Kinh tế

Duy trì lãi suất thấp để phục hồi kinh tế

H.Hương 09/04/2024 07:54

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 32 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Qua đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất…

anhcover.jpg
Rất cần các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó phục hồi nền kinh tế. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Công điện số 32, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay, thông tin triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xử lý nghiêm những tổ chức không thực hiện.

Lãi suất cho vay xuống thấp nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu

Thời gian gần đây cũng ghi nhận nỗ lực giảm lãi suất của các ngân hàng. Chẳng hạn với lãi suất cho vay mua nhà, nếu như cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức 9-10%/năm, nhưng quý đầu năm nay đã giảm gần một nửa, về 5-6%/năm. Lãi suất trên thị trường hiện đã thấp nhưng cần được duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.

Một số ngân hàng cũng nỗ lực tung ra các gói tín dụng giá rẻ kích nhu cầu vay vốn. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) có chương trình vay cá nhân lãi suất 5%/năm... Đối với khách hàng có nhu cầu vốn tiêu dùng ngắn hạn và kinh doanh thời vụ, đơn vị áp dụng mức lãi suất từ 7,15% một năm. Theo đại diện đơn vị, gói ưu đãi triển khai đúng giai đoạn hiện thực kế hoạch kinh doanh, tiêu dùng.

Mặt bằng lãi suất cho vay có giảm, tuy nhiên nếu phân tích kỹ, mức lãi suất giảm ở giai đoạn đầu. Chẳng hạn BVBank, lãi suất cho vay mua nhà hiện áp dụng mức thấp nhất trên thị trường: 5%/năm (thấp nhất thị trường), nhưng cũng chỉ được áp dụng trong 5 tháng đầu kể từ ngày giải ngân; 5,5%/năm cho 6 tháng; 6,5%/năm cho 9 tháng; 7,5%/năm cho 12 tháng và 8,9%/năm được áp dụng cho 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân.

Ngân hàng Shinhan cho vay mua nhà 5,2%/năm, cố định trong 1 năm; 5,5%/năm, cố định trong 2 năm; 6%/năm, cố định trong 3 năm và 7,5%/năm, cố định trong 5 năm (nhưng 6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm)…

Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV), lãi suất ưu đãi vay mua nhà cũng chỉ dao động 5 - 7%/năm, hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi cho các khách vay cũ rơi vào khoảng 9-10%/năm.

Ngân hàng cố gắng giảm lãi suất trong bối cảnh đỏ mắt tìm khách vay nhưng khách vay cũng cho biết muốn vay nhưng không biết vay để làm gì. Đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, hiện nay đối với những doanh nghiệp (DN) có dòng tiền tốt, tài chính lành mạnh, các ngân hàng thương mại, việc tiếp cận vốn vay khá dễ dàng, lãi suất vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6-7%/năm.

“Tuy nhiên nhu cầu vay cũng chưa nhiều và các gói vay ưu đãi thường có ít DN tiếp cận được” - bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng Thư ký Vasep cho biết.

anh-to.jpg
Doanh nghiệp chờ được vay vốn với lãi suất thấp. Nguồn: Tạp chí ngân hàng.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, khi khảo sát DN và ngân hàng, DN thường trả lời khát vốn, khó tiếp cận vốn trong khi ngân hàng cũng phản hồi đã nỗ lực tiếp cận DN. Nguyên nhân khiến nhiều DN nhỏ và vừa chưa dễ tiếp cận vốn tín dụng là vì đa số các DN có khó khăn về tài sản đảm bảo, hạch toán chưa minh bạch, quản trị còn yếu kém…

Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay vẫn là chưa nâng được khả năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Để khắc phục tình hình này, ông Tuệ đề xuất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ DN xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng thay vì kết thúc vào 30/6 tới.

Về phía ngân hàng, ông Tuệ đề nghị hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giảm sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Đồng thời, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận cho vay và đẩy mạnh tín chấp. Đặc biệt, cần chống tiêu cực trong bộ máy, hỗ trợ tối đa cho DN. Bên cạnh đó, DN cũng cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Luật cũng cho rằng, lãi suất trên thị trường hiện đã thấp nhưng cần được duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Lãi suất thấp sẽ phát huy được khi nền kinh tế ở pha phục hồi. Cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố công khai biểu lãi suất cho vay sẽ giúp cho thị trường công khai và minh bạch hơn. Kỳ vọng từ việc công khai lãi suất cho vay này sẽ khiến dòng vốn điều hướng về phía những ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn và các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh với nhau về dịch vụ.

Nhìn lại lịch sử của nhiều năm, bà Xuân đánh giá, dù lãi suất cho vay đang thấp ở mức tương đối, tuy nhiên vẫn có sự cách biệt giữa các kỳ hạn cũng như đối tượng vay vốn. Các ngân hàng đang theo chiến lược thu hút vốn ngắn, xoay vòng ngắn, lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên.

Còn PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) đặt vấn đề: Làm thế nào duy trì lãi suất cho vay thấp như hiện nay ở trong thời gian dài? Vì lãi suất phụ thuộc vào nhiều biến số. Trong đó có tỷ giá. Lãi suất và tỷ giá có quan hệ mật thiết với nhau, nếu điều chỉnh lãi suất thấp thì đối mặt rất lớn về tỷ giá. Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ vốn của thị trường là yếu tố quan trọng, không thể yêu cầu ngân hàng đẩy vốn, tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Mặt khác, liệu có nên tăng tín dụng bằng mọi giá hay không? Quan điểm là vốn phải đến đúng đối tượng và đủ điều kiện sử dụng và hoàn vốn. Khi ngân hàng cho vay là phải hỏi khách hàng vay để làm gì, lấy cái gì để trả và việc trả đó phải từ sử dụng vốn.

“Ngân hàng cũng là DN kinh doanh. Họ huy động vốn để cho vay và ngân hàng cũng đau lòng vì vốn huy động đang nằm lại ngân hàng mà lại phải gánh chịu lãi suất đầu vào. Nhưng cái quan trọng là ngân hàng vẫn phải tìm đúng khách hàng để cho vay. Nếu áp lực đẩy vốn ra nhanh quá với lãi suất thấp thì liệu rằng chất lượng tín dụng mấy năm nữa sẽ như thế nào? Dư nợ xấu có kiểm soát được không?” - ông Khánh nêu vấn đề.

Thực tế, ngân hàng đã có những mức lãi suất khác nhau cho đối tượng khách hàng khác nhau. Phía DN than không tiếp cận được vốn vay như mức lãi suất mà ngân hàng công bố. Do đó, theo ông Khánh, để khơi thông tín dụng, một trong những giải pháp là NHNN yêu cầu hoặc các ngân hàng thương mại chủ động công bố mức lãi suất cho vay để tạo lòng tin của thị trường.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, NHNN và các ngân hàng thương mại đã tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi vừa để khuyến khích, vừa tạo động lực cũng như tập trung các lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói 30.000 tỷ đồng cho thủy hải sản, lâm nghiệp…

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng ứng dụng các công nghệ để có thể hỗ trợ hoạt động tín dụng, đặc biệt là quy trình thủ tục cho vay. Tại nhiều ngân hàng, thời gian xét duyệt khoản vay chỉ mất vài ngày qua chương trình trực tuyến, nên rất thuận lợi cho DN khi tiếp cận vốn.

anh-theo-box-1.jpg

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chủ trương của ngành ngân hàng là thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ người dân, DN phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn, bao gồm cả vốn tín dụng ngoại tệ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng.

Câu chuyện ngân hàng thừa tiền, DN thiếu vốn trở đi trở lại trong những tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh tín dụng tăng thấp. Theo số liệu của NHNN, tín dụng đến hết tháng 2 giảm 0,72% so với cuối năm ngoái, cho thấy vốn vẫn khó bơm vào nền kinh tế. Năm 2022, lãi suất cho vay tăng chóng mặt qua mỗi kỳ điều chỉnh, từ 11% lên 13,5%, sau đó lên gần 15%/năm vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, tín hiệu lãi vay giảm dần xuất hiện sau đó. Đến nay, điều dễ nhận thấy là nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay mua nhà 2-3 điểm % so với cuối năm ngoái, xuống quanh 5,9-7%/năm. Ngân hàng cũng đưa ra nhiều ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo bà Hồ Trúc Lam - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Horeca Food, đa số DN sản xuất vừa và nhỏ khó đạt được chuẩn cho vay. Ngoài việc không có tài sản thế chấp, những năm qua lợi nhuận hầu như không có và ngân hàng không thể cho vay dưới tiêu chuẩn. Trên thực tế, bài toán không nằm ở DN mà nằm ở kích cầu tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Do đó, nếu ngân hàng nới rộng được khoản vay tiêu dùng cá nhân hoặc tín chấp sẽ cởi mở hơn cho DN có thể vượt qua thời điểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Duy trì lãi suất thấp để phục hồi kinh tế