Để bảo vệ di sản trong quá trình kết hợp phát triển du lịch đừng “hoành tráng hóa” mà bóp méo bản chất của di sản. Đó là cảnh báo của GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, một trong những người đầu tiên khởi dựng Đề án xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO khi trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về Nghệ thuật Xòe Thái.
PV:Bà có thể cho biết thêm về nguồn gốc của loại hình nghệ thuật Xòe Thái?
GS.TS Từ Thị Loan: Nhiều người Thái cũng không biết các điệu Xòe cổ có từ bao giờ. Trong quá trình chúng tôi đi phỏng vấn, tìm hiểu tư liệu thì họ chỉ biết là từ đời ông bà, tổ tiên đã có Xòe và Xòe cứ thế trao truyền tự nhiên qua các thế hệ.
“Xòe” trong tiếng Thái dịch sang tiếng Việt là “múa”. Xòe Thái được thực hành trong các dịp lễ hội cộng đồng như lễ cúng mường, cúng bản, lễ tạ ơn, cầu mưa, xuống đồng, lễ cúng của các thầy Then, thầy Tào, thầy Mo, thầy Phựt, các nghi lễ trong phạm vi gia đình như lễ cúng tổ tiên, lễ tang ma, lễ cúng vía, cúng ruộng hay các tiệc vui như đám cưới, lễ mừng nhà mới, mừng sinh nhật,…
Bên cạnh đó là các hình thức Xòe trong sinh hoạt văn nghệ của người dân. Khởi đầu là những động tác múa mô phỏng công việc săn bắt, hái lượm, chống chọi với thiên nhiên, mãnh thú,… Sau này người dân sáng tạo ra những điệu Xòe đi kèm với dụng cụ lao động và phản ánh đời sống sinh hoạt của con người.
Trước năm 1945, xã hội bản mường người Thái có sự phân chia đẳng cấp. Trong sinh hoạt Xòe cũng có sự phân biệt “Xòe dân” và “Xòe quan”. Các đội Xòe quan do các phìa, tạo hoặc con cháu của họ được quan chức chính quyền Pháp cho phép đứng ra tổ chức. Người xoè thường là nữ, được gọi là Gái Xòe. Gái Xòe được tuyển chọn rất kỹ, phải là những cô gái còn trinh, đẹp người, múa giỏi ở độ tuổi từ 13 đến 17.
Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại, một số biên đạo múa có những cải biên, sáng tạo, nâng Xòe lên thành một hình thức nghệ thuật biểu diễn kết hợp với các đạo cụ và người ta lấy tên các đạo cụ đặt cho điệu Xòe như: Xòe khăn, Xòe quạt, Xòe nón, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe chai…
Vậy Xòe Thái có bao nhiêu hình thức, thưa bà?
- Nghệ thuật Xòe Thái có nhiều hình thức đa dạng, nhưng các nhà nghiên cứu thường quy về ba hình thức chính: Xòe nghi lễ, Xòe biểu diễn, Xòe tập thể (Xòe giải trí, Xòe vòng).
Trong đó, Xòe nghi lễ gắn với các sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, liên quan đến tính thiêng với những điệu múa như: Múa dâng lễ, múa cầu vong, múa chào mời các hồn vía về, múa cám ơn các thiên binh cứu mệnh cho người ốm...
Xòe biểu diễn thường do một nhóm nhỏ biểu diễn, còn phần đông mọi người là khán giả đứng xem, mang tính trình diễn sân khấu. Còn Xòe tập thể diễn ra trong các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng, trong đó tất cả mọi người cùng Xòe, phổ biến nhất là các điệu Xòe vòng với số lượng người tham gia không giới hạn.
Trải qua những diễn biến của thời gian, Xòe Thái có bị phân hóa hay không?
- Xòe Thái hiện nay hầu như không bị phân hóa mà diễn ra các hình thức Xòe khác nhau. Trong Xòe nghi lễ có tính bình đẳng không phân biệt tầng lớp, sang hèn. Người dân có nhu cầu thì các thầy cúng sẽ làm lễ. Còn Xòe biểu diễn hay Xòe tập thể thì tất mọi người đều có quyền tham gia, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội hay niềm tin tôn giáo.
Điều đó tạo nên tính dân chủ, hòa đồng, thân thiện trong sinh hoạt Xòe Thái, là nhịp cầu gắn kết mọi người, củng cố tình đoàn kết trong cộng đồng.
Như vậy liệu tính nguyên bản của Xòe Thái có còn được giữ nguyên không, thưa bà?
- Đối với di sản văn hóa phi vật thể nói đến tính nguyên bản là khá khó. Tất nhiên trong di sản văn hóa có những yếu tố căn bản không thể thay đổi, nhưng di sản văn hóa phi vật thể sẽ có sự vận động thích ứng với những đổi thay của đời sống.
Bản thân UNESCO cũng cho rằng việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể không nhất thiết là bảo vệ nguyên trạng, “nguyên gốc”, mà có thể có sự thay đổi, thích nghi, tái tạo và cả sáng tạo. Điều quan trọng nhất là cộng đồng chủ thể thấy nó đúng là di sản của họ, thể hiện bản sắc và truyền thống văn hóa của họ.
Để bảo vệ các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống Xòe Thái, theo bà cần phải làm gì?
- Chúng ta vừa phải tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, nhận diện di sản, đồng thời đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với các hoạt động thực hành, củng cố, duy trì di sản.
Bên cạnh đó cần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ thấy được cái hay, cái đẹp của di sản để tiếp tục kế thừa và bảo vệ. Đặc biệt phải tiến hành chuyển giao, truyền dạy các tri thức, hiểu biết, kỹ năng thực hành di sản, trong đó có sản xuất và sử dụng các nhạc cụ, trang phục, phong tục, tập quán liên quan đến di sản…
Bà đánh giá như nào về tiềm năng của di sản Nghệ thuật Xòe Thái trong việc phát triển du lịch văn hóa ở vùng Tây Bắc?
- Việc phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn với du lịch là một chủ trương đúng nhằm khai thác nguồn tài nguyên nhân văn của văn hóa. Xòe Thái có thể trở thành một sản phẩm văn hóa mang đặc sắc Tây Bắc và phát triển du lịch có thể là một phương thức tốt để bảo tồn và phát huy nghệ thuật Xòe Thái.
Tuy nhiên, rất cần cẩn trọng trong quá trình đó, tránh tình trạng thương mại hóa, sân khấu hóa, “hoành tráng hóa di sản” không đúng với bản chất, chức năng và vai trò vốn có của di sản.
Trân trọng cảm ơn bà!