Theo thỏa thuận mới, chính phủ các nước châu Âu sẽ chỉ thanh toán cho Gilead như đã nêu trong hợp đồng khi họ mua các liều thuốc Remdesivir.
Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý trả hơn 1 tỷ euro (tương đương 1,2 tỷ USD) để được Gilead cung cấp thuốc kháng virus Remdesivir trong vòng 6 tháng, ngay trước khi công ty này công bố kết quả cuối cùng cho đợt thử nghiệm lớn nhất đối với dược phẩm dành cho điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Thỏa thuận trên được nhất trí trong bối cảnh các nước EU đang thiếu hụt dược phẩm đặc hiệu, tình cảnh khiến những quốc gia này có thể đã phải vội vàng quyết định trước khi có kết quả cuối cùng về việc liệu Remdesivir có hiệu quả thực sự hay không hoặc những độc tính tiềm ẩn của loại thuốc này.
Hồi tuần trước, EU đã ký một hợp đồng với công ty của Mỹ này, theo đó cho phép 27 quốc gia thành viên EU và 10 quốc gia đối tác, bao gồm cả Anh, đặt hàng tới 500.000 liệu trình Remdesivir trong 6 tháng tới.
Theo một nguồn thạo tin, mức giá đã thỏa thuận cho mỗi liệu trình điều trị là 2.070 euro (tương đương 2.440 USD) và tổng số tiền là 1,35 tỷ euro.
Tuy hợp đồng này có giá trị lớn, nhưng mức giá cho mỗi liệu trình phù hợp với giá mà các nước EU phải trả trong một hợp đồng cung cấp đã được thỏa thuận vào tháng 7 vừa qua, để điều trị cho khoảng 30.000 bệnh nhân với một liệu trình 6 liều.
Theo thỏa thuận mới, chính phủ các nước châu Âu sẽ chỉ thanh toán cho Gilead như đã nêu trong hợp đồng khi họ mua các liều thuốc Remdesivir.
Remdesivir đã được cấp phép lưu hành một cách có điều kiện ở EU để điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 cần trợ thở.
Cơ quan dược phẩm EU cho biết loại thuốc này cho đến nay không có tác dụng đối với những trường hợp nhẹ hơn, hay đối với những bệnh nhân nguy kịch hơn cần hỗ trợ thở. Hiện cơ quan này cũng đang kiểm tra các tác dụng phụ tiềm ẩn của Remdesivir đối với thận của con người.
Trong khi đó, Chính phủ Na Uy ngày 13/10 thông báo khi có vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nước này sẽ cung cấp miễn phí cho người dân và sẽ đưa loại vắcxin này vào chương trình tiêm chủng quốc gia.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Erna Solberg nêu rõ: "Chúng tôi mong muốn đa số mọi người nhận được cơ hội tiêm vắcxin một cách an toàn và hiệu quả. Đó là lý do tại sao việc tiêm chủng này sẽ được thực hiện miễn phí".
Hồi tháng 8 vừa qua, Na Uy cho biết nước này sẽ tiếp cận các loại vắcxin mà EU có được thông qua thỏa thuận đàm phán với các công ty dược phẩm, mặc dù không phải là thành viên của liên minh này.
Theo kế hoạch, Thụy Điển - một nước thành viên của EU, đồng thời là láng giềng của Na Uy - sẽ mua nhiều vắcxin hơn so với mức cần thiết và sau đó bán lại cho Na Uy.
Thông báo của Chính phủ Na Uy cho biết: "Cho đến nay, EU đã ký kết các thỏa thuận với 3 nhà sản xuất vắcxin khác nhau và đang tiếp tục đàm phán với một số nhà sản xuất khác. Na Uy cũng sẽ có phần trong các thỏa thuận này, thông qua các thỏa thuận nhượng lại từ Thụy Điển".
Quốc gia Bắc Âu này hiện có mức độ lây nhiễm mới Covid-19 thấp nhất ở châu Âu. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, số ca nhiễm Covid-19 trung bình ở Na Uy trong 14 ngày qua là 34,3 người tính trên 100.000 dân. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm có sự chênh lệch lớn trong nước, trong đó đặc biệt tại thủ đô Oslo.
Na Uy cũng là một thành viên trong chương trình phân phối vắcxin phòng Covid-19 trên toàn cầu mang tên COVAX, với sự tham gia của 171 quốc gia bao gồm cả Trung Quốc.
Chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn này nhằm mục đích cung cấp cho các quốc gia trên thế giới - dù giàu hay nghèo - quyền tiếp cận công bằng đối với vắcxin phòng Covid-19.