiều chủ trương và giải pháp nhằm thúc đẩy giao thông xanh, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Một trong những khó khăn chính là việc gia tăng dân số cơ học, dẫn đến áp lực lớn lên hệ thống giao thông mà chưa có giải pháp triệt để.

Để phát triển giao thông xanh, ưu tiên hàng đầu là thay thế các phương tiện cá nhân bằng phương tiện công cộng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, việc xây dựng và kết nối hạ tầng giao thông một cách chặt chẽ cũng là yêu cầu cấp bách. Để đạt được điều này, cần tập trung đầu tư vào hạ tầng, đảm bảo các tuyến đường sắt, đường bộ được đầu tư đồng bộ. Xã hội hóa việc phát triển giao thông xanh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông. Đặc biệt cần đầu tư vào các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, và xe buýt điện chạy bằng khí nén tự nhiên. Đây là hướng đi chiến lược nhằm xây dựng đô thị xanh, không gian xanh bền vững trong tương lai.

Riêng với phát triển hệ thống đường sắt đô thị, cần đảm bảo xây dựng các hệ thống giao thông công cộng khác có thể hỗ trợ để tạo sự thuận tiện cho người dân. Bên cạnh đó là tăng cường giáo dục và truyền thông từ sớm để nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của phương tiện xanh, và khuyến khích hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân cũ, lỗi thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường sắt đô thị - điểm tựa cho giao thông xanh