Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã triển khai dự án trồng mới 26ha dừa nước, từ khu vực Gò Hí đến Cồn Sóng (thuộc 2 thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Tây, xã Cẩm Thanh, TP Hội An). Mục đích là tạo cảnh quan thiên nhiên cho thành phố di sản và cũng là cách ứng phó với biến đổi khí hậu mà biển Cửa Đại của Hội An là nơi đang chịu tác động rõ rệt. Việc Quảng Nam trồng dừa nước với việc Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên tuy khác xa nhau về cấp độ, nhưng lại có một điểm chung: Đó là phải biết tôn
Dừa nước bên sông Thu.
Khu vực sinh sống của dừa nước xã Cẩm Thanh (Hội An) trước đây có diện tích khoảng 80ha (cả dừa trên cạn lẫn dừa nước), là một hàng rào thiên nhiên có khả năng chắn sóng, bảo vệ hệ sinh thái bên trong.
Dừa nước cũng kiêm luôn nhiệm vụ của một hệ thống lọc nước, chống nhiễm mặn và các tác động khi nước biển dâng. Khu vực trồng mới tuy chỉ 26ha, mật độ trung bình 4.400 cây/ha, nhưng đáng quý là dự án có sự chung tay của cộng đồng, các hộ dân trực tiếp ươm giống và trồng dừa.
Xưa kia, nơi đây xanh mát bóng cây. Xã Cẩm Thanh là nơi hội thủy của 3 dòng sông: Thu Bồn, Trường Giang và Đế Võng. Hơn 30 năm trước, nơi đây dừa nước trải rộng. Nhưng rồi theo thời gian, rừng dừa nước Cẩm Thanh cứ bị thu hẹp dần, có thời điểm chỉ còn hơn 50ha (năm 2000).
Lệ thường, chỉ khai thác 2 đợt/năm/cây, nhưng người ta đã khai thác đến 3 đợt, không giữ lại cây mẹ nuôi cây con, khiến cây suy kiệt. Chiếc “máy lọc sinh học” vì thế cũng hết dần tác dụng. Và cũng vì thế mà nhiều loài động vật dưới nước lẫn trên cạn, các loài thủy sinh vùng ven biển, cửa sông cũng mất mát dần.
Hơn ai hết, người dân ở đây biết khi rừng dừa nước mất đi thì sinh kế của họ cũng trở nên khó khăn, khí hậu biến động. Nhưng, cũng vì miếng cơm manh áo, cũng là vì chưa kịp nghĩ xa nên mới ra nông nỗi. Nay, với quyết tâm cao, Chính quyền phát động, cộng đồng chung tay, cây dừa nước có cơ phục hồi.
Cũng phải nói thêm rằng, so với nhiều nơi thì người Hội An có ý thức rõ hơn về việc bảo vệ môi trường. Thử hình dung rằng, đô thị cổ Hội An nếu không nằm ở vùng đất ấy, không được những người dân xứ Quảng chăm nom thì sẽ ra sao? Thật không dám tưởng tượng cái viễn cảnh “xôi đỗ” về kiến trúc giữa những ngôi nhà cổ với những kiến trúc bê tông lừng lững như vẫn thấy ở rất nhiều nơi.
Và, cũng thật đáng ngạc nhiên là ở đây các hộ gia đình, nhóm hộ gia đình liền kề và các cơ sở lưu trú Homestay trên địa bàn Hội An khi họ tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp hàng rào xanh quê tôi 2016” do UBND thành phố phát động. Theo đó, các hộ sẽ chỉnh trang, cải tạo hoặc làm mới hàng rào hiện có bằng cây xanh, các vật liệu thân thiện với môi trường. Còn hàng rào xây kiên cố sẽ được bao phủ bởi cây xanh.
Từ Hội An, nhìn lên Tây Nguyên, cùng về một việc là màu xanh cho cuộc sống. Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đóng của rừng Tây Nguyên đã đem lại hy vọng về môi trường bền vững cho “nóc nhà Đông Dương”. Thủ tướng nhấn mạnh, việc bảo vệ rừng Tây Nguyên là đặc biệt quan trọng và cấp thiết.
Thời gian qua, Tây Nguyên đã mất 41% diện tích rừng. Nạn phá rừng lấy đất làm nhà ở, đất canh tác, làm thủy điện, triệt hạ gỗ rừng… đã khiến nhiều khu rừng biến mất. Không giữ được rừng cũng có nghĩa là không còn Tây Nguyên. Những trận lũ hung dữ bất thần xuất hiện ngày một nhiều. Nạn hạn hán vừa qua đã trở nên khủng khiếp, nặng nề nhất trong vòng 100 năm.
Chính vì thế, việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác được nhiều người cho là một liệu pháp mạnh để Tây Nguyên xanh lại.
Đây là một công việc vô cùng khó khăn. Nếu ở Hội An, người ta trồng lại cây dừa nước thì lâu cũng chừng đôi ba năm là tái tạo được một vạt rừng. Còn thì với Tây Nguyên, một vạt rừng với những cây gỗ quý phải đợi cả trăm năm mới hình thành.
Vẫn biết lâu dài và khó nhọc, nhưng nếu không làm từ bây giờ thì sẽ không bao giờ làm được vì người ta tiếp tục phá rừng, đất nước sẽ vĩnh viễn không còn một Tây Nguyên hùng vĩ. Núi còn đó nhưng rừng thì biến mất.
Tháng ba, con ong không biết đi lấy mật ở đâu, con nai cũng không còn xuống sông uống nước. Diện tích rừng thu hẹp, buộc những đàn voi phải di dời đi nơi khác và trước sự đe dọa không gian sinh tồn, chúng bỗng trở nên hung dữ, tấn công lại con người.
Khi thiên nhiên không được tôn trọng, quy luật tự nhiên bị phá vỡ, bị hủy hoại thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn. Biết là vậy, nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều khi người ta đã cố tình quên điều đó. Có lẽ vì thế mà tai họa đến từ trên trời, dưới biển ngày một nhiều lên, nặng nề hơn. Từ một cây dừa nước mỏng manh cho đến một cây cổ thụ trăm năm tuổi, đều đáng quý, đều phải được bảo vệ.
Bảo vệ rừng Tây Nguyên là công việc đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Tới nay, Tây Nguyên đã mất 41% diện tích rừng. Nạn phá rừng lấy đất làm nhà ở, đất canh tác, làm thủy điện, triệt hạ gỗ rừng… đã khiến nhiều khu rừng biến mất. Không giữ được rừng cũng có nghĩa là không còn Tây Nguyên. |