Đứng trước hàng loạt các rủi ro khi Anh rời khỏi khối, 27 quốc gia thành viên còn lại của Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp quan trọng trong hôm 16/9 nhằm tạo thêm động lực cho một EU thống ngay trong bối cảnh khối này đang phải đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc liên quan tới khủng hoảng di cư và khủng hoảng kinh tế.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong bối cảnh khối này
đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc. (Nguồn: Reuters).
Đi tìm lộ trình mới
Nhiều năm liền sa lầy trong khủng hoảng kinh tế đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp của nhiều quốc gia thành viên EU lên cao, trong khi cùng lúc phải đối mặt với hàng loạt các vụ tấn công khủng bố của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và số lượng kỷ lục người di cư từ nhiều khu vực đổ về… đã khiến cho các cử tri ở các nước này dần chuyển sang ủng hộ các đảng phái có tư tưởng chống EU hay đảng dân túy.
Trước bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh “không chính thức” - do bất kỳ hội nghị thượng đỉnh chính thức nào cũng phải có sự góp mặt của Anh cho đến khi họ rời khỏi khối - lần này nhằm mục tiêu phục hồi niềm tin của cộng đồng vào EU, vốn được xem như một biểu tượng của hòa bình và sự thịnh vượng suốt nhiều thập kỷ qua nhưng giờ đang trong một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn.
“Ai cũng nhận thức được tình hình hiện nay. Anh đã quyết định rời khỏi khối và có nhiều câu hỏi về tương lai của châu Âu” - Tổng thống Pháp Francois Hollande nói trước khi tham dự cuộc họp tổ chức tại thủ đô của Slovakia.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thì nói rằng: “Châu Âu nên ngừng đi kiểu mộng du vào một đường lối sai lầm”.
Mục đích của cuộc họp thượng đỉnh tổ chức tại Bratislava là nhằm thống nhất về một “lộ trình” cải cách của EU và đi đến kết luận trong vòng nửa năm tới. Người ta hy vọng sẽ có thêm nhiều đề xuất chắc chắn được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào tháng Ba năm tới, trùng với lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký kết Hiệp định Rome, hay ngày thành lập khối.
Tuy nhiên, do EU hiện đang có chia rẽ sâu sắc về một số vấn đề lớn, giới lãnh đạo của khối này dự kiến sẽ cùng thảo luận về các vấn đề mà họ có cùng quan điểm trước, trong số này gồm cam kết hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn, tăng cường an ninh dọc các đường biên giới của EU cũng như thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
“Tất cả các quốc gia này đều có lợi ích chung trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, vì một châu Âu an toàn hơn, ngăn chặn dòng người di cư, hợp tác kinh tế để tạo thêm nhiều việc làm” - Thủ tướng Hà Lan Mark Rute nói.
Lo ngại trước các vòng bầu cử
Giới lãnh đạo châu Âu tuy nhiên cũng thừa nhận rằng quá trình cải cách có thể sẽ không được thực hiện ngay mà phải chờ đến sau khi có kết quả các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Pháp và Đức vào cuối năm 2017. Và thậm chí có đến thời điểm đó đi chăng nữa, người ta cũng thể biết rõ được liệu Đức và Pháp - hai nước chính tạo động lực cho quá tình hội nhập ở châu Âu trong suốt nhiều thập kỷ qua - có thể đóng vai trò cầu nối cho chính sách kinh tế ở châu Âu nữa hay không.
“Vấn đề là chúng ta không thể hy vọng sẽ có giải pháp cho các vấn đề châu Âu chỉ nhờ một hội nghị thượng đỉnh - chúng ta đang trong tình trạng sống còn - mà thông qua các hành động để giúp tình hình tốt đẹp hơn” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Là một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Âu trong những năm qua, bà Merkel hiện cũng đang phải đối mặt với sức ép lớn trong nước bởi quan điểm chào đón đối với dòng người di cư hồi năm ngoái, một quan điểm trái ngược với nhiều đối tác EU của bà.
Một tín hiệu cho thấy quyền lực của bà đang bị lung lay là sự thất bại trong việc thuyết phục các nước Đông Âu gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và nước chủ nhà Slovakia chấp nhận hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Các nước này sẽ đưa ra một văn kiện đề xuất của riêng mình tại hội nghị lần này trong một động thái cho thấy rõ sự chia rẽ.
Theo giới phân tích, hội nghị thượng đỉnh lần này khó có thể thành công, mà chỉ vạch trần sự chia rẽ sâu sắc của khối EU nay chỉ còn 27 thành viên và điểm yếu của các lãnh đạo hàng đầu của khối gồm bà Merkel, ông Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi - người từng tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm nay nếu thất bại trong một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp.