Tinh hoa Việt

Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra thương hiệu

PHẠM NGỌC HÀ (thực hiện) 15/01/2024 19:54

Việt Nam là một trong 25 quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và hiện đang có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Tuy nhiên trong đời sống hiện nay, sự ghi danh đó đã có những tác động không nhỏ đến các di sản văn hóa phi vật thể theo nhiều chiều hướng.

GS.TS Nguyễn Thị Hiền - Tổ trưởng Tổ Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành (ĐHQG Hà Nội), cho rằng việc ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, không nhằm đem lại lợi ích vật chất, mà quan trọng hàng đầu là hướng tới việc bảo vệ di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai.

PV: Thưa bà, trên thực tế, việc bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh đang diễn ra như thế nào?

anh-1.-gs.ts-nguyen-thi-hien(1).png
GS.TS Nguyễn Thị Hiền.

GS.TS NGUYỄN THỊ HIỀN: Di sản văn hóa phi vật thể nói chung và 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh nói riêng đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay, cộng đồng hiện vẫn đang duy trì và thực hành để bảo vệ nó. Công tác bảo vệ hiện nay cũng như các công tác khác liên quan đến di sản đã được thể chế hóa, tức là đã dần hoàn thiện hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương, hình thành một hệ thống pháp lý, Luật Di sản văn hóa, các nghị định, thông tư liên quan đến quản lý, hỗ trợ nguồn lực để bảo vệ di sản.

Nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh đã được Nhà nước quan tâm hơn. Bên cạnh đó các địa phương cũng có nguồn ngân sách để thực hiện các dự án bảo vệ.

Trong đó có việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ trong các dịp quan trọng, truyền dạy trong cộng đồng cho thế hệ trẻ vẫn do cộng đồng thực hiện một cách chủ động, tích cực. Nhiều nghệ nhân mở lớp đào tạo, thành lập các câu lạc bộ như dạy hát Quan họ, hát dân ca Ví, Giặm, Xòe Thái...

Bên cạnh đó, có rất nhiều tổ chức, đơn vị và những người quan tâm, yêu di sản cùng đóng góp công sức, tiền bạc để cùng nhà nước, cộng đồng bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Đó là những hoạt động thiết thực mà chúng ta cần phát huy mạnh mẽ và rộng khắp hơn nữa. Tuy nhiên đối với một số di sản văn hóa phi vật thể, việc xây dựng và triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản như đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO như Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, dân ca Ví, Giặm, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt... chưa được triển khai một cách đồng bộ, thường xuyên từ sau khi được ghi danh.

Đôi khi, do có sự hiểu biết chưa đầy đủ về sự ghi danh, còn có quan điểm cho rằng sự ghi danh trong các danh sách của UNESCO mang tầm quốc tế và tầm quốc gia, nên một số địa phương đã coi sự ghi danh như một “thương hiệu quốc tế” để sử dụng với những mục đích khác nhau như quảng bá phát triển du lịch, hay lập kỷ lục. UNESCO cảnh báo những hoạt động khai thác, quảng bá vì danh hiệu mà không vì mục đích bảo vệ di sản cho cộng đồng.

anh-3.jpg
Nghệ thuật Xòe Thái mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng.

Số lượng 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh có vẻ như đang là khá ít, trong khi đó nền văn hóa của chúng ta còn nhiều loại hình di sản khác cũng xứng đáng được ghi danh. Vậy đâu là những khó khăn trong quá trình làm hồ sơ đệ trình UNESCO, thưa bà?

- Để một di sản được đề cử trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không hề đơn giản. Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia được thẩm định chủ yếu dựa trên hồ sơ khoa học đệ trình lên UNESCO.

Di sản đó có thể hiện được đầy đủ giá trị và ý nghĩa hay không, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hồ sơ đó. Hồ sơ chỉ ra rằng việc ghi danh di sản sẽ góp phần vào tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế và tôn trọng sự đa dạng văn hóa.

Và những người làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể phải tìm cách để giải thích cho các chuyên gia thế giới hiểu về di sản và những thông tin trong hồ sơ trong giới hạn số từ cho phép và tùy theo tiêu chí tối đa 150, 250 hay 500 từ viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp chuẩn xác. Chính vì giới hạn chặt chẽ đó, để thỏa mãn tiêu chí ghi danh, người chấp bút hồ sơ phải viết đi viết lại rất nhiều lần.

Là người đã chấp bút nhiều hồ sơ trình UNESCO, và cũng là người góp mặt trong Hội đồng Thẩm định hồ sơ của Công ước 2023, UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2020, bà có thể chia sẻ về những câu chuyện phía sau các hồ sơ ghi danh này?

- Khi làm hồ sơ, việc khiến tôi căng thẳng nhất là khâu viết nhận diện di sản, vì cần tỉ mẩn từng chữ. Đôi khi một lỗi diễn đạt về nhận diện di sản văn hóa phi vật thể làm trái với tinh thần Công ước 2003 cũng làm trượt cả hồ sơ và nhiều nước đã rơi vào trường hợp này. Như Campuchia từng đệ trình hồ sơ về võ thuật cổ truyền, nhưng do diễn đạt sai, thay vì nói võ để tự vệ trước con người, họ lại chuyển ngữ thành “chống lại loài người”.

Ngoài ra, còn rất nhiều tiểu tiết khác liên quan đến quyền con người, phát triển bền vững mà nếu không có cái nhìn bao quát thực tế, không nắm rõ Công ước, thì rất dễ vi phạm “cấm kỵ” của UNESCO.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng một hồ sơ, tôi đã phải đọc tất cả tài liệu từng nghiên cứu về di sản ấy. Thế nhưng vẫn có trường hợp để tìm 250 (hồ sơ năm nay chỉ có 200 từ) từ mô tả, nhận diện di sản theo tinh thần Công ước 2003, sách vở là chưa đủ, tôi buộc phải lặn lội về địa phương, nơi thực hành di sản để phỏng vấn các nghệ nhân.

Câu chuyện đáng nhớ nhất có lẽ là hành trình tôi đi tìm mô tả cho dân ca Ví, Giặm. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu kỳ cựu ở Việt Nam từng làm về đề tài này, nhưng các công trình chủ yếu nghiên cứu ngôn từ, âm nhạc, còn khía cạnh văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm. Nên khi cần viết 250 từ mô tả, tôi nhận ra nếu viết chung chung, Ví, Giặm cũng sẽ như những dân ca khác.

Vì thế tôi quyết định vào Nghệ An, Hà Tĩnh, phỏng vấn những nghệ nhân, nghệ sĩ và người dân sinh sống nơi đây. Và thật may mắn khi cuối cùng tôi gặp được NSND Hồng Lựu, nhận được câu trả lời: “Ví, Giặm khác Quan họ ở thanh điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và chất giọng riêng của phương ngữ. Tiếp theo là dân ca Ví, Giặm phải thể hiện sự đầm ấm, tình cảm, thiết tha của người dân xứ Nghệ”, lúc đó tôi mới thở phào biết đây là thứ mình cần.

img_7744.jpg
Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Thư Hoàng.

Bà có thể nói rõ hơn về điều mà các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam sẽ nhận được sau khi được UNESCO ghi danh?

- Trong Công ước 2003, Điều 16 đã nêu rõ về mục đích của Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại là nhằm đảm bảo tầm nhìn rõ ràng hơn về di sản văn hóa phi vật thể và nhận thức về tầm quan trọng của chúng, đồng thời khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa.

Khi được UNESCO ghi danh sẽ giúp di sản được bảo vệ tốt hơn, cụ thể với danh sách di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới theo Công ước 1972 là bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực tại thời điểm được ghi danh; đồng thời yêu cầu quốc gia phải có hệ thống bảo vệ và quản lý với đầy đủ nguồn lực để đảm bảo bảo vệ gìn giữ những giá trị này.

Ví dụ Hát Xoan (năm 2009) ban đầu được ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, thì mục tiêu đặt ra là phải phục hồi các làn điệu Hát Xoan cổ trong thời gian ngắn nhất khi các nghệ nhân là những người tích cực và còn có khả năng đảm đương công việc này.

Mục đích ghi danh nhằm triển khai kế hoạch hành động bảo vệ các biện pháp và hoạt động cụ thể để giải quyết thỏa đáng các mối đe dọa được xác định đối với Hát Xoan như tăng cường truyền dạy, tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế cận và dần họ có khả năng truyền dạy trong cộng đồng, mở rộng phạm vi trao truyền di sản trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về di sản trong đời sống văn hóa, xã hội...

Đối với hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, việc ghi danh thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa các cộng đồng, bản hội những người thực hành thờ Mẫu ở Việt Nam và trên thế giới, nâng cao sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại.

Một số di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh được cộng đồng cho là một “niềm tự hào” và coi đó như một cấp bậc. Nhưng từ đó cũng sẽ bắt nguồn những sự “ganh tị” giữa các di sản văn hóa phi vật thể khác chưa được UNESCO ghi danh. Vậy chúng ta cần hiểu đúng ghi danh là gì?

