Vừa qua, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào người Thái mà là niềm vui, tự hào bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đang được bảo tồn và phát triển.
Khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam
Để được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Nghệ thuật Xòe Thái đã trải qua một cuộc hành trình dài, bền bỉ với sự nhiệt tình của các cấp lãnh đạo, các nhà văn hóa và cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được ghi danh.
Thứ nhất, di sản Xòe Thái đi kèm cùng với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Cộng đồng người Thái cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc tổ chức thực hành Xòe. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể là nhạc công trong các cuộc Xòe. Xòe được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng tới tất cả mọi người với mọi lứa tuổi và giới tính khác nhau. Xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết đến Xuân về, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người.
Bên cạnh đó, ghi nhận các biện pháp bảo vệ được cộng đồng người Thái tiến hành một cách sâu rộng tại 4 tỉnh (Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), nỗ lực của họ trong việc thành lập các đội văn nghệ và đóng góp cho công tác nghiên cứu và xuất bản sách về di sản. Các nghệ nhân truyền đạt tri thức về Xòe cho người học và nỗ lực khôi phục một số điệu Xòe.
Hồ sơ đề cử thể hiện sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong nghiên cứu, tư liệu hóa và kiểm kê vào năm 2017-2018 và sau đó sửa lại hồ sơ vào năm 2019, có sự tham gia của cộng đồng trong việc chỉnh sửa. Bản cam kết đồng thuận của cộng đồng được triển khai rộng rãi, phản ánh sự tham gia đông đảo của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân liên quan…
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam thể hiện tình đoàn kết giữa các tộc người, tôn trọng thế giới quan tộc người theo mục tiêu của UNESCO; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản các cộng đồng dân tộc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Niềm tự hào dân tộc
Chia sẻ sau khi Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh, ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Sự kiện quan trọng này đã thêm một lần nữa khăng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung và loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng; là niềm vinh dự, tự hào của cả nước nói chung, của nhân dân các dân tộc 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.
Ông Duy thông tin thêm: Từ những năm 1990 đến nay, chính quyền các cấp và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, điển hình như: Thành lập, duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái ở cộng đồng (4 tỉnh có khoảng 3.300 đội); phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian và thành viên cộng đồng am hiểu Xòe Thái để trao truyền, thực hành, xuất bản các tài liệu, trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về nghệ thuật Xòe Thái; truyền dạy thông qua giáo dục chính quy và không chính quy, xây dựng các dự án, chương trình, tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương...
Theo ông Duy, sự kiện UNESCO ghi danh nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là luôn tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của các di sản văn hóa dân gian các dân tộc vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cả nước.
Hay tin Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh, Nghệ nhân Lò Văn Biến - bản Cang Nà, Thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái), người có nhiều năm tâm huyết với công cuộc nghiên cứu, bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy Xòe Thái vui mừng: “Xúc động lắm, tự hào lắm và thấy khỏe hẳn ra. Năm nay tôi trên 80 tuổi rồi, tôi tưởng mình không chờ được đến khi Xòe được vinh danh, nhưng rất may là tôi đã chờ được”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của mình, đoàn kết đồng lòng bảo vệ và phát huy di sản Nghệ thuật Xòe Thái. Cá nhân tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, truyền dạy để nghệ thuật xòe Thái mãi mãi lan tỏa, trường tồn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” - Nghệ nhân Lò Văn Biến nói.
Xòe là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống, và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội bản mường truyền thống và các hoạt động của cộng đồng. Có ba loại Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.