Thời gian vừa qua, xã hội đã cảm nhận những đổi thay của ngành Đường sắt, từ cách tổ chức bán vé, cung cách phục vụ, chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, việc vé tàu vẫn đắt trong khi chất lượng dịch vụ chưa tương ứng, giá cước vận tải tuy thấp nhưng các dịch vụ phụ trợ không đồng bộ, vẫn là những vấn đề cần giải quyết. Nhưng, với quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam mới được Cục Đường sắt Việt Nam công bố, với số vốn ở mức lên tới 5,51 tỷ USD thì cơ hội tăng tốc đối với ĐSVN đã đ
Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đạt tốc độ chạy tàu 90km/h
Theo Cục ĐSVN, tổng mức phương án đầu tư của “phương án cơ sở” của dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc- Nam là 85.214 tỉ đồng (3,96 tỉ USD) và tổng mức đầu tư của “phương án cao” là 110.873,7 tỉ đồng (5,15 tỉ USD).
Với số vốn khổng lồ này, mục tiêu mà Quy hoạch đề ra được cho là sẽ thay đổi cơ bản về bộ mặt của giao thông đường sắt hiện nay. Theo đó, tuyến đường sắt Bắc- Nam hiện tại sẽ được nâng cấp tùy thuộc vào địa hình cụ thể theo các khu đoạn để đảm bảo khai thác cho giai đoạn đến năm 2020 tốc độ bình quân tàu khách đạt 80 - 90 km/giờ, tàu hàng 50 - 60 km/giờ, lượng hành khách vận chuyển đạt 14 - 16 triệu khách/năm và lượng hàng hóa đạt 5-6 triệu tấn hàng/năm, năng lực thông qua trên 25 đôi tàu/ngày đêm.
Không chỉ bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, an toàn, với quy hoạch mới này, ĐSVN sẽ được kết nối với các khu vực cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng lượng luân chuyển hành khách.
Để đạt được những mục tiêu đó, Cục ĐSVN đã vạch ra lộ trình thực hiện theo từng hạng mục ưu tiên, trước hết là việc tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các dự án nâng cao an toàn 44 cầu đường sắt, cải tạo nâng cấp 132 cầu yếu, các dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu, thay tà vẹt sắt… Sau đó, sẽ tập trung thực hiện các dự án lớn cải tạo các nút cổ chai là khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, hầm Khe Nét, hầm Hải Vân, di dời ga Đà Nẵng, Nha Trang ra khỏi thành phố… và cuối cùng là thực hiện các dự án nâng cao tốc độ chạy tàu.
Để cải thiện tốc độ chạy tàu, một trong những giải pháp mà ngành ĐSVN đặc biệt quan tâm là sẽ cải thiện những khu đoạn thường xảy ra sự cố do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ví dụ khu đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - Sài Gòn sẽ được xây cầu cạn, gia cố nền các đoạn thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ, gia cố mái dốc cho các đoạn taluy nền đường bị mất ổn định, gia cố nền đường cho các đoạn bị phụt bùn túi đá. …
Sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư
Với nguồn vốn ở mức cao lên tới 5,2 tỷ USD, nhiều ý kiến băn khoăn về việc khó có thể thu xếp được, do đầu tư vào đường sắt chưa bao giờ là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Quang Khôi- Cục trưởng Cục ĐSVN cho biết, dự án sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Về nguồn vốn ngân sách, Bộ GTVT sẽ chủ động thu xếp các nguồn cho nhóm các dự án đảm bảo an toàn giao thông, đối ứng cho các dự án vay ODA, nâng cấp chỉnh bị đầu máy toa xe, nhóm dự án nâng cấp cải tạo đường, cầu nhỏ, xây cầu vượt đường sắt sẽ được ưu tiên bằng vốn trái phiếu Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng, di dời các nhà ga sẽ được khai thác từ vốn của các địa phương.
Tuy nhiên, vẫn theo ông Khôi, để thực hiện dự án này phần lớn sẽ phải trông chờ vào nguồn vốn xã hội hóa. Trong khi đó, việc xã hội hóa đường sắt từ trước đến nay gần như chưa có tiền lệ. Đây cũng chính là “nút thắt” cần được tháo gỡ nhất trong việc triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam.
Để thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia vào dự án, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, phí, lệ phí… nhằm tăng tính thương mại cho dự án, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xã hội hóa, tới đây, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, chuẩn bị hành lang pháp lý đầy đủ cho phép các thành phần kinh tế được thuê lại quyền khai thác kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định.
Đây là cách làm đang được triển khai đối với các ngành đường bộ, hàng không… và bước đầu nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Với nguồn vốn nước ngoài, Cục ĐSVN sẽ đẩy mạnh vận động các đối tác, các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp vốn ODA nhất là cho các công trình lớn, đồng thời tranh thủ các nguồn vay ưu đãi hay các nguồn đầu tư trực tiếp qua hình thức công tư kết hợp (PPP).
Để thêm phần hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, Bộ GTVT cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng công trình thông qua các chính sách linh hoạt, có chính sách giải phóng mặt bằng phù hợp để giảm chi phí đầu tư, quản lý các công trình đầu tư theo đúng lộ trình, tránh dàn trải, kém hiệu quả. Nư vậy, ngành ĐSVN đang đứng trước cơ hội mới để tăng tốc.