“Anh ở trong này chưa thấy mùa đông/ Nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ/ Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ/ Thật diệu kỳ là mùa đông phường Nam”. Tôi đọc xong khổ thơ đó thì quay sang hỏi: “Bác khai thật đi. Lúc viết bài thơ này bác đang nhớ tới cô nào ngoài Bắc?”. Nhà thơ Bùi Văn Dung hơi giật mình, chắc không phải vì ông nghĩ tôi đã biết rõ chuyện của mình mà là vì câu hỏi của tôi làm ông chợt nhớ? Lát sau ông nhà thơ mới rủ rỉ: “Tôi xa nhà từ bé”...
Đúng là nhà thơ Bùi Văn Dung xa nhà từ bé thật. Số là vào tuổi đi học phổ thông thì cậu bé có cái tên nghe như tên con gái, Dung, từ biệt thôn nghèo ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, từ biệt người thân để sang Tiệp Khắc học cấp 3. Chẳng là dạo có chính sách chuẩn bị lớp trí thức trẻ cho xây dựng đất nước sau này, đã lựa chọn những học sinh là con em cán bộ đưa sang học ở các nước Đông Âu như CHDC Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô… Vậy là cậu bé Bùi Văn Dung có người cha là Đảng viên từ đầu những năm 40 được tuyển chọn. Bùi Văn Dung xa nhà từ đó.
Rồi nhà thơ Bùi Văn Dung lấy cho tôi xem mấy bức ảnh đen trăng mà ông vẫn còn lưu giữ được. Đó là những bức ảnh cậu học sinh Bùi Văn Dung tuy có vận áo vét tây hay khoác măng tô đen ấm áp thì vẫn là “anh chàng Dung” nhỏ bé đứng lọt thỏm giữa đám bạn bè tây có ta có. Tôi đùa: “Bác đến giờ vẫn thế, chẳng lẫn vào đâu được, nhưng được cái ảnh nào cũng thấy bác tươi vui”. Nhà thơ Bùi Văn Dung tủm tỉm: “Tính tôi thế mà. Cứ vui và cứ… yêu thôi”. Tôi được thể: “Là bác vừa nói đấy nhé. Bác mạnh dạn khai đi. Cô mà bác “gửi nắng cho em” là cô nào?”.
Không trả lời tôi, ông nhà thơ vẻ người chân chất ngồi im lặng, dường như trong ông đang bộn bề với dòng suy tưởng của hồi ức. Học chưa xong phổ thông ở Tiệp Khắc thì cậu trai Bùi Văn Dung phải trở về nước do phía bạn có những biến động chính trị xã hội. Bùi Văn Dung vào học tiếp ở Trường Thiếu sinh quân một thời gian ngắn và cũng như thế hệ thanh niên những năm sục sôi khí thế chống Mỹ cứu nước ấy, anh nhập ngũ năm 1962. Anh bộ đội trẻ Bùi Văn Dung được xếp vào “loại” có văn hóa, lại cộng với tính tình vui vẻ, chan hòa và có chút năng khiếu văn thơ nên thường được cấp trên gợi ý viết báo tường góp vui văn nghệ với đơn vị.
Và thế là những “câu thơ lính” ra đời, góp vào những tờ báo tường đại đội. Nhất là khi anh bộ đội trẻ có thơ được đăng trên báo Tiền phong năm 1965, bài thơ “đầu đời” ấy có câu: “Khi yêu em anh bắt đầu suy nghĩ/ Về tình yêu chung thủy của chúng ta/ Nhưng khi uống ngụm nước quê trong trẻo/ Ngẩng cao đầu mải ngắm trời xanh”.
Sau thời gian huấn luyện ở ngoài Bắc thì Chính trị viên Đại đội Bùi Văn Dung cùng đơn vị hành quân vượt Trường Sơn. Anh cán bộ chính trị trẻ chỉ kịp chào cô gái làng tên là Kim Thị Hiền - người vợ mới cưới, rồi khoác ba lô lên đi một mạch.
Sau 8 năm “xa nhà đi chiến đấu” cho đến tháng 4/1975 thì Bùi Văn Dung đã có mặt ở Sài Gòn. Ấy vậy mà anh cán bộ chính trị mang quân hàm Thượng uý vẫn chưa có dịp về “thăm vợ”. Thành ra nỗi nhớ vốn đã một nay nhân lên thành mười, nhất là khi: “Nghe đài báo rét kéo dài ngoài ấy/ Mùa đã xong con chiêm xuân cầy cấy/ Bà con mình sẽ xoay sở ra sao?”.
“Đó là cuối năm 1975 ông ạ”- nhà thơ Bùi Văn Dung nói nhỏ - “Tháng 12 năm đó nghe nói ngoài Bắc rét kinh khủng”. Tôi gật đầu và nói góp: “Tháng 12/1975 em vào chiếu phim phục vụ bộ đội ta đang đóng quân ở rừng Mai Sưu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang hiện nay). Rét kinh khủng bác ạ. Bọn em cả ngày chỉ quanh quẩn hay đúng hơn là cả ngày ngồi bên đống lửa sưởi ấm. Ngồi bên đống lửa nhiều đến nỗi vuốt bàn tay vào ống quần thì ống quần vụn rách ấy vậy mà phía sau lưng vẫn lạnh buốt giá”.
Nhà thơ Bùi Văn Dung cũng gật đầu: “Nghe nói rét thế nên tôi cứ nghĩ vẩn nghĩ vơ mà chẳng tài nào giúp gì được. Nghĩ mãi mà thành ra bài thơ “Gửi nắng cho em” đấy ông ạ”.
Tôi bảo: “Phải là người thấu hiểu việc đồng áng, phải là người thấu hiểu người mẹ, người vợ nơi quê nhà biết bao mới viết được những câu thơ: “Anh hiểu sức vươn của những cành đào/ Qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày Tết/ Như cây thông vững vàng trong giá rét/ Em hãy làm cây thông xanh nghe em”. Tài hoa và giỏi “nịnh” lắm bác ạ”. Nhà thơ Bùi Văn Dung lại tủm tỉm cười.
Bài thơ “Gửi nắng cho em” được viết xong và đọc cho anh em trong đơn vị nghe, ai cũng thích. Được khích lệ nên anh cán bộ Bùi Văn Dung bèn đọc qua điện thoại cho nhà báo Cung Văn nghe. Nhà báo Cung Văn nghe và chép xong bài thơ liền nói “chắc như cua gạch”: “Số báo Sài Gòn giải phóng ra sáng mai sẽ đăng bài thơ này”. Và đúng như thế, sáng hôm sau cái tên Bùi Văn Dung “bất ngờ” được mọi người hỏi dò nhau, bài thơ hay đến ngỡ ngàng.
“Tôi hay chính xác là thơ của tôi hình như rất có duyên với âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đấy bài thơ “Gửi nắng cho em” vừa đăng báo xong thì đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc”. Nói rồi nhà thơ Bùi Văn Dung lại cười: “May là có nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc chứ cứ để bài thơ là thơ không thôi chắc gì mấy ai nhớ”.
Chao ơi, ông nhà thơ này đúng là vẫn “nhà quê chân chất” thật. Bài thơ hay người đời sẽ nhớ: “Thương cái rét của thợ cày thợ cấy/ Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy/ Có tình thương tha thiết của trong này/ Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay”.
Đúng là thơ của nhà thơ Bùi Văn Dung rất có duyên với âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Rồi như đến những năm 1976, 1978 nở rộ phong trào làm thủy lợi, đắp đập be bờ tạo nên những cánh đồng lúa mới ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhà thơ Bùi Văn Dung cùng đơn vị của mình về miền Tây làm thủy lợi.
Ở đó ông đã chứng kiến những hình ảnh lao động say sưa, vượt nắng, thắng mưa, chẳng ngại khó khăn vất vả của những anh những chị ngày đêm trên công trường. Và bài thơ “Con kênh ta đào” đã ra đời từ chính thực tế đời sống: “Giọt mồ hôi tròn lăn trên đất long lanh/ Tóc em bùi gió vương xoà trên má/ Trời quê hương rất quen và rất lạ/ Cứ xanh trong thăm thẳm ở trên đầu”.
Bài thơ cũng nhanh chóng được đăng trên báo, và một lần nữa “lọt mắt xanh” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát cùng tên ra đời và ngay những ngày đầu đã được hai ca sĩ Lê Dung và Kiều Hưng hát. Tôi lẩm nhẩm ngân nga: “Con kênh ta đào có em mà có anh/ Đông vui quá có rất nhiều đồng đội/ Ngày mai đây vào mùa gặt mới/ Em soi khuôn mặt hồng xuống dòng kênh xanh”.
Người đàn ông tuổi Tân Tỵ (1941) này quả tình có duyên với âm nhạc thật và cũng “rất có duyên” với các em. Quả là diễm phúc cho “những em” được nhà thơ Bùi Văn Dung “gửi nắng” và gửi niềm thương nhớ.
Tôi lại đùa: “Bác là chúa đa tình. Mà đa tình để có thơ hay thì ai chẳng muốn”. Nhà thơ Bùi Văn Dung chợt trầm ngâm: “Tôi còn có một bài thơ nữa được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc. Lính ta nghe hát cũng thích lắm nhưng chỉ tội sau đó bài hát ấy không được phổ biến”. Tôi hơi chững lại, thì ra đó là bài thơ được ông viết theo dạng 5 chữ, thoạt đầu nghĩ giống bài thơ “Đợi anh về” của Ximônốp, với những câu như: “Đừng yêu anh làm gì/ Chiến tranh dài lắm đấy/ Chờ anh nhiều như vậy/ Mùa xuân nào chịu yên”.
Nhà thơ Bùi Văn Dung cho biết, sau những năm tháng chiến đấu giải phóng miền Nam, thắng lợi xong ông lại cùng đơn vị qua Cămpuchia giúp bạn, rồi lại từ nước bạn ông cùng đơn vị “bay” ra phía Bắc chặn quân xâm lược biên giới nước ta.
Những câu thơ: “Anh sẽ còn phải đi/ Đến chân trời bão nổi/ Bảo vệ cuộc đời mới/ Của Tổ quốc yêu thương” ra đời chân thật như vậy nhưng có ý kiến cho rằng “không hợp” và thế là thơ và nhạc (cho dù là nhạc của Phạm Tuyên) vẫn chưa được phổ biến.
Tôi an ủi: “Dù thế nào đi chăng nữa. Thơ cứ hay. Cứ được độc giả yêu thích là sướng rồi bác ạ”.