Ngày 5-6 trao đổi với ĐĐK, ông Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Bản thân người gây ra oan sai phải chịu trách nhiệm, không thể làm oan sai rồi lại dùng ngân sách cơ quan tổ chức đền bù thay. Họ cũng phải bỏ ra một phần tiền nhất định. Đó cũng là cách để hạn chế oan sai.
PV: Ông nhận định thế nào về kết quả giám sát tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật?
Ông Lê Như Tiến: Cái cần quan tâm, giá trị nhất của báo cáo oan sai và bồi thường sau oan sai là thấy được bản chất của vấn đề. Không nên nói số lượng ít so với tổng thể khởi tố các vụ án. Tôi cho rằng tuy số lượng ít nhưng rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống, thân phận, số phận của con người. Từ đúng chuyển thành sai, từ bình thường trở thành đi tù. Bác Hồ đã nói “một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”. Vậy mà có trường hợp oan đi tù hàng chục năm trời, phải rơi vào hoàn cảnh như họ ta mới hiểu được. Cho nên tôi không đồng tình với ý kiến số lượng ít, là không đáng kể. Số lượng như thế đã là báo động lớn trong đời sống xã hội, làm mất lòng tin của người dân, làm ảnh hưởng tới lòng tin của dân với cơ quan bảo vệ pháp luật. Chỉ mình vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang đã làm chấn động cả nước rồi.
Vì vậy, chúng ta phải phân tích đi sâu vào bản chất của vấn đề, nó nghiêm trọng và cũng là tiếng chuông cảnh báo cho các cơ quan bảo vệ pháp luật làm sao truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật công tâm công bằng có lý có tình, khách quan trung thực thì mới giảm được oan sai. Nếu như điều tra mà dùng nhục hình bức cung thì sẽ quay 180 độ, phải thành trái, trái thành phải. Rõ ràng hiện tượng oan sai vẫn còn mảnh đất phát triển. Nếu ta làm nghiêm minh, minh bạch khi điều tra có luật sư tham gia từ đầu, phòng hỏi cung có ghi âm ghi hình, nhiều nước phòng hỏi cung còn bằng kính để thể hiện sự minh bạch trong quá trình tố tụng thì sẽ giảm dần oan sai và không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân. Chúng ta thấy rồi, không chỉ bồi thường về mặt vật chất mà thiệt hại về mặt tâm thần, tâm lý nặng nề vô cùng. Đó là cái chúng ta cần quan tâm. Khi khẳng định họ oan sai rồi thì phải minh oan cho họ và bồi thường, trả lại công bằng công lý cho họ. Không chỉ là cá nhân mà còn gia đình, dòng họ, dòng tộc bởi sự ảnh hưởng là cực kỳ lớn.
Dù xác định là oan sai nhưng việc bồi thường rất chậm, làm giảm lòng tin của người dân, thưa ông?
- Sau khi xác định oan sai thì các cơ quan tiến hành tố tụng làm sai phải bồi thường kịp thời để cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng công khai, minh bạch. Khi thấy sai thì sửa là chuyện bình thường. Khi sửa sai sớm còn tăng thêm uy tín cho người làm tố tụng. Và phải có quy định cụ thể. Sau giám sát này tôi tin sẽ có chuyển biến.
Ông có cho rằng người gây ra oan sai phải bỏ một phần tiền ra để bồi thường thay vì nhà nước phải bỏ ra toàn bộ để bồi thường, bởi không thể dùng ngân sách, tức là tiền đóng thuế của dân để bồi thường cho việc làm sai trái?
- Tôi cũng đồng tình với quan điểm ấy bởi bản thân người gây ra oan sai phải chịu trách nhiệm. Chứ không phải làm oan sai rồi lại dùng ngân sách cơ quan tổ chức đền bù thay cho anh ta. Họ cũng phải bỏ ra một phần tiền nhất định. Và đó cũng là cách để hạn chế oan sai.
Ông có đồng tình với hình thức xử lý đối với các cán bộ gây ra oan sai trong thời gian qua?
- Vừa rồi các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý trực tiếp người gây ra oan sai, nhưng tôi mong xử lý nghiêm khắc hơn nữa. Kể cả việc cá nhân phải bỏ tiền ra để bồi thường cho việc gây ra oan sai của mình, chứ không thể để cho nhà nước phải bỏ tiền. Có như vậy trách nhiệm sẽ được nâng lên cao, và oan sai sẽ giảm đi.
Trân trọng cảm ơn ông!