Ngày 18/10, tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tiếp tục theo đuổi hợp tác với các quốc gia ở Bắc Phi và tăng cường biên giới bên ngoài của khối để ngăn chặn một số lượng lớn người nhập cư vào châu Âu.
Người tị nạn Syria dạt vào đảo Lesbos, Hy Lạp (Nguồn: AP).
Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với các quốc gia quê hương của người di cư hoặc nơi họ đi qua. Đồng thời nhấn mạnh, EU sẽ tăng cường hợp tác với các nước này để điều tra, bắt giữ và truy tố những kẻ buôn lậu và buôn người, đưa người tị nạn và người di cư kinh tế vào những hành trình nguy hiểm qua đường bộ và đường biển. Được biết, riêng trong năm 2015, năm cao điểm dòng người nhập cư vào EU, con số đó là hơn 1 triệu người, hầu hết họ đến từ Syria và Iraq, nhằm chạy trốn các cuộc xung đột trên quê hương mình.
Trước đó Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) đã khép lại (ngày 19-20/9/2018) sau hai ngày làm việc căng thẳng với những bất đồng sâu sắc về vấn đề người di cư. Mục tiêu của hội nghị là “tháo ngòi” những căng thẳng về vấn đề người di cư, bên cạnh việc thiết lập các cuộc đàm phán sau cùng cho một thỏa thuận Brexit với nước Anh. Tuy nhiên, cả “hai nhiệm vụ” ấy đều “bất khả thi”.
Dòng người nhập cư là vấn đề đau đầu với Chính phủ của tất cả các nước EU. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng không khả thi, khi mà dòng người vượt biển đến từ châu Phi vẫn đặt chân tới châu Âu. Trong số những giải pháp, người ta chú ý tới cách “giải quyết vấn đề người di cư ngay trên các boong tàu”, do Áo đưa ra. Đề xuất này được cho là xuất phát từ Bộ trưởng Nội vụ Áo Herbert Kickl, khi mà vào ngày 14/9/2018 đã cho rằng cần phải giải quyết vấn người di cư ngay tại các boong tàu cứu hộ trên Địa Trung Hải, thay vì trên đất liền.
Theo ông này thì đó là một cách thức nhanh gọn nhằm xác định trường hợp người di cư nào có khả năng được xin tị nạn, sau đó họ sẽ được đưa tới EU; trong khi những trường hợp khác được đưa trở lại các “cảng an toàn” tại các quốc gia thứ ba. Ông này nhấn mạnh thêm rằng, cách đó sẽ giúp giải quyết cái gọi là “vấn đề hồi hương” bởi một khi người di cư đặt chân đến châu Âu thì việc đưa họ rời khỏi đây là vô cùng khó khăn và tốn kém.
Đề xuất của Bộ trưởng Nội vụ Áo đã nhận được sự tán đồng của Bộ trưởng Nội vụ Italy Salvini, khi ông này cho rằng đó là một giải pháp “cần phải tính đến” nhằm giảm lượng người di cư đổ về châu Âu.
Tuy nhiên, một nhánh của tổ chức từ thiện Bác sỹ không biên giới (MSF) lại phản đối đề xuất trên, cho rằng điều này chỉ đơn thuần là nhằm đánh lạc hướng vấn đề thực tế là sự bất lực của chính giới châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tại miền Trung Địa Trung Hải và Libya.
Vì thế, với giải pháp mới đạt được là EU sẽ phối hợp với các quốc gia Bắc Phi có người di cư “ngăn chặn từ gốc”, đã nhận được nhiều sự ủng hộ của các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, theo giới quan sát, điều đó có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào việc “các quốc gia di cư” có “hợp tác thật lòng” hay không.