Gạo Việt có nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa” do nhiều lô hàng gạo của nước ta xuất khẩu sang quốc gia này có chứa dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép. Đây là thông tin mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo. Thực tế này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông về vấn đề an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Gạo Việt có nguy cơ bị Mỹ cấm cửa do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao.
Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), sở dĩ Mỹ đang có động thái sẽ không nhập khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới là bởi, thời gian qua nhiều lô hàng gạo của nước ta xuất khẩu sang Mỹ bị trả về vì một số dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép của nước này.
Do đó nếu không cảnh báo, hạn chế việc xuất khẩu thì nguy cơ Mỹ sẽ đóng cửa thị trường với gạo Việt Nam là rất lớn. Theo ông Đô, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Mỹ rất ngặt nghèo so với các thị trường nhập khẩu khác.
Còn theo thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo bị trả về.
Đây không phải là lần đầu, các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị đối tác “quay lưng” do không đạt được những quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Từ lâu, vấn đề xuất khẩu gạo của Việt Nam đã bị cảnh báo về thực trạng chạy theo sản lượng, bỏ qua chất lượng, dẫn đến gạo Việt Nam thường đạt được sản lượng xuất khẩu lớn, song giá trị không cao. Các thị trường biết đến gạo Việt không phải là gạo phẩm cấp cao mà chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp.
Chính bởi vậy, đến tận bây giờ, Việt Nam vẫn đang loay hoay trước bài toán: “Nâng tầm cho hạt gạo xuất khẩu”. GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, sở dĩ, hạt gạo của chúng ta mãi đi sau các cường quốc xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, và bây giờ là cả Campuchia, là bởi, các nước này họ chú trọng vào chất lượng, chứ không phải chú trọng chạy theo sản lượng như ở ta.
Vì chạy theo sản lượng, chúng ta có thực trạng, thương lái thu mua “tứ xứ” không quan tâm chất lượng ra sao, gạo phẩm cấp thấp và gạo thơm cũng trộn lẫn vào nhau để xuất khẩu… thực trạng này, chỉ có một số thị trường dễ tính như châu Phi họ nhập, còn các thị trường khó tính, khắt khe như như Mỹ, Nhật đương nhiên không chấp nhận.
Nói về câu chuyện xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn-Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, chúng ta có gần 10 triệu nông hộ tham gia sản xuất lúa gạo nhưng mỗi hộ sản xuất một kiểu, kể cả DN cũng kinh doanh kiểu tự phát, không có sự kết nối. Dẫn đến gạo xuất đi chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp.
Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam nhập đến hàng ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu… Đó là lý do vì sao khi vào các thị trường khó tính như Mỹ, gạo Việt nói riêng, các nông sản Việt Nam hay bị trả về.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vẫn còn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, không chú trọng vào chất lượng, thì câu chuyện xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cho hạt gạo Việt Nam vẫn còn rất xa vời.
Dù không còn sớm, song cũng chưa phải quá muộn, các DN, nhà sản xuất cần phải định hình lại hướng đi cho lúa gạo xuất khẩu, cần phải chuyển từ thị trường cấp thấp sang dần các thị trường cấp cao, đặc biệt là trong bối cảnh các đối thủ xuất khẩu hiện nay đang bám rất sát và cạnh tranh khốc liệt về mặt thị trường.