Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng hàng loạt các lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu (EU) đang bị “khóa chân” trong cuộc đua nhằm giữ vững thỏa thuận viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản tiền 3 tỷ Euro để nước này giúp đỡ ngăn chặn dòng người di cư khổng lồ tràn vào cửa ngõ châu Âu.
Các nước EU đang bất đồng quan điểm về việc đóng góp
khoản viện trợ 3 tỷ Euro cho Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AP).
Tất cả 28 lãnh đạo khối EU dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Brussels trong vài tuần tới để xúc tiến một thỏa thuận mà hai bên đã ký kết, trong đó Ankara sẽ cùng Hy Lạp tuần tra khu vực biên giới phía Nam của EU và ngăn hàng trăm nghìn người di cư đổ vào châu lục này, chủ yếu là từ Syria.
Để đổi lại sự trợ giúp ấy, Ankara sẽ nhận được khoản tiền viện trợ lên tới 3 tỷ Euro và giải ngân trong vòng 2 năm, trong khi EU cũng có khả năng đi đến thỏa thuận sẽ giải quyết định cư cho hàng trăm nghìn người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến châu lục này.
Thế nhưng cho đến giờ, ngoại trừ Anh ra thì không có bất kỳ quốc gia thành viên nào của EU, thậm chí cả Đức, chịu “móc hầu bao” để góp phần của mình vào khoản viện trợ 3 tỷ Euro này. Mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron đã cam kết sẽ đóng góp 400 triệu Euro nhằm giữ vững thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây được xem là một vấn đề nghiêm trọng đối với bà Merkel, người đang gặp phải vấn đề thách thức lớn nhất trong suốt 10 năm cầm quyền của mình là đối phó với khủng hoảng di cư. Trong tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaube đã mô tả việc 800.000 người di cư tràn vào nước họ như một “trận lở tuyết”, và dường như có ý chỉ trích bà Merkel khi nói rằng “những người trượt tuyết bất cẩn” đã gây nên điều đó.
Trong cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà đàm phán EU tổ chức hôm 12-11, ông Erdogan đã yêu cầu phía châu Âu phải lập tức có 2 động thái mới nhằm dọn đường cho thỏa thuận: Một là khoản viện trợ 3 tỷ Euro trong 2 năm, và hai là một cuộc họp thượng đỉnh. Nhiều nguồn tin từ EU cho rằng đây là thông điệp từ Ankara, trong đó nói rằng giá cả có thể được họ nâng lên cao hơn nếu như thỏa thuận không được chấp nhận ngay bây giờ.
Ở vị trí khó khăn của mình, bà Merkel đã lập tức thể hiện sự sẵn sàng sẽ đóng góp vào khoản tiền 3 tỷ Euro và còn đề xuất ngày tổ chức cuộc họp thượng đỉnh là 22/11. Tuy nhiên, sau đó thời hạn này chưa thể quyết định ngay do còn chờ quyết định từ phía Ankara. Lãnh đạo nước Pháp - Tổng thống Francois Hollande - cũng đưa ra nhận xét tương tự.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là ngôi nhà của 2,3 triệu người di cư đến từ Syria và ít nhất 500.000 người trong số đó đã băng qua Hy Lạp trong năm nay trước khi đi qua một số nước Balkan để đến được nước Đức.
Từ lâu bà Merkel đã đưa ra quan điểm rằng một thỏa thuận với Ankara sẽ là bước đi mấu chốt để giải quyết thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của bà – khủng hoảng di cư. Tuy nhiên, ý kiến này lại nhận phải nhiều sự hoài nghi từ chính nội bộ khối EU.
Theo các kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC), EU sẽ rút từ ngân sách của mình để đóng góp 500 triệu Euro trong khoản viện trợ trị giá 3 tỷ Euro, 2,5 tỷ Euro còn lại sẽ do chính phủ 28 nước thành viên trong khối đóng góp. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị nhiều nước phản đối, cho rằng họ muốn lấy toàn bộ 3 tỷ Euro từ ngân sách của EU.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch mở cửa thị trường lao động của mình đối với người nhập cư đến từ Syria và cải thiện hệ thống trường học để tiếp nhận khoảng 900.000 trẻ em Syria đến nước này. Nguồn vốn viện trợ từ EU sẽ đóng góp vào các dự án này. Mục tiêu chính của nó chính là biến “người nhập cư trái phép” từ Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu thành “hợp pháp”.
Nếu thỏa thuận này thành công, EU sẽ tránh được trường hợp phải tiếp nhận dòng người khổng lồ cùng một lúc, thay vào đó là tiếp nhận người di cư trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm với số lượng nhỏ hơn rất nhiều. Điều này cũng khiến việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư đến từ Syria trở nên dễ dàng hơn cho các nước thành viên EU.