- Việc UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể không phải là những giá trị nổi bật toàn cầu, tầm quốc tế, mà cơ bản di sản đó có những chức năng, ý nghĩa với cộng đồng chủ nhân và được cộng đồng coi là bản sắc, sự kế tục giữa các thế hệ. Với những tiêu chí này thì sự ghi danh di sản văn hóa phi vật thể mang ý nghĩa, giá trị về văn hóa hơn là sự xếp hạng hay đẳng cấp.

Bởi vậy nếu có cách hiểu ghi danh di sản là danh hiệu hấp dẫn có thể dẫn đến những hành động trái ngược với tinh thần của Công ước. Việc ghi danh không khiến cho một di sản “cao quý” hơn những di sản chưa được ghi danh. Phải hiểu đúng, để không tạo ra sự thất vọng với cộng đồng không được ghi danh; cũng không có sự hiểu sai, tự hào thái quá tại nơi được ghi danh.

Việc UNESCO ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng trong các quốc gia với mong muốn cộng đồng quốc tế nâng cao nhận thức về di sản; đối với di sản văn hóa phi vật thể là nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng, khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa.

Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, không nhằm đem lại lợi ích vật chất, mà quan trọng hàng đầu là hướng tới việc bảo vệ di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Điều quan trọng sau khi được ghi danh là việc thực hành của cộng đồng cũng như công chúng nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản. Nhưng trong năm 2023 vừa qua đã có một số sự việc lùm xùm liên quan đến sân khấu hóa di sản văn hóa phi vật thể, chẳng hạn như đưa nét văn hóa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lên sân khấu. Điều đó có ảnh hưởng như thế nào đến di sản văn hóa phi vật thể này, thưa bà?

- Với Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh năm 2016, hồ sơ thể hiện rõ những yếu tố của thực hành tín ngưỡng trong không gian điện thần, lễ hội và tế lễ liên quan. Còn câu chuyện lên đồng trên sân khấu là trình diễn mang tính chất nghệ thuật. Nếu sự trình diễn nằm ngoài không gian thiêng và không phải là những buổi lễ lên đồng mà theo việc nhà thánh các ông đồng, bà đồng phải “bắc ghế” hầu, hay những thực hành khác liên quan thì đó không phải là một phần của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được ghi danh.

Lễ lên đồng trên sân khấu mang tính nghệ thuật, theo tôi sẽ làm tăng thêm giá trị và sức hấp dẫn của sự kiện như là một loại hình sân khấu hóa. Trình diễn trên sân khấu nên phát huy tối đa các yếu tố nghệ thuật của trình diễn lên đồng.

Khán giả cần được thưởng thức màn trình diễn duy mỹ, tinh tế như một tác phẩm nghệ thuật sân khấu. Còn những show mang tính nửa sân khấu, nửa nghi lễ theo tôi là phản cảm và còn vi phạm những quy trình và thể thức của nghi lễ mang tính tâm linh và “phạm thánh”. Làm nghi lễ thì phải “đúng kiểu”, nếu không sẽ bị các ngài “phạt”. Đã đưa lên sân khấu, thì nên tách khỏi nghi lễ và chỉ có phần diễn mang tính nghệ thuật.

Bởi thế mới thấy không gian, bối cảnh thực hành có vai trò rất quan trọng đối với các di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh?

- Đúng vậy. Với một vài di sản, UNESCO không chỉ ghi danh riêng loại hình di sản mà còn coi trọng cả không gian, bối cảnh để di sản đó tồn tại. Với 15 trường hợp di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, hiện có các trường hợp cần cảnh báo như không gian trình diễn hát Xoan được mở rộng, những đền thờ mới trong Khu di tích lịch sử văn hóa đền Hùng (Phú Thọ) được xây thêm.

Bên cạnh đó, các tour du lịch cũng được kết nối với sân khấu hay “nhà hát Xoan” mới được xây hay trong những không gian ngoài lễ hội truyền thống tôn thờ thành hoàng làng ở 4 làng Xoan cổ. Những điều này được coi là làm thay đổi nhận thức về những giá trị vốn có của di sản để đáp ứng nhu cầu của người ngoài cộng đồng - khách du lịch và Hướng dẫn thực hiện Công ước 2003 cảnh báo những hoạt động trình diễn phi bối cảnh và phi tự nhiên của di sản.

Ngoài ra, có những di sản văn hóa phi vật thể chưa được UNESCO ghi danh nhưng đang có nguy cơ thất truyền như Sử thi Tây Nguyên hay lễ Đâm Trâu, bởi bối cảnh thực hành đang dần hạn hẹp, bị mất hoặc bị tác động bởi nhiều lý do khác nhau, nên rất cần sự nỗ lực của Nhà nước, của chính quyền hơn nữa để tập trung nguồn lực và hỗ trợ nghệ nhân để trao truyền.

Ngoài không gian thì vấn đề cốt lõi để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đó là con người. Vậy vai trò của cộng đồng sẽ ngày càng phải đặc biệt và quan trọng hơn?

- Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể có thể gọi là cuộc cách mạng vì tiếp cận từ dưới lên, từ cộng đồng, khi Công ước đánh giá cao vai trò của cộng đồng và những người sáng tạo, trao truyền duy trì và thực hành di sản.

Vì thế vai trò của cộng đồng đối với di sản là mang tính chủ chốt, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về mặt chính sách, nguồn lực, di sản đó được thực hành như thế nào, được bảo vệ ra sao là phải do cộng đồng chủ động.

Đấy là tinh thần của Công ước nên vì thế mà các hồ sơ liên quan đến di sản ở Việt Nam đã làm rất rõ về vai trò cộng đồng, từ việc nhận diện di sản đến việc đề xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản.

Với di sản văn hóa phi vật thể, thay vì ưu tiên khai thác di sản, điều cần quan tâm là hỗ trợ cộng đồng để bảo vệ di sản, phát huy chức năng của di sản đối với cộng đồng. Phải bảo vệ tầm nhìn, giá trị, bản sắc cũng như đảm bảo sự kế thừa, truyền dạy, hỗ trợ nghệ nhân về điều kiện, không gian, dụng cụ thực hành di sản. Sự nhận thức và sự đồng thuận từ bên trong cộng đồng là yếu tố rất quan trọng.

Nếu cộng đồng nhận thấy không còn nhu cầu duy trì hoặc trong bối cảnh xã hội hiện tại, một thực hành nào đó không còn phù hợp với đời sống cộng đồng, thì mọi sự can thiệp từ bên ngoài đều không còn nhiều ý nghĩa. Vì vậy, để phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cần nhận thức rõ hơn về vai trò của mình như là những người đồng hành, và luôn đặt cộng đồng ở vị trí trung tâm.

Có thể thấy, di sản văn hóa phi vật thể là một nguồn lực để phát triển bền vững và công nghiệp văn hóa. Theo bà, trong thời gian tới chúng ta cần làm gì để khai thác giá trị từ những di sản này?

- Điều quan trọng nhất để phát triển bền vững dựa vào di sản văn hóa phi vật thể chính là tuân thủ các vấn đề đạo đức về di sản. Cộng đồng phải là người được hưởng lợi từ chính di sản của họ. Còn để phát triển công nghiệp văn hóa dựa vào di sản, thì điều này đòi hỏi chính những người sáng tác, người sáng tạo, cần biết cách sử dụng các mô típ, những dạng thức của di sản văn hóa phi vật thể để tạo ra một loại hình mang tính nghệ thuật, hay sân khấu, một thứ gì đó có thể đáp ứng nhu cầu của con người, xã hội, hay có thể bán được, có thể trình diễn để thu tiền được.

Điều đó phụ thuộc khá nhiều vào tài năng và bản lĩnh của các đạo diễn, những người sáng tác âm nhạc... tạo nên những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của xã hội.

Với Dự thảo Luật Di sản văn hóa đang trong thời gian sửa đổi, để đáp ứng được yêu cầu của Công ước 2003, và nhu cầu thực tiễn của các di sản văn hóa phi vật thể, Giáo sư có những khuyến nghị như thế nào?

- Mặc dù thực thi Công ước 2003 nhưng Luật Di sản văn hóa và quy trình ghi danh di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn có một số điều bất cập. Vậy nên, cần có những điều khoản cụ thể về mục đích của ghi danh di sản văn hóa phi vật thể, tránh sự hiểu lầm và làm sai lệch sự ghi danh di sản hướng tới việc bảo vệ di sản tốt hơn.

Ngoài ra, cần có thêm những thông tư, nghị định quy định rõ ràng hơn các tiêu chí ghi danh, sửa đổi mẫu hồ sơ/lý lịch khoa học, hướng dẫn cụ thể làm hồ sơ ghi danh trong danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa và đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, và những vấn đề về đạo đức trong thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Lễ lên đồng trên sân khấu mang tính nghệ thuật, theo tôi sẽ làm tăng thêm giá trị và sức hấp dẫn của sự kiện như là một loại hình sân khấu hóa. Trình diễn trên sân khấu nên phát huy tối đa các yếu tố nghệ thuật của trình diễn lên đồng. Khán giả cần được thưởng thức màn trình diễn duy mỹ, tinh tế như một tác phẩm nghệ thuật sân khấu. Còn những show mang tính nửa sân khấu, nửa nghi lễ theo tôi là phản cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra thương hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO