Liên kết lỏng lẻo, chưa có sự chuyển giao công nghệ cao từ khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực DN trong nước… khiến cho dòng vốn FDI thời gian qua chảy vào trong nước chưa được như kỳ vọng. Đó là thực tế của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong suốt 30 năm qua.
Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ cũng như nền kinh tế đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những chiến lược trong thu hút FDI phải thay đổi một cách căn bản.
Chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã hơn một lần nhấn mạnh về việc thu hút FDI thời gian tới được xác định là phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng, thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.
Nhìn lại dòng vốn FDI chảy vào trong nước trong suốt 3 thập kỷ qua, không thể phủ nhận có những DN uy tín, chất lượng đã tìm đến và “đóng quân” lâu dài tại Việt Nam. Trong đó phải kể đến nhiều dự án của Hàn Quốc, Nhật Bản… Các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản luôn khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại. Chính bởi vậy, hàng năm, nền kinh tế nước nhà vẫn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư uy tín đến từ các quốc gia này. Và cơ hội chúng ta nhận được những nguồn vốn FDI chất lượng cao càng lớn hơn khi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được ký kết.
Song phải thừa nhận, thực tế thu hút FDI thời gian qua chưa được như kỳ vọng, nhiều dự án công nghệ lạc hậu gây nên thực trạng về ô nhiễm môi trường, tình trạng chuyển giá của một số DN FDI gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước, và đặc biệt, mục tiêu chuyển giao trình độ khoa học công nghệ tiên tiến từ khu vực DN ngoài nước sang khu vực DN trong nước hầu như bị thất bại. Nguyên nhân của thực trạng này là do đâu? Có ý kiến cho rằng, do chúng ta quá dễ dãi trong thu hút FDI nên nhiều nhà đầu tư ngoại đã tranh thủ “tuồn” công nghệ thấp vào trong nước, mặt khác, họ cũng chủ yếu sang Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động nhân công giá rẻ… Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Vị Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Ryu Hang Ha có lần đã chia sẻ rằng, không phải các DN ngoại không muốn chuyển giao công nghệ hay mang sang Việt Nam những công nghệ thấp như một số ý kiến, mà điều quan trọng ở đây là, nguồn nhân lực của Việt Nam chưa thể đáp ứng được “dòng công nghệ hiện đại mới”. Cho dù các DN ngoại muốn chuyển giao công nghệ, nhưng nếu Việt Nam thiếu các kỹ sư có thể nhận bàn giao thì đây lại là việc không hề dễ dàng. Khoảng cách giữa trình độ nguồn nhân lực với việc tiếp nhận công nghệ mới cần phải được rút ngắn lại, Việt Nam mới có thể thực hiện được mục tiêu chuyển giao công nghệ như kỳ vọng.
Nhìn vào con số thống kê của cơ quan chức năng về chất lượng nguồn nhân lực tại các DN FDI, thì có tới 37% lao động được tuyển dụng không đáp ứng được công việc, 39,86% DN FDI đang thiếu hụt lao động; nhiều công ty phải mất 1-2 năm đào tạo lại lực lượng lao động… Những con số nói trên cho thấy, những quan ngại của các nhà đầu tư đối với chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
Trở lại với EVFTA, một trong những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được mong chờ nhất và đã được ký kết vào cuối tháng 6 năm 2019 vừa qua, rõ ràng những cơ hội để chúng ta có thể đón nhận những dòng vốn FDI chất lượng cao từ thị trường EU là rất lớn. Thế nhưng, nếu chất lượng nguồn nhân lực không được nâng lên để có thể đảm bảo các yêu cầu cao từ phía các DN EU, cơ hội có thể sẽ trở thành thách thức khó có thể vượt qua. Bởi, chính vị Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã khẳng định rất rõ rằng: Các nhà đầu tư châu Âu luôn đòi hỏi nguồn nhân lực có kỹ thuật cao. Việt Nam có thể tự hào là có nguồn lao động dồi dào, có sức khỏe, chăm chỉ, cần mẫn… nhưng như vậy chưa đủ. Các DN châu Âu cần một đội ngũ công nhân lao động chuyên nghiệp, lành nghề, có kỹ thuật tốt, có thể đảm nhận những khâu khó trong một dây truyền sản xuất.
Như vậy, có thể thấy rõ, bất kỳ nhà đầu tư ngoại nào dù là Hàn Quốc, hay Nhật Bản, EU cũng đều luôn hứng thú với môi trường kinh doanh ở Việt Nam, song chúng ta có thể đón được những dòng vốn chất lượng cao từ các quốc gia này hay không, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, chất lượng nguồn nhân lực. Và để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, việc đột phá trong công tác đào tạo là yếu tố quan trọng. Thực trạng hiện nay cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực hiện còn nhiều hạn chế, thiếu hụt lao động tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Những rào cản này cần phải được gỡ bỏ nếu Việt Nam muốn đón được dòng vốn FDI chất lượng cao trong thời gian tới.