“Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước trên các bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Không “ngủ quên trên chiến thắng”, Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu các chỉ số cải cách tỉnh. Từ đó rút ra những bài học thành công, nguyên nhân của những điểm hạn chế, yếu kém từ thực tiễn Quảng Ninh trong công cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Qua đó, lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia đã có những chỉ đạo, ý kiến đánh giá tâm huyết nhằm nâng cao các chỉ số cải cách tỉnh Quảng Ninh năm 2023 và các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh: Tất cả các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI, DDCI là những con số biết nói, ẩn chứa đằng sau là các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực, nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh, nhất là người đứng đầu phải luôn kiên định, giữ bản lĩnh, giữ nguyên tắc, giữ việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đoàn kết, thống nhất, nói đi đôi với làm, phấn đấu theo tinh thần “5 thật - 6 dám” để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả cao phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm phát hiện những nhân tố mới, bồi dưỡng điển hình tập thể, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích chung; đồng thời cũng sẵn sàng thay thế những cán bộ làm không có sản phẩm…
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Các Sở, ngành, địa phương phải luôn trăn trở, suy nghĩ, làm gì để giữ vững thương hiệu, hình ảnh Quảng Ninh là một trong những địa phương điển hình trong xây dựng thành công nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, thông suốt, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hài lòng hơn. Đồng thời, đặt công tác cải cách hành chính và cải thiện các chỉ số là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các Sở, ngành, địa phương.
Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai nhiệm vụ của chuyển đổi số; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đảm bảo liên tục, thông suốt; duy trì tốt công tác đối thoại định kỳ với người dân và doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm giải trình với nhân dân…
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ: Quảng Ninh đã triển khai phương thức khảo sát, đánh giá các chỉ số cải cách rất sát thực, đi thẳng vào những vấn đề mới có tác động đến thực tế công việc, phù hợp với những chỉ đạo, định hướng mới và các mục tiêu, chỉ tiêu mới của Trung ương.
Cùng với đó, việc khảo sát, đánh giá các chỉ số của Quảng Ninh cũng được Trung ương và trực tiếp là người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao khi tỉnh luôn thẳng thắn nhìn nhận vào những hạn chế, điểm nghẽn như ở nội dung cải cách chế độ công vụ, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, hay việc trễ hẹn hồ sơ thủ tục hành chính, chậm cập nhật hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Việc không ngừng cải cách thực chất, tiếp nhận không chỉ những đánh giá tích cực mà cả những phản hồi về hạn chế trong các nội dung cải cách chắc chắn sẽ tiếp tục giúp Quảng Ninh có thêm cơ sở để nhìn nhận và khai thác ngày càng tốt hơn dư địa cải cách, từ đó ngày càng đạt được thêm nhiều thành tựu trong tiến trình phát triển KT-XH, phục vụ ngày càng tốt hơn doanh nghiệp, người dân.
Ông Trần Công Chính, Chuyên gia tư vấn của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP): Kết quả Chỉ số PAPI của Quảng Ninh là sự phản ánh thực chất, khách quan các giải pháp đồng bộ của tỉnh đã triển khai thời gian qua trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Tuy nhiên qua phân tích, tôi và các chuyên gia UNDP đều nhận thấy, dư địa khai thác các trục nội dung trong Chỉ số PAPI của Quảng Ninh còn rất lớn, nhất là ở những nội dung như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công…
Sau hội nghị này, tôi hy vọng tỉnh Quảng Ninh sẽ nhìn thẳng vào những hạn chế, điểm nghẽn, tiếp tục tìm các giải pháp để khắc phục và khai thác dư địa cải cách, nâng cao hơn nữa chất lượng các chỉ số, nhất là việc công khai minh bạch các thông tin để người dân biết, cùng tham gia bàn và kiểm tra; tăng cường tạo các kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực của người dân…