Thực hiện chủ đề năm 2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra là "Năm nâng cao năng lực quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam", Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị và năng suất lao động.
Nâng cao năng lực quản trị nguồn nhân lực
Theo Ban Tổ chức và nhân sự của EVNNPC, ngay từ đầu năm, EVNNPC đã triển khai xây dựng hệ thống quản trị mục tiêu chiến lược và hệ thống đo lường hiệu quả công việc, đã triển khai hoạt động tư vấn, đào tạo nhận thức, cơ bản và nâng cao về phương pháp quản trị BSC&KPIs cho cán bộ nhân viên.
Hệ thống quản lý BSC & KPIs là một công cụ quản trị hiện đại chuyển tầm nhìn và chiến lược của một tổ chức thành những mục tiêu, hành động cụ thể. Tổng công ty đã nhận thấy lợi ích khi sử dụng KPI trong đánh giá thực hiện công việc, thấy được thành quả hiện thời của mục tiêu chiến lược một cách rất nhanh giúp cho các quyết định sẽ được thực hiện nhanh hơn trên cơ sở các chỉ số đo lường được từ KPI.
Vì vậy ngay từ tháng 11/2015, Tổng công ty đã thực hiện triển khai xây dựng BSC/KPI trong Tổng công ty. Đến 31/3/2016, Tổng công ty đã hoàn thiện ban đầu các bộ sản phẩm gồm: Bản đồ chiến lược, hệ thống các chỉ số đo lường KPIs và hệ thống bảng MTCV cho từng vị trí chức danh công việc...
Theo kế hoạch trong quý IV-2016, tất cả các đơn vị thành viên EVNNPC sẽ hoàn thành xong các bộ sản phẩm BSC&KPIs đồng bộ với Tổng công ty. Đây là một trong những giải pháp thể hiện sự đổi mới tư duy trong phương pháp lãnh đạo và tổ chức thực thi chiến lược sản xuất kinh doanh của EVNNPC cũng như toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trên cơ sở hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản trị nguồn nhân lực bằng phần mềm HRMS, Tổng công ty đã xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu chung về nhân sự và tổ chức. Đây chính là cơ sở để Tổng công ty làm căn cứ triển khai các báo cáo chuyên môn nghiệp vụ về mặt quản lý và theo dõi nhân sự được hiệu quả và có độ chính xác cao.
Tổng công ty cũng đã triển khai nghiên cứu và đổi mới về công tác quản lý đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo hướng xây dựng các chương trình có tính hệ thống khoa học và có tính chuyên nghiệp cao. Từ đó, đáp ứng cho nguồn nhân lực của Tổng công ty có đủ trình độ và sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển của EVNNPC.
Tiêu điểm trong năm 2016, Tổng công ty đã triển khai thành công 2 lớp đào tạo cho cán bộ quản lý của Tổng công ty tại Thái Lan, đào tạo thành công 1 lớp dành riêng cho cán bộ trong diện quy hoạch cho các chức danh quản lý cấp cao của Tổng công ty “với 6 modules đào tạo trong đó 2 modules được đào tạo tại Singapore và sẽ được cấp chứng chỉ Quản lý chuyên nghiệp Quốc tế CIPM của Hiệp hội các nhà quản lý IPMA Vương quốc Anh trong tháng 10/2016”.
Tổng công ty đã triển khai các chương trình khảo sát hiện trạng tại 5 Công ty Điện lực về nhu cầu nâng cao năng lực quản trị chung, nhu cầu nâng cao năng lực quản trị nguồn nhân lực và phát triển văn hoá tổ chức phục vụ triển khai xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning của Tổng công ty.
Tổng công ty cũng thực hiện chương trình khảo sát một số các Công ty Điện lực tỉnh để phục vụ xây dựng “Đề án phát triển kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm”. Đồng thời, Trong toàn Tổng công ty cũng đã triển khai ứng dụng các phương pháp quản lý 5S và duy trì, phát triển hệ thống quản lý chất lượng ISO.
Sắp xếp lại các Điện lực
Về mặt tổ chức bộ máy, EVNNPC đã được nghiên cứu và sắp xếp cho phù hợp với điều kiện thực tế quản trị doanh nghiệp của Tổng công ty. Đặc biệt, Tổng công ty tập trung vào công tác tổ chức tại các Điện lực thành phố/huyện.
Theo Quy chế 212 của EVN về công tác tổ chức và hoạt động của các Điện lực cấp thành phố/quận/huyện, Tổng công ty đã sát nhập được 16 điện lực, rút xuống tổng số điện lực trực thuộc 27 Công ty Điện lực tỉnh/thành phố thuộc EVNNPC hiện nay còn 282 điện lực (trước đây là 298 điện lực- đơn vị cấp 3 của Tổng công ty).
Trong công tác sát nhập, điện lực ghép lớn nhất là 4 huyện Mù Cang Chải - Nghĩa lộ - Cam Chấn - Trạm Tấu, và 2 điện lực thành phố lớn là Hạ Long – Bãi Cháy. Đồng thời Tổng công ty cũng đã ban hành cơ chế đặc thù cho 6 điện lực thành phố lớn (Hạ Long - Vinh - Bắc Ninh - Việt Trì - Vĩnh Yên - Lào Cai), nhằm nâng cao tính chủ động trong quản lý điều hành và hoạt động của điện lực, nâng tầm về chức năng quản trị cho các Điện lực.
Tách bạch sản xuất kinh doanh điện và hoạt động dịch vụ điện lực
Biện pháp tổ chức lớn khác cũng được thực hiện trên cơ sở tách bạch sản xuất kinh doanh điện và sản xuất kinh doanh khác đã thành lập được 3 xí nghiệp dịch vụ điện lực tại Phú Thọ, Lào Cai, NGC, 3 ban quản lý dự án tại Sơn La, Phú Thọ và NGC, và thành lập 1 Trung tâm tư vấn trực thuộc Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC).
Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc đã thể hiện hướng đi đúng đắn của EVN cũng như EVNNPC trong quyết tâm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, thể hiện sự đổi mới trong việc nâng cao năng lực quản trị.
Về công tác quản lý lao động để đảm bảo tăng năng suất, Tổng công ty đã xây dựng các lộ trình để thực hiện đề án công tác lao động đến năm 2020. Trong năm 2016, EVNNPC đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của EVN về việc tạm ngừng tuyển lao động. Dự kiến trong năm 2016 lực lượng lao động sản xuất kinh doanh điện của EVNNPC giảm hơn 800 người.
Xây dựng một hệ thống quản trị hiệu quả, hoạt động chắc chắn sẽ được tối ưu hóa, giúp cho EVNNPC có thêm nhiều cơ hội nhanh chóng tiếp cận với thị trường điện cạnh tranh, bắt nhịp với sự phát triển của ngành điện của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ban lãnh đạo Tổng công ty xác định, sẽ tiếp tục thực hiện và tổ chức triển khai các nội dung đã và đang thực hiện trong năm 2016 cũng như triển khai các chương trình lớn trong giai đoạn 2016-2020 như: Chương trình phát triển kinh doanh lấy khách hàng làm Trung tâm; Chương trình phát triển và nâng cao văn hoá tổ chức của NPC nhằm đổi mới và nâng tầm văn hoá tổ chức của NPC, đổi mới phát triển chương trình văn hoá ứng xử; Đổi mới hệ thống quản trị NNL NPC đáp ứng kế hoạch SXKD đến năm 2020; Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Các chương trình quản trị chuyên môn trong các lĩnh vực Tài chính, Kế hoạch, Kỹ thuật, Vật tư, ĐTXD…
Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp không phải là nhiệm vụ ngắn hạn, giải quyết trong một sớm một chiều mà là chặng đường dài cần sự quyết tâm, nỗ lực cùng tham gia của toàn Tổng công ty. Xây dựng một hệ thống quản trị hiệu quả, hoạt động chắc chắn sẽ được tối ưu hóa, giúp cho EVNNPC có thêm nhiều cơ hội nhanh chóng tiếp cận với thị trường điện cạnh tranh, bắt nhịp với sự phát triển của ngành điện của các nước trong khu vực và trên thế giới.