Fidel Castro: 'Huyền thoại sống' của lịch sử đương đại

Theo Zing 26/11/2016 20:25

Ông đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống, một nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới, cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc.

Fidel Castro là người đã lãnh đạo cách mạng Cuba đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa quốc đảo anh hùng tiến bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trở thành tấm gương sáng của phong trào độc lập và giải phóng dân tộc ở Mỹ Latin cũng như trên thế giới.

Ngọn đuốc dẫn đường cho dân tộc Cuba

Lãnh tụ Fidel Castro Ruz sinh ngày 13/8/1926. Ông thừa hưởng truyền thống lao động cần cù, đầy ý chí, thông minh, sáng tạo của gia đình và rất hiếu học. Với cá tính thiên phú, ngay từ khi còn nhỏ cho tới khi lên đại học, Fidel tỏ ra nổi trội trong cả học hành, thể thao và phong trào sinh viên.

Ông đi đây đó, tiếp xúc nhiều, trao đổi và tranh luận đối thoại nhiều tiếng đồng hồ với bạn bè hay quần chúng nhân dân tới mức quên ăn quên ngủ. Ông luôn quan tâm tới mọi người với tình cảm chân thành sâu sắc của cá nhân.

Fidel Castro: 'Huyền thoại sống' của lịch sử đương đại

Lãnh tụ Fidel Castro từ khi còn nhỏ cho tới đại học luôn tỏ ra trội trong cả học hành, thể thao và phong trào sinh viên. (Ảnh: Local10).

Fidel hoạt động cách mạng từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học. Ở tuổi 27, ông là người tổ chức và chỉ huy cuộc tiến công pháo đài Moncada, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang với mục đích lật đổ chế độ độc tài Batista, công cụ đàn áp và thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới phương Bắc.

Cuộc khởi nghĩa thất bại. Khi bị chính quyền của Tổng thống Fulgencio Batista bắt và phải ra tòa năm 1953, lãnh tụ Fidel Castro đã có bài tự bào chữa nổi tiếng với tên gọi "Lịch sử sẽ bào chữa cho tôi". Ông và em trai Raul sau đó bị bỏ tù 2 năm.

Tuy không thành công, nhưng sự kiện Moncada đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động dư luận trong cả nước, châm ngòi cho quá trình đấu tranh của quần chúng nhân dân dưới sự dẫn dắt của phong trào cách mạng 26/7 do Fidel khởi xướng.

Ngày 1/1/1959 trở thành sự kiện quan trọng khi cuộc cách mạng do Fidel dẫn dắt thành công, đưa đất nước Cuba bước sang một trang sử mới: độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Fidel Castro trở thành thủ tướng Cuba.

Ông Castro trở thành Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba năm 1965. Từ năm 1976, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng.

Ngày 18/2/2008, ông tuyên bố ý định thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh quân đội Cuba sau gần 50 năm lãnh đạo đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, đứng đầu là lãnh tụ vĩ đại Fidel Castro, nhân dân Cuba đã kiên cường đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch nhằm phá hoại đất nước và gặt hái được những thành tựu to lớn.

Vị lãnh tụ giản dị với hoài bão lớn lao

Nhà văn Colombia Garcia Marquez, người từng giành giải thưởng Nobel Văn học năm 1982, miêu tả Fidel là một lãnh tụ vĩ đại, giản dị, trong sáng và luôn có những hoài bão lớn lao. Đó là một con người với năng lực tư duy siêu việt, luôn luôn trăn trở vì những ý tưởng khác thường.

Fidel Castro đã luôn mơ ước một ngày kia các nhà khoa học Cuba sẽ tìm được phương thuốc chữa ung thư. Về bản chất, ông là người luôn chống lại mọi giáo điều. Ông từng nói với nữ văn sĩ Katiuska Blanco, tác giả bộ sách "Fidel Castro: Người chiến binh của thời đại" rằng: “Tôi thích chiếc đồng hồ cũ, cặp kính cũ, đôi ủng cũ, còn trong chính trị, tôi thích tất cả những gì mới mẻ”.

Fidel Castro: 'Huyền thoại sống' của lịch sử đương đại - 1

Vị lãnh tụ vĩ đại của Cuba được mô tả là một con người với năng lực tư duy siêu việt, luôn luôn trăn trở vì những ý tưởng khác thường. (Ảnh: AFP).

Tư tưởng của Fidel mang tính tổng quát, đó là sự tích hợp của những trải nghiệm sống, của những ước mơ và những suy ngẫm về tương lai cùng hòa quyện vào nhau. Là người có tính cách mạnh mẽ, sự nhạy bén và tinh thần cảnh giác cao, nhưng ông cũng luôn thể hiện sự cảm thông với những ai chưa hoàn toàn tán thành những điều ông suy nghĩ.

Nhà mưu lược ham đọc sách

Ngay từ thuở nhỏ, Fidel đã được biết đến như một người tự tìm lấy cho mình một cách học riêng, không giống bất cứ ai, không theo những quy phạm thông thường.

Ông không đến lớp nghe bài giảng, chỉ đọc sách và tự học, ông thường miệt mài đọc sách đến 2-3h sáng, có khi suốt đêm và tự học lấy tất cả các môn có trong chương trình. Sau này, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng không từ bỏ ham mê đọc sách.

Nhà văn Gabriel Garcia Marquez, giải thưởng Nobel văn học 1982, người bạn thân của Chủ tịch Fildel Castro kể lại: “Fidel đọc bất cứ tờ giấy có chữ nào rơi vào tay ông, đọc tất cả các loại sách, tất cả các tài liệu, văn kiện cần thiết cho công việc. Ông không có thói quen để các trợ lý đọc cho nghe các tin tức hàng ngày. Ông có thể đọc bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào tranh thủ được, đi trên máy bay ông vẫn đọc, thậm chí khi đi ôtô vào ban đêm thì chỗ của ông cũng được trang bị một ngọn đèn để đọc sách...”.

Fidel Castro: 'Huyền thoại sống' của lịch sử đương đại - 2

Fidel Castro tại một tiền đồn ở Sierra Maestra năm 1957. (Ảnh: AP).

Vì vậy, Fidel Castro có thể thảo luận về mọi lĩnh vực, từ đơn giản tới chuyên sâu, với những phân tích sắc sảo thể hiện tầm hiểu biết uyên bác. Ông lúc nào cũng nhìn vấn đề ở tầm chiến lược, ở phạm vi toàn cầu, trong mối tương quan giữa lợi ích quốc gia và chính trị quốc tế… Đồng thời ông cũng là người luôn nắm chắc thực tiễn, tính toán và phân tích sắc bén mọi dữ kiện để quyết đoán nhanh những vấn đề cụ thể.

Cựu chủ tịch Cuba còn được biết đến với sức làm việc đáng kinh ngạc. Những người làm việc gần gũi ông cho biết Fidel Castro thường chỉ ngủ khoảng 4 tiếng một đêm. Sức chịu đựng của ông khiến các trợ lý nhiều khi mệt nhoài, theo không kịp, mặc dù họ đều là những người trẻ khỏe, có những người đang độ tuổi thanh niên “sức dài vai rộng”.

Những người ủng hộ Fidel đều ca ngợi ông là người đã mang lại độc lập, chủ quyền cho đất nước. Cùng với Che Guevara, Fidel được coi là nhà lãnh đạo huyền thoại của phong trào cách mạng các nước Latin.

Chủ tịch Fidel Castro cũng là nhà lãnh đạo quốc gia nước ngoài duy nhất đã vào tận vĩ tuyến 17, Quảng Trị của Việt Nam để động viên đồng bào, chiến sĩ ta nơi tuyến lửa trong thời kỳ kháng chiến ác liệt. Tại đây, ông đã phát biểu câu nói bất hủ: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Fidel Castro: 'Huyền thoại sống' của lịch sử đương đại