Là phương tiện giao thông công cộng duy nhất ở TP Hồ Chí Minh, hiện nay tại thành phố có khoảng 2.000 phương tiện xe buýt đang hoạt động. Trong số đó, mới chỉ có gần 500 xe đang được quảng cáo. Vì thế, nhu cầu tìm các đối tác quảng cáo, gắn nhãn lên số xe còn lại là rất cần thiết, cấp bách với số tiền dự kiến thu về khoảng 135 tỷ đồng/năm.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách trợ giá khó khăn, việc thu tiền từ các doanh nghiệp quảng cáo được coi là hướng đi đúng đắn, bền vững. Tuy nhiên, sau 4 lần đấu giá, vẫn chưa có doanh nghiệp nào chấp nhận bỏ tiền đầu tư.
Theo Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh, đơn vị quản lý khai thác xe buýt thì chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ có nhà đầu tư mua hết các gói quảng cáo trên xe buýt ở lần đầu giá thứ 5 tới đây. Tuy nhiên, trung tâm này đã có những thay đổi quan trọng sau 4 lần thất bại trước đó. Đáng kể nhất là chia nhỏ hơn nữa các gói quảng cáo, thành 71 gói trên tổng số 72 tuyến có trợ giá thay vì 11 gói như những lần đấu giá trước. Với việc chia nhỏ, hy vọng các doanh nghiệp tham gia sẽ tăng lên nhưng có thể diễn ra tình trạng doanh nghiệp chỉ chọn các tuyến thuận lợi, tức là đi qua các khu vực trung tâm đông đúc, qua những địa điểm công cộng chứ không mua các gói đi về vùng ngoại ô, vùng hẻo lánh.
Có thể nói, dù kết quả lần đấu giá thứ 5 có thế nào thì có một thực tế chắc chắn là việc quảng cáo trên xe buýt đã không được các doanh nghiệp quan tâm, mặn mà. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên nhưng hệ thống xe buýt ở TP Hồ Chí Minh đã khá lạc hậu, không thu hút hành khách tham gia. Ngoài ra, mức giá quảng cáo cũng cao, nhất là so sánh với mức giá quảng cáo trên xe buýt ở TP Hà Nội. Tình trạng xe bỏ tuyến, bỏ chuyến xuất hiện nhiều khiến các doanh nghiệp lo ngại.
Hơn nữa, nhiều số liệu báo cáo thống kê về số lượng hành khách chưa thực sự đáng tin cậy cũng khiến doanh nghiệp lo lắng. Cuối cùng, nhóm hành khách trung thành với xe buýt đã bị phân tán đáng kể. Nếu như trước kia, hầu hết khách đi xe buýt là học sinh, sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp… thì hiện nay, thống kê đó không thực sự chính xác. Hàng loạt trường học trên địa bàn đã không có nhu cầu cho học sinh đi xe buýt trợ giá là một ví dụ. Hậu quả là doanh nghiệp khó ước lượng được đối tượng đi xe buýt để mời chào nhãn hàng cho phù hợp.
Theo đại diện Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố, nếu ở lần đấu giá thứ 5 tới đây vẫn không có doanh nghiệp mua như 4 lần trước đó thì đơn vị này sẽ giao cho các chủ xe buýt tự tìm đối tác. Hoặc có thể giao cho một doanh nghiệp nào đó có nhu cầu thông qua thương lượng, mặc cả giữa hai bên chứ không phải theo giá đã có quy định sẵn. Rất dễ nhận thấy, cả hai phương án trên đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là tình trạng lãng phí và mất nguồn thu vì không có gì đảm bảo chắc chắn sẽ có doanh nghiệp tham gia quảng cáo.