Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 cho biết, quyết định của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt chính trị và kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ và đình chỉ cuộc đối thoại cấp cao với nước này sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động ở trên biển Địa Trung Hải của họ.
Một tàu khai thác dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Địa Trung Hải. (Nguồn: AP).
Đòn trừng phạt
Thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn: “Quyết định của EU ngừng cuộc đối thoại cấp cao với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ảnh hưởng tới quyết tâm tiếp tục các hoạt động thăm dò hydrocarbon ở Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền của mình và quyền của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sẽ tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này”.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đã hứng thêm một đòn chí mạng trong tuần này, sau khi EU ra quyết định tạm ngừng đường dây liên hệ giữa quan chức cấp cao hai bên, rút viện trợ tài chính để đáp trả việc Ankara thăm dò dầu khí trong vùng biển của Cộng hòa Cyprus.
Ngoại trưởng các nước EU đã có cuộc họp ở Brussels, Bỉ và nói rằng họ sẽ ngừng khoản tiền viện trợ 164 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và ngừng đàm phán về một thỏa thuận hàng không. Họ cũng yêu cầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cân nhắc lại các khoản tiền cho vay đối với Ankara - lên tới gần 434 triệu USD trong năm 2018.
Các biện pháp trừng phạt của EU xuất hiện chỉ một ngày sau khi quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xấu đi, khi mà Nga thực hiện đợt chuyển giao hệ thống tên lửa đất-đối-không S-400 tới Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO. Washington từng ra sức cảnh báo rằng họ sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thương vụ vũ khí này, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn thực hiện nó.
Các biện pháp trừng phạt mà giới Ngoại trưởng EU công bố hôm đầu tuần sẽ nhằm vào tất cả các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào hoạt động thăm dò/khai thác dầu khí trên Địa Trung Hải - một trong những khu vực chiến lược hết sức nhạy cảm trong mối quan hệ giữa các siêu cường châu Âu và Trung Đông. Các lệnh trừng phạt cũng xuất hiện trong lúc nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang suy thoái và còn có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt bổ sung của EU và Mỹ.
Mối quan hệ sóng gió
Cộng hòa Cyprus người Hy Lạp ở phía Nam và người Thổ ở phía Bắc kể từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược vào năm 1974. Chính quyền phía Bắc Cộng hòa Síp chỉ được công nhận bởi duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Cyprus - một thành viên EU - và Chính phủ được quốc tế công nhận của nó không có quyền được đơn phương khai thác khí.
Ankara cho rằng Cyprus cần phải tuân thủ một kế hoạch mà lãnh đạo người Thổ Nhĩ Kỳ ở Cyprus đưa ra để chia sẻ doanh thu từ khai thác dầu khí, và tuyên bố rằng họ có quyền được hoạt động thăm dò dầu khí mà không cần sự phê chuẩn của Chính phủ ở thủ đô Nicosia.
Có rất nhiều nỗ lực hòa giải trước đây đã thất bại trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Síp hay thống nhất hòn đảo này, và trữ lượng dầu khí dồi dào ở vùng biển của họ càng làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Trong tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai thêm con tàu thứ hai tới khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển của Cyprus, khiến chính quyền Nicosia phẫn nộ. Síp sau đó đã vận động Brussels phản ứng và thành công. EU cho rằng hoạt động khai khoáng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vùng biển của Cyprus là phi pháp, sau đó tuyên bố các đòn trừng phạt nhằm vào Ankara hôm đầu tuần này.
Khu vực biển rộng lớn hơn xung quanh Cyprus - là các bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Lebanon và Israel - không chỉ có trữ lượng dầu khí dồi dào, mà còn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với các lực lượng quân sự trong khu vực và thế giới.
Cyprus là nơi có căn cứ quân sự hải quân vĩnh viễn của Anh, trong khi Nga có một căn cứ hải quân lớn ở vùng biển của Syria, cách đó chỉ 90 dặm. Hải quân Mỹ cùng một số nước khác cũng hoạt động hoặc băng qua vùng biển của Cyprus trong lúc thực hiện nhiệm vụ ở châu Phi và Trung Đông.
EU cũng có mối quan hệ phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ bởi khối này phải dựa vào Ankara để kiểm soát dòng người nhập cư tiến vào biên giới Hy Lạp. Năm 2016, trong lúc cuộc khủng hoảng di cư bắt nguồn từ nội chiến Syria đang tiếp diễn, EU đã ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Ankara sẽ tiếp nhận lại người nhập cư để đổi lấy 6,6 tỷ USD viện trợ. Thỏa thuận này - bị chỉ trích bởi các tổ chức vì quyền người nhập cư - được cho là đã giảm lượng người di cư đến châu Âu, giảm bớt sức ép với các điểm đến như Hy Lạp.