Nhà tôi ở nông thôn, hồi trước, ngay ngoài đầu ngõ có một cái ao rất lớn, ngăn cách làng tôi và hai ngôi làng bên cạnh. Chúng tôi, những đứa trẻ con nhìn nhau qua mặt nước rộng có cảm giác xa lạ và lúc nào cũng cho rằng khoảng cách ấy là xa xôi ghê lắm. Lũy tre trong mắt chúng tôi chừng như sinh ra để làm ranh giới phân biệt mỗi ngôi làng.
Có những buổi chiều, gió đưa mùi cá kho thơm nức từ bên kia lũy tre sang tận xóm nhỏ nhà tôi khiến cả bọn đang chơi vui phải chạy về nhà sớm đòi ăn cơm do cái bụng réo sôi lên sùng sục. Lại có buổi chiều tiếng hò reo đánh trận vọng qua mặt ao từ phía tay phải khiến chúng tôi đứng trên bờ bên này hóng sang mỏi cổ, ước ao có con đường nhỏ để đi vòng qua đấy xem chơi.
Rồi tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh vọng ra từ ngôi đền làng bên nằm giữa ao luôn gợi trong lòng tôi những cảm giác thật đặc biệt mỗi lúc chiều buông.
Mặt ao mênh mông rộng đến nỗi tôi luôn nghĩ, phía bên kia lũy tre là một nơi xa lạ, những ngôi nhà xa lạ, lũ trẻ con xa lạ, tiếng nói cũng xa lạ nốt bởi cách phát âm cũng khác hẳn giọng nói người làng tôi phía bên này. Thật buồn cười, cách phát âm khác nhau thật rõ, chỉ mới nghe thoáng vài từ là đã biết người làng nào cho dù chúng tôi chỉ sống cách nhau có một mặt ao. Chuyện ấy hình như do mỗi làng “ăn” nước giếng khác nhau nên giọng nói cũng khác. Đấy là tôi nghe người lớn nói thế.
Bọn trẻ con chúng tôi cùng chơi xung quanh bờ ao nhưng vì không phải cùng làng nên hay hằm hè chọc tức bằng cách trề môi “nhại” giọng nói làng nhau. Người ta bảo “chửi cha không bằng pha tiếng” kể cũng đúng, chỉ nhại tiếng thôi mà đứa nào cũng tức, nếu không cách mặt ao rộng chắc chúng tôi đã xông vào đánh nhau rồi cũng nên. Mỗi lần xảy ra “mâu thuẫn” chúng tôi thường chọi những hòn sỏi sang tận bờ bên kia khiêu chiến, và bọn bên kia cũng chẳng chịu kém cạnh. Chúng dùng cả súng cao su bắn sang khiến các ông bố của các phe phái phải bơi thuyền qua bờ bên kia dẹp thì việc mới chịu lắng xuống.
Tôi nhớ mỗi buổi chiều, những cánh cò chở nắng sáng lấp loáng chao lượn trên không trung đầy gió trước khi đáp xuống và lẫn trong màu lá tre xanh biếc. Ban ngày chúng lặn lội đi kiếm ăn chắc tận mãi ngoài đồng, chiều đến lại bay về đậu đầy trên ngọn tre để ngủ. Ngày ấy, cò vạc rất nhiều, có những con cò trắng tinh nhưng cũng có những con cò bợ lông màu sẫm hơn một chút, cứ chiều đến là bay về cãi nhau ỏm tỏi trên ngọn tre.
Có hôm trời nổi gió bão, lũ cò tao tác hoảng loạn bay lên khi cành tre bị gió xô nghiêng ngả, lại có lần mưa bão làm rơi cả những cái tổ bên trong có cò non hoặc vài quả trứng bé tí xuống gốc tre. Tôi nghe câu hát “cái cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về” mà trong lòng thương vô cùng cánh cò mong manh chao trong gió bão.
Thỉnh thoảng cũng có những con vạc bay về. Khi bọn cò về ngủ thì bọn vạc mới bắt đầu bay đi kiếm ăn, trong ký ức của tôi những con vạc lông xám luôn lười nhác, không chăm học, ngủ suốt ngày, mãi đêm tối mới thức dậy kiếm ăn. Tôi cũng chẳng hề hay biết rằng đấy là tập tính của mỗi loài mà cứ mặc định là con cò chịu thương chịu khó vất vả sớm hôm.
Tiếng vạc kêu nửa đêm về sáng đã trở nên quen thuộc với tôi ngày ấy, nhất là khi mùa đông đến, tiếng vạc đêm báo cho tôi biết gió lạnh sắp sang, bầy chim đã bay về phương Nam tránh rét. Người làng tôi bảo “đất lành chim đậu”, cò vạc về làm tổ nhiều trên lũy tre tức là làng nước bình yên thịnh vượng. Chẳng có ai giăng bẫy bắt bao giờ, để mùa xuân sang bọn chúng còn quay trở lại.
Dưới gốc tre, nơi sát mép nước, chỗ có đám bèo tây hoa tím đang trổ hoa, vài con cuốc mình đen chân hồng hay dạo bộ trên đó. Đôi lần có cả những con cuốc non bé tí chập chững tập đi, tôi đoán chỗ ấy thể nào cũng có hẳn một “gia đình” cuốc đông vui.
Chúng thoắt ẩn thoắt hiện giữa lùm hoa tím. Sống giữa gia đình, chẳng hiểu những con chim nhỏ ấy có nỗi niềm gì mà luôn cất lên tiếng kêu buồn bã. Tiếng “cuốc cuốc” khắc khoải của nó vẫn đang văng vẳng đâu đây, ngay lúc này khi tôi đang ngồi gõ những dòng chữ nhỏ bé trên bàn phím. Nó khiến tôi có cảm giác mình đang đứng giữa không gian buổi chiều hôm chạng vạng năm nào.
Đã có nhiều lần tôi mơ ước, mình sẽ trở thành một người làm phim để có thể ghi lại những hình ảnh sống động nơi làng quê hồi ấy. Tôi từng nghĩ nếu có máy quay, tôi sẽ ghi lại những cánh cò cánh vạc chao trên không trung những buổi chiều hôm như thế. Cả những sớm mai không gian làng quê tĩnh lặng đến độ có thể nghe rất rõ tiếng gió reo rì rào trên tán lá và tiếng chim vang vọng từ trên cao trước khi rớt xuống mặt ao biến thành những gợn nước lan mãi đi xa.
Còn có cả mặt ao lóng lánh trưa hè với những gợn sóng lấp lóa như một tấm gương lớn cùng trò chơi lia mảnh sành bay trên mặt nước. Những khuôn mặt cháy nắng hân hoan vì mảnh vỡ kia bay lên rồi rớt xuống trên mặt nước rất nhiều lần rồi mới chìm xuống như có một phép lạ.
Chắc chắn rồi, tôi còn phải ghi lại cảnh những con cuốc mình đen chân hồng thấp thoáng trong đám bèo tây hoa tím và tiếng nó khắc khoải kêu khan mỗi buổi chiều hôm đang xuống. Trong đoạn phim ấy, sẽ có dáng hình của một đứa trẻ con mãi không bao giờ lớn, nó mang ánh mắt tiếc nuối mỗi khi chiếc bong bóng xà phòng rất nhiều màu sắc tan đi trong gió.
Tất nhiên tôi cũng sẽ ghi lại những mặt ao, từ khi làn nước còn trong vắt rộng mênh mông làm tấm gương khổng lồ cho hàng tre soi chải tóc cho đến khi chỉ còn lại một vuông nước bé tí bị nhà cao tầng bao quanh.
Trong phim còn có hình ảnh đặc biệt, đấy là một lần sau trận mưa to, chiếc cống dẫn nước thải từ khu nhà đông đúc bờ bên kia đổ vào ao tạo thành một đám bọt trắng xóa đầy lên gần hết mặt nước mãi không chịu tan đi.
Chẳng biết đấy có phải là do lượng xà phòng dư thừa trong nước thải sinh hoạt hay không mà lũ cá trong ao hôm sau chết nổi trắng mặt nước. Nếu muốn ghi lại tất cả những hình ảnh ấy, chắc tôi phải ghi chúng trong suốt một thời gian dài.
Trải qua những mưa nắng, những xuân hạ thu đông, mùa nối mùa… đi rồi đến, lũ trẻ con sống bên bờ ao xanh biếc ngày nào đã lớn, nhiều đứa đầu đã muối tiêu. Bờ tre và mặt ao kia cứ dần dần thu nhỏ lại rồi biến mất hẳn từ lúc nào chúng tôi cũng chẳng rõ. Những ngôi nhà tầng mọc lên cao hơn cả ngọn tre ngày ấy, những xóm mới hình thành ngay tại chỗ sâu nhất của cái ao xưa.
Chúng tôi, những đứa trẻ ngày nào đứng bên này gào vọng sang bờ bên kia thách thức, chế nhạo, nhại tiếng làng nhau bây giờ cũng đã trở thành bạn bè, người quen.
Mấy ngày trước, trong một buổi chiều xế nắng, tôi ngồi dưới mảnh sân nhỏ nhà mình, nhìn lên bầu trời đầy mây mùa hạ, chợt nhận ra vẫn khung trời ấy với những cụm mây giống hệt năm nào, có vẻ như tất cả vẫn đang ở nguyên chỗ cũ. Có khác chăng chỗ năm xưa những ngọn tre nhô lên và uốn cong la đà trong gió nay đã không còn nữa.
Cả tiếng võng bờ tre kẽo kẹt bên mặt ao gợn sóng cùng tiếng cuốc kêu khan khắc khoải ban chiều đã đi về đâu đó, thật xa. Đáng buồn ở chỗ, tôi vẫn chưa trở thành một nhà làm phim để ghi lại cho mình những hình ảnh ấy, để giờ này nó chỉ còn lại trong ký ức xa xăm. Tiếng con vạc đêm cô đơn trong những đêm xưa cũ, lâu quá rồi tôi không còn gặp lại.
Tôi từng nghĩ nếu có máy quay, tôi sẽ ghi lại những cánh cò cánh vạc chao trên không trung những buổi chiều hôm như thế. Cả những sớm mai không gian làng quê tĩnh lặng đến độ có thể nghe rất rõ tiếng gió reo rì rào trên tán lá và tiếng chim vang vọng từ trên cao trước khi rớt xuống mặt ao biến thành những gợn nước lan mãi đi xa